Thành công từ trong gian khó - Câu chuyện hay để suy ngẫm

Từ trong gian khó” – một cụm từ mà mình nghĩ hẳn mỗi chúng ta, khi đọc nó ra, cũng có thể hình dung đầy đủ ý nghĩa mà cụm từ này muốn diễn tả. Và quả thực đúng là như vậy. Để có được thành công vĩ đại mà người đời ca tụng, ngưỡng mộ, lấy làm tấm gương học tập, các bậc vĩ nhân trên thế giới đã phải trải qua biết bao gian khó, khổ cực, cay đắng, thậm chí là tủi nhục. Mỗi một thành công của họ là biết bao giọt mồ hôi, nước mắt đã rơi xuống. Nào ai biết đằng sau những ánh hào quang vang dội đó là hàng chục năm, thậm chí cả đời khổ công học tập, vượt qua cái đói cái khổ, vượt qua bất hạnh của bản thân, vượt qua miệng lưỡi độc ác của những con người vô tâm ngoài xã hội - nơi mà các bậc vĩ nhân đó đang sống.


Thành công từ trong gian khó - Câu chuyện hay để suy ngẫm


Cũng chính vì lẽ đó, hôm nay mình muốn kể với các bạn về một tấm gương, một danh nhân trên thế giới. Ông cũng từ trong gian khó để vươn mình trở thành người có cống hiến vĩ đại cho lịch sử nhân loại. Tâm, đức và tài của ông đã mang tới niềm tin, niềm hi vọng cho biết bao con người trên thế giới. Ông chính là nhân vật chính trong bộ truyện tranh “Từ trong gian khó” do nhà xuất bản trẻ ấn hành vào năm 2000. Tên tuổi của ông có thể nhiều người chưa biết tới nhưng ở Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Phi đều nhớ tới ông như là đại biểu của ý chí kiên cường, của lòng bác ái và nhiệt tâm với mọi người. Ông chính là nhà vi khuẩn học Hideyo Noguchi.
Câu chuyện mình kể có thể tốn một khoảng thời gian hơi dài chút xíu với mọi người. Nhưng bản thân mình thì thấy như vậy vẫn chưa thể mô tả một cách toàn diện cuộc đời của ông, để mỗi khi chúng ta nhớ tới ông, có thể cảm nhận hết những gì mà ông đã trải qua, những gì ông đã cống hiến cho xã hội. Vì thế mình mong các bạn hãy dành 30 phút hoặc 1 giờ để đọc câu chuyện mình kể về ông nhé!

Câu chuyện xin được bắt đầu…
***
Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Hideyo Noguchi, tên thường gọi là Seiso. Tôi sinh năm 1876 tại một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Fukushima, Nhật Bản. Câu chuyện của tôi bắt đầu vào một buổi trưa của năm 1884. Đó là năm tôi 7 tuổi, cái tuổi đến trường như bao bạn bè khác. Giống như bao buổi trưa, khi đã đến giờ ăn cơm, tôi lại lấy cớ về nhà ăn rồi sẽ quay lại học. Chẳng hiểu sao hôm đó lũ bạn, sau khi nghe tôi nói vậy thì lại xầm xì nhỏ to rằng:
– Hứ, về nhà ăn cơm rồi quay lại sao? Xạo vừa thôi.
– Chẳng mang cơm theo mới nói dối như vậy.
– Bởi vì nhà nó nghèo lắm! Không có tiền cho nó mang cơm theo.
– Ha ha ha…Nghèo thật là không hay ho gì!


Tiếng cười chế nhạo của lũ bạn như những mũi tên tẩm thuốc độc, đâm vào trái tim nhỏ bé của tôi. Tôi lầm lũi bỏ đi, đến chỗ vắng vẻ thường ngày để cho cơn đói đang cồn cào trong ruột gan của mình trôi qua. Tôi nhìn bóng mình lẻ loi, cô độc,rách rưới và đáng thương dưới làn nước trong vắt bên bờ sông. Chẳng hiểu sao nước mắt tôi bỗng giàn giụa chảy ra. Tôi thương cho số phận hẩm hiu của mình. Lũ bạn nói đúng, tôi là con nhà nghèo. Nhà tôi nghèo đến nỗi không có cơm trưa để mang đi. Ở cái tuổi vô lo vô nghĩ nhưng tôi đã “người lớn” lắm rồi. Tôi thương mẹ phải làm việc quần quật nhưng vẫn không đủ nuôi gia đình. Càng thương mẹ bao nhiêu tôi càng muốn làm mẹ vui vẻ, không bận tâm tới tôi bấy nhiêu. Vì thế, thay vì mỗi buổi trưa ở lại trường, ăn những miếng cơm ngon lành thì tôi lại lang thang đâu đó, chờ cho hết giờ cơm mới quay lại trường học tiếp. Mặc cho cơn đói vẫn đang sôi sục trong bụng, mặc cho lũ bạn chỉ trỏ, chế giễu.
Vâng, tôi mọi ngày đều như vậy nhưng hôm nay, nỗi buồn gặm nhấm tôi sâu hơn, rút hết ý chí nhỏ nhoi trong tôi. Tôi cảm thấy bất lực và tủi nhục quá. Rồi tôi lại nhìn bàn tay trái của mình. Bàn tay bị quấn băng suốt 5 năm nay. Tại sao tôi lại bị thế này? Tôi cũng không biết nữa. Chỉ nghe mẹ kể là hồi hai tuổi, một lần do không cẩn thận, tôi sa vào bếp lửa đang cháy rừng rực. Lúc đó mẹ tôi đi làm về, nhìn thấy cảnh tượng này bà kinh hoàng suýt ngất đi. Bà vội vàng kéo tôi ra khỏi đống lửa và tức tốc mang tôi tới bệnh viện. Tuy nhiên, mặc dù giữ được tính mạng nhưng bàn tay của tôi từ đó bị hỏng nghiêm trọng, không cách nào hồi phục như bình thường được. Bởi vậy, 5 năm nay tôi đã quen với bàn tay bị quấn băng chằng chịt của mình. Tôi quen với việc chỉ dùng được tay phải còn tay trái thì coi như vứt đi.
Hồi bé tôi nghĩ đơn thuần rằng, chỉ cần một tay thôi cũng chẳng sao. Nhưng đó đều là tự tôi an ủi mình. Cho đến khi tới trường học, bị người ta chế nhạo và tủi nhục hết lần này sang lần khác tôi mới nhận ra, tất cả những gì tôi phải chịu đựng đều từ bàn tay trái này mà ra. Phải, chỉ vì nó mà tôi không dám đến trường, tôi không dám chơi với ai. Tất cả là tại nó, tại bàn tay đáng ghét này. Tôi….tôi chắc sẽ không đến trường nữa…hu hu…
Buổi chiều hôm đó tôi đã không đến trường như thường ngày, tôi không có can đảm quay lại cái nơi mà tôi bị sỉ nhục thậm tệ. Tôi trốn chạy. Tôi muốn một mình. Nhưng nào có được yên thân đâu. Mấy đứa bạn xấu, khi thấy tôi không đến lớp, thấy tôi bị lãnh điểm 0 cho bài kiểm tra toán, đã đuổi theo tôi và đánh đấm tôi túi bụi. Chúng toàn là những đứa to con, còn tôi chỉ là một đứa bé còi cọc, gầy yếu. Tôi sao chịu được những trận đòn đau của chúng. Nhưng rồi tôi cũng phải cố gồng mình để chúng đánh. Thà im lặng để chúng đánh chán sẽ bỏ đi, còn hơn là phản ứng lại. Bởi nếu vậy tôi chỉ còn nước “thừa sống thiếu chết” mà thôi. Tôi đã có kinh nghiệm thương đau về việc này lắm rồi.
Cũng may, có một số bạn khi thấy tôi bị đánh đã đến an ủi tôi. Chỉ cần một chút quan tâm vậy thôi cũng đủ để sưởi ấm con tim giá lạnh của tôi. Tôi cảm thấy ấm áp lạ lùng. Tôi cố gắng trấn an các bạn tôi. Hay là tôi đang tự thương cho tình cảnh của mình. Tôi cũng không rõ nữa. Bước chân tôi cô độc trên con đường về. Trời đã tối rồi. Nhưng mà tôi vẫn bước đi. Trong đầu luôn lặp đi lặp lại câu hỏi “Vì sao tôi bất hạnh thế này? Trời phật ơi, tại sao ông nỡ đối xử không công bằng với con như vậy? Con sai chỗ nào mà ông nỡ làm con bị hỏng bàn tay trái?”. Tôi gào lên, nước mắt đầm đìa cả khuôn mặt nhưng tôi cũng không buồn lau chúng đi. Trái tim tôi đang âm ỉ đau. Đau quá cơ!
Trời đã về khuya lúc nào mà tôi chẳng hay. Ánh trăng chiếu xuống làm khung cảnh càng trở nên hiu quạnh. Bước chân vô định của tôi chẳng hiểu sao lại tới chỗ của mẹ. Tôi tìm tới mẹ bởi vì chỉ có mẹ là hiểu tôi, chỉ có mẹ là an ủi tôi, chỉ có mẹ- với tình yêu thương vô bờ bến, một tình yêu khắc cốt ghi tâm, mới có thể vực dậy tôi, vực dậy con tim yếu đuối và vô vọng của tôi. Vâng, chỉ có mẹ thôi. Tôi chạy ào vào lòng mẹ, khóc nức nở “ Mẹ ơi! Mẹ ơi! Hu…hu..” Bao nỗi cay đắng, bao niềm tủi nhục, tất cả theo tiếng gọi này mà tràn ra. Tôi khóc như mưa trong lòng mẹ. Khóc đến cạn khô cả nước mắt. Mẹ không nói gì, cứ để tôi khóc cho vơi đi niềm đau. Rồi bà dịu dàng an ủi tôi “Seiso, mặt của con sao vậy? Mặt con dính đầy bùn đất này! Con…con lại bị các bạn ăn hiếp phải không?” Tôi lẳng lặng không trả lời mẹ. Nhưng mẹ hiểu cả. Bà cũng đau nỗi đau của con trai.
Nhưng bà mạnh mẽ hơn tôi tưởng gấp nhiều lần. Bà bỗng đứng thẳng dậy, tiếng nói cao hẳn lên “Seiso, con cũng phải cho chúng biết mặt đi! Con nhất định cũng có những điểm mạnh nào đó! Hãy dùng những điểm mạnh ấy làm cho những kẻ kia biết mặt. SEISO!” Tôi nhìn mẹ ngơ ngác rồi lẩm bẩm “Nhưng mẹ nói điểm mạnh…đầu óc con kém cỏi, vả lại…tay của con thế này…” Mẹ lặng yên không nói, bà muốn để tôi tự mình suy ngẫm. Và tôi cũng cần như vậy…cần một khoảng thời gian để tìm ra điểm mạnh của mình.
Vài ngày sau, trên lớp thầy giáo thông báo về bài kiểm tra tập làm văn. Chủ đề của bài văn là “Ai là người quan trọng nhất đối với tôi?”. Khi nghe đến đề bài này tôi thầm nghĩ tới mẹ. Hình ảnh mẹ như hiển hiện trước mặt tôi. Không đắn đo gì cả, tôi lao vào làm bài với tất cả tình yêu thương dồn nén dành cho mẹ. Tôi đặt hết cả trái tim của mình vào đó. Tất cả nỗi cơ cực, sự chịu thương chịu khó, sự hi sinh không đắn đo của bà…Tất cả tôi đều viết vào trong bài văn của mình. Với tôi, không từ ngữ nào có thể mô tả hết niềm kính yêu của tôi dành cho mẹ. Mẹ…là tất cả đối với tôi.
Ngày hôm sau, thầy giáo trả bài kiểm tra văn kèm theo nhận xét từng bài. Mấy đứa bạn xấu của tôi bị thầy giáo phê bình trước lớp vì chúng làm bài quá kém. Tôi lo lắng quá. Không biết bài của mình như thế nào. Rồi cũng đến lúc thầy giáo thông báo về bài kiểm tra đạt điểm tối đa. Lúc thầy đọc bài văn ấy, một cảm giác kinh ngạc lẫn sững sờ bỗng vụt tới, nhấn chìm tôi, khiến tôi như người mất hồn. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa quên cái cảm giác ấy, chưa quên về lần kiểm tra đó, bởi từ đây, con đường tôi đi sẽ thực sự sang một trang mới. Tôi còn nhớ như in bài văn đầu đời của mình. Để tôi gửi tới các bạn bài làm của tôi hồi đó nha!
“Người quan trọng nhất đối với tôi."
Người quan trọng nhất đối với tôi đó chính là mẹ tôi. Bàn tay của mẹ tôi một màu đen sạm. Từ sáng sớm tới tối mịt mẹ cầm cuốc ra đồng làm cỏ, đến bờ hồ múc nước tưới, làm việc rất vất vả. Dù cho mưa gió bão bùng, mẹ vẫn cố gắng làm lụng. Cho nên bàn tay của mẹ mới đen sạm một màu, mới lồi lõm sần sùi, đầy những vết sẹo. Nhưng…Nhưng tôi yêu vô cùng đôi bàn tay ấy. Bởi vì sự ấm áp của đôi bàn tay mẹ, không có bàn tay ai so sánh được.
Dù có nhiều chuyện thương đau, nhiều chuyện buồn phiền, chỉ cần được bàn tay của mẹ ôm ấp là lòng tôi bình yên như đứa trẻ thơ. Trong giấc ngủ tôi quay về với nguồn cội cõi lòng, khiến tôi có thể an tâm đi vào cõi mơ. Bàn tay của mẹ sáng trong, không kém bất kỳ báu vật nào trên thế giới. Mẹ của tôi, đối với tôi, trên đời có một không hai, là người quan trọng nhất của tôi!”
Bài văn ấy của tôi là bài văn đạt điểm tối đa -100 điểm. Đây là lần đầu tiên tôi đạt được điểm tối đa. Tôi tung tăng chạy về định khoe với mẹ, tin chắc là mẹ sẽ rất vui mừng. Bỗng nhiên tôi nhìn thấy mấy đứa bạn xấu. Chúng đang chặn đường tôi. Lòng tôi chợt sợ hãi “Là bọn Josen. Lại bị bắt nạt nữa rồi! Tại sao…Tại sao cứ bắt nạt tôi thế?”. Nhưng trái ngược hẳn với suy nghĩ của tôi, bọn chúng để tôi đi. Tôi không hiểu tại sao chúng lại bỏ đi như vậy, cho đến khi bạn của tôi nói với tôi rằng “ Xem kìa bọn chúng! Bởi vì Seiso đạt điểm tối đa, bọn chúng ngơ ngác cả ra.” , “Bọn chúng có vẻ sợ Seiso rồi. Seiso, bạn không bị ăn hiếp nữa”. Và tới tận lúc đó, tôi mới chợt nhận ra “Chăm chỉ. Chỉ cần tôi chăm chỉ thì sẽ không bị người ta cười chê. Có thật vậy không? Có thật là chỉ cần chăm chỉ thì…”.
Kể từ cái ngày định mệnh ấy, tôi bỗng thay đổi 180 độ. Tôi lao vào học như điên, từ sáng sớm tới tối khuya, bất kể lúc nào tôi cũng học, học và học. Kết quả không phụ lòng mong muốn của tôi, tôi tiến bộ một cách rõ rệt, điểm số không ngừng được nâng lên. Tôi trở thành niềm tự hào đối với thầy cô và cả mẹ tôi nữa. Tôi cũng dần lấy lại niềm tin vào bản thân mình. Tôi thấy sức mạnh đang cuồn cuộn chảy trong từng tế bào, từng thớ thịt của mình. Chăm chỉ, hết sức chăm chỉ– chính là điểm mạnh của tôi.
Cho tới kỳ thi năm lớp 4 tiểu học, tôi lúc này đã là học sinh giỏi nhất lớp và được thầy chủ nhiệm cho vinh dự trở thành một Seicho của lớp (Seicho là chức vụ đặt ra cho học sinh có thành tích học tập cả năm xuất sắc nhất, có thể thay thầy giảng bài. Đây là quy tắc được đặt ra từ thời Minh Trị thiên hoàng, áp dụng cho những nơi mà thầy giáo không đủ).
Quả thực, khi nghe được tin này, tôi mừng lắm. Chẳng phải Seicho là thể hiện cho việc là người giỏi nhất trong trường sao? Đây là niềm mơ ước của biết bao bạn học sinh, là niềm tự hào cho bất cứ người nào được vinh danh là Seicho đó thôi. Nhưng liệu tôi, liệu tôi có thể làm Seicho được không? Tôi như này liệu có xứng đáng là Seicho không? Tôi trầm ngâm suy nghĩ.
Một lần nữa, bước chân không tự chủ lại tới chỗ mẹ đang làm, nhìn thấy bóng dáng nhỏ nhoi của mẹ đang quăng lưới bắt tôm, bên cạnh mẹ, bóng chiều bảng lảng, như xa như gần. Mẹ nhìn thấy tôi thì lo lắng hỏi ngay “Thế nào? Con lại bị bắt nạt hả?”. “ Dạ không…thực ra…thực ra…lần này con ở trường được làm Seicho ạ!”. Mẹ nghe vậy không tin hỏi lại tôi “Seicho à? Có thật vậy không con?”. Tôi gật đầu thay cho câu trả lời. Mẹ lại hỏi tiếp “ Ở trường được đứng đầu hả?”. Tôi cũng chỉ có thể đáp lại “Vâng, đứng đầu”. Tới lúc này, giọng mẹ tôi dường như mạnh mẽ hơn, bà gằn giọng “Không chịu thua bất cứ người nào, đúng không?”. Cảm nhận được ý chí của mẹ, tôi cũng bất giác trở nên kiên cường hơn. “Vâng, KHÔNG THUA BẤT CỨ AI, KHÔNG THUA BẤT CỨ NGƯỜI NÀO CẢ!” – Tôi mạnh mẽ khẳng định với mẹ.


Bỗng nhiên, tôi thấy mẹ ôm chầm lấy mình, nước mắt mẹ rơi xuống ướt đẫm bờ vai của tôi. Những giọt nước mắt sung sướng, những giọt nước mắt tự hào của mẹ làm con tim tôi đập rộn ràng. Mẹ ơi, cuối cùng thì con đã làm được điều mẹ hằng mong muốn rồi. Cuối cùng con cũng không phụ lòng mong mỏi của mẹ rồi. Tôi muốn nói cho mẹ biết lắm nhưng không hiểu sao tiếng nói ra tới cổ đành nuốt vào, tôi nghẹn ngào ôm lấy mẹ.
Buổi tối hôm đó, có một bất ngờ rất lớn dành cho tôi. Mẹ và em gái đã chuẩn bị sẵn cho tôi một bộ âu phục rất đẹp. Phải, là một bộ âu phục rất mới và rất đẹp. Chưa bao giờ tôi được mặc một bộ quần áo nào đẹp như thế này cả. Tôi biết rằng để có thể mua bộ quần áo mắc tiền này mẹ phải đi vay mượn của người khác. Mẹ lại phải nai lưng ra làm việc để trả nợ người ta. Tôi càng thương mẹ nhiều hơn.
Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì cha tôi về tới nhà. Ông không thèm nhìn tôi lấy một lần, không nghe mẹ nói là tôi được làm Seicho. Ông chỉ hùng hổ lao về chỗ cất tiền của mẹ và quát lên “Đưa tiền đây! Đưa tiền để ta đi uống rượu. Tiền ở đâu rồi? Mau đưa đây không ta đập nát cái nhà này bây giờ!” Những tiếng khóc lóc, van xin của mẹ và em gái, những câu chửi mắng thô lỗ của cha tôi, tất cả, tất cả làm tôi như điên lên. Tôi lao vào cha tôi và gào lên “Dừng tay! Cha dừng tay đi! Vì sao cha cứ uống rượu như vậy? Nhà nghèo túng, cha phải có trách nhiệm chứ?”. Thế nhưng, ông chẳng những không nghe lời tôi mà còn đẩy ngã tôi. Tôi định tiếp tục nhưng mẹ tôi chợt nói “Seiso thôi đi! Nghe lời mẹ, mau thôi đi. Để tùy ý cha con”.
Sau khi cha tôi lấy tiền và bỏ đi, tôi lập tức quay sang hỏi mẹ “Mẹ ơi, tại sao để mặc cha vậy?”. Đáp lại lời tôi, mẹ chỉ nhẹ nhàng nói “Cha con cũng là người đáng thương. Sau này con sẽ biết”. Sau này, vâng, mãi cho tới sau này, khi tôi lớn lên, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, tôi mới hiểu hết lời mẹ nói. Nhưng lúc bấy giờ, trong tâm trí non nớt của một đứa trẻ 8,9 tuổi, tôi không nhận ra. Tôi nói với mẹ rằng “ Mẹ cực khổ làm lụng, ông ấy thì lấy tiền đi uống rượu, đánh bạc. Trong nhà ông ấy chẳng có chút trách nhiệm. Làm cha như thế thà không có cha còn hơn. Mẹ cứ cam chịu mãi như thế mà được sao?”. Mẹ chỉ mỉm cười nói với tôi “Mẹ như thế này vẫn còn hạnh phúc lắm con ạ!”. Tôi không hiểu được mẹ mình nữa. Sống trong địa ngục như thế này mà mẹ vẫn cho là hạnh phúc ư?
Sau đó, Mẹ đã kể cho tôi nghe về cuộc đời của mẹ. Cảnh mẹ không có người thân nào bên cạnh cả, bố mẹ thì bỏ đi, chỉ có mỗi bà cố là quan tâm, yêu thương. Nhưng rồi bà cố cũng mất đi. Với mẹ, những ngày tháng không ai bên cạnh là những ngày đầy đau khổ và cô đơn của mẹ. Giờ đây, hạnh phúc với mẹ là có chúng tôi ở bên cạnh, có cha ở bên cạnh dù rằng ông suốt ngày say xỉn, cờ bạc.
Đêm xuống, tôi nằm thao thức mãi không ngủ được. Trong tôi cứ trăn trở mãi câu nói của mẹ “Chỉ cần có gia đình là mẹ hạnh phúc rồi”. Với mẹ, hạnh phúc chỉ giản đơn như vậy. Còn với tôi thì sao? Hạnh phúc là cái gì? Thế nào mới là hạnh phúc? Bị người ta hiếp đáp có phải là hạnh phúc không? Học tập chăm chỉ có phải là hạnh phúc không? Không, tôi cảm thấy không phải chỉ có những việc ấy mà thôi. Hạnh phúc. Hạnh phúc. Hạnh phúc…Đối với tôi mà nói, cái gọi là hạnh phúc.. Cuối cùng là gì?
Ngày hôm sau, khi ánh nắng bình minh chiếu những tia sáng ấm áp tới mọi ngóc ngách của ngôi làng, khi tiếng chim hót ríu rít như hát vang lên bài ca bất tận của cuộc sống, tôi ra đồng tìm mẹ. Tôi nói với mẹ rằng “Thưa mẹ, con nói mẹ đừng cười con nha! Tối qua con đã suy nghĩ lại. Con…con…sau…sau này…CON MUỐN LÀM THẦY GIÁO”. Mẹ sửng sốt hỏi lại tôi “Thầy giáo ư?”. “Đúng mẹ ạ!”. Rồi tôi đưa cánh tay trái của mình lên “ Chỉ cần cánh tay này tốt. Nếu cánh tay này mà tốt thì con có thể xuống ruộng giúp mẹ làm lụng, cũng có thể làm quân nhân. Có thể làm việc tốt hơn…Để cho mẹ đỡ vất vả một phần. Nhưng.. Tay của con trở thành như thế này…không thể làm nông dân hay quân nhân. Bởi vậy con cảm thấy, con chỉ có thể làm một thầy giáo. Con nhận thấy chỉ đi con đường ấy mới được. Làm thầy giáo nhà ta sẽ không nghèo mãi như thế này. Lại không bị người khác chê cười, cũng có thể nhận được lương. CON PHẢI LÀM CHO MẸ NHẸ BỚT CỰC KHỔ.” Tôi vẫn tiếp tục dòng cảm xúc của mình: “Với lại hôm qua mẹ nói rằng hiện tại như thế này cũng là hạnh phúc. CON MUỐN LÀM CHO MẸ CÀNG THÊM HẠNH PHÚC. KHÔNG MUỐN MẸ CHỊU THÊM ĐAU KHỔ NỮA. CHO NÊN… CẦN HẠNH PHÚC HƠN…”
Nghe tôi nói thế, mẹ bỗng cầm cái cuốc lên, quay đầu và lầm bẩm nói “Được rồi, đi làm thôi! Seiso muốn đi làm thầy giáo thì mình càng phải cố gắng làm mới được. Không cật lực làm lụng là không được.”
Nhìn bóng dáng mẹ trở lại với công việc, tôi biết mẹ đang rất xúc động, mẹ không muốn tôi thấy giọt nước mắt mà mẹ đang cố kiềm chế để đừng chảy ra. Tôi biết…mẹ thực sự là đang cố gắng, giống như tôi… để cuộc đời trở nên hạnh phúc hơn. Tôi ngước lên nhìn bầu trời. Bầu trời hôm nay đẹp lạ lùng, trong xanh đến lạ lùng. Tôi mỉm cười và tự hứa với bản thân “Mình muốn dùng đôi mắt này để xem, hạnh phúc rốt cuộc là cái gì? Đúng vậy. Mình nhất định.. Nhất định phải tìm cho ra hạnh phúc. DÙNG ĐÔI MẮT NÀY! DÙNG ĐÔI TAY NÀY! DÙNG ĐÔI CHÂN NÀY!”
Tôi hăng hái lên lớp, hi vọng mang tất cả những gì mình biết để hướng dẫn cho các bạn. Tôi hi vọng thật nhiều. Nhưng đổi lại, cái tôi nhận được là những ánh mắt chế giễu của bạn bè. Chẳng ai nghe tôi nói. Chẳng ai để ý tới sự tồn tại của tôi. Ngay cả các bạn Odesu và Sanko- những người bạn tốt nhất của tôi, cũng bỏ mặc tôi, bơ vơ đứng trên bục giảng. Trái tim tôi lại một lần nữa rơi xuống vực thẳm.
Tôi không biết bằng cách nào mình ra khỏi trường được nữa. Tôi chỉ tỉnh lại khi thấy lũ bạn xấu vẫn trêu trọc tôi hồi nào, đang hùng hổ lao vào tôi. Chúng nói với tôi rằng “Đừng cho rằng mày làm thầy giáo mà lên mặt. Thằng quỷ nghèo đói kia. Mày làm thầy giáo hả?”. Rồi chúng túm lấy cánh tay trái của tôi “Xem cái tay này của mày. Dựa vào cái gì mà để loại người như mày lại dạy cho chúng tao học hả?”. Vừa nói, bọn chúng vừa xúm lại đánh đấm tôi, đứa thì giựt tóc, đứa thì xé quần áo. Miệng bọn chúng không ngừng tuôn ra những lời cay nghiệt “Mặc bộ đồ không tương xứng, giả dạng một thầy giáo phụ”, “Đáng cười chết đi được”, “Chắc hắn lại là mượn tiền mua”, “Đã nghèo còn bày đặt làm dáng”.
Chưa ngừng ở đó, bọn chúng tiếp tục đâm vào trái tim tôi những lời thật độc địa “Nhà nó nghèo tới mức không thể nghèo hơn. Nghe nói có khi chẳng còn gì ăn, thì ăn cả phân bò”. Chúng cười phá lên, tàn nhẫn nắm đầu tôi, ấn đầu tôi xuống bãi phân bò ngay bên cạnh. Vừa nhấn chúng vừa thốt lên “Này, Seiso mau ăn đi! Đói bụng rồi phải không? Đừng khách sáo!”. Mặc cho tôi kêu cứu, mặc cho ánh nhìn khẩn cầu của tôi, mặc cho sự thất vọng tràn trề của tôi khi những người bạn tôi vẫn coi là tốt nhất, đang dửng dưng nhìn tôi bị bọn bạn xấu sỉ nhục. Tất cả bọn chúng không ngừng thương tổn tôi. Chúng lấy những cục đá to đùng, ra sức ném vào tôi. Đầu tôi đau quá.Chân tay tôi cũng đau nữa. Người tôi cũng đau. Tất cả trong tôi đều đau đến cực hạn. Máu me chảy khắp người tôi. Thế nhưng bọn chúng vẫn không dừng lại. Chúng tiếp tục ấn đầu tôi xuống bãi phân bò. “Hiểu chưa Seiso? Nếu hiểu thì ăn đi! Bảo mày ăn thì mày phải ăn”, “Nào, ăn đi, ăn đi, ha ha…”, “Seiso mày nghe tao nói đây! Mày có học nữa cũng vô ích thôi! Nếu như muốn vĩ đại hơn bọn tao, thì không thể được”
Tôi không biết cơn ác mộng này sẽ kéo dài tới khi nào. Có phải tôi đã chết rồi không? Chết là hết. Chết là chấm dứt mọi đau khổ. Phải vậy không?
Nhiều năm sau nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy như mơ. Nếu ngày hôm đó mẹ tôi không đến sớm một chút, không quát mắng và đuổi bọn chúng đi thì có lẽ, tôi đã vĩnh biệt cái thế giới này rồi. Mẹ tới bên tôi, như mọi lần, mang cho tôi những gì ấm áp nhất, ngọt ngào nhất. Thế nhưng, trái tim tôi, đã chết một nửa mất rồi. Lần đầu tiên, tôi nói với mẹ “Mẹ ơi, nói cho con biết. Vì sao? Thế này là thế nào? Tại sao chúng ta nghèo thế này? Tại sao? Tại sao tay của con lại thế này?”. Tôi bỗng giật mạnh lớp băng vẫn bao phủ bàn tay trái ra, quăng nó xuống đất. Bàn tay trái của tôi là đây. Chẳng ra một hình thù gì cả. Chỉ là một cục thịt thừa. Chỉ là sự sỉ nhục của tôi mà thôi. “Tại sao? Tại sao từ trước đến nay toàn bị ăn hiếp? Tại sao trời phật lại không công bằng thế này? Tại sao? Vì cánh tay này mà không trở thành thầy giáo? Nói cho con biết đi mẹ ơi? Tại sao? ” Tôi gào lên thảm thiết, cả người tôi cũng run rẩy theo. Tuyệt vọng. Bất lực. Khổ đau. Tất cả đan xen vào làm tôi thấy mình sao mà nhỏ nhoi, yếu đuối đến thảm thương như vậy.
Mẹ vội vàng ôm lấy tôi vào lòng, chở che cho tôi như hồi tôi còn thơ bé, giọng mẹ cũng nức nở “ Con có oán hận thì hãy oán hận mẹ đi, Seiso! Tay của con trở thành thế này, tất cả là do mẹ không tốt. Có oán hận thì oán hận mẹ của con đi! Nhưng xin con, đừng nhụt chí…Seiso. KHÔNG ĐƯỢC THUA BỌN CHÚNG. Mẹ cũng không chịu thua người khác, cho nên cố gắng làm việc. VÌ VẬY CON CŨNG KHÔNG THỂ CHỊU THUA. Con nhất định không được chịu thua, nghe chưa Seiso!”. Mẹ ôm tôi thật chặt, nước mắt mẹ một lần nữa, ướt đẫm bờ vai của tôi. Trái tim tôi đau một thì trái tim mẹ đau gấp mười, gấp trăm lần. Mẹ ơi…
Hôm sau….
Thời tiết lạnh quá, tuyết rơi trắng xóa cả con đường tôi vẫn đến trường. Do còn dư âm của ngày hôm qua nên tôi thẫn thờ đi, lòng chán nản nghĩ “Đến trường mình lại bị bắt nạt nữa. Không, tôi không xong rồi. Tôi vẫn không muốn đến trường gặp mặt bọn họ. Tôi làm thầy giáo, quả nhiên là miễn cưỡng quá mức. Tôi nghĩ có lẽ làm bất cứ việc gì cũng không thể thành công”. Đang trong lúc mải mê suy nghĩ, tôi chợt nhìn thấy một bóng dáng thân quen. Giữa trời bão tuyết lạnh căm căm, bóng dáng ấy, nhân ảnh ấy vẫn đứng sừng sững, vĩ đại và đẹp đẽ hơn bất cứ thứ gì trên đời này. Là mẹ tôi đó. Người mẹ tảo tần của tôi, mặc cho những cơn gió đang lồng lộn thổi giá lạnh tới, mặc cho bàn tay chảy máu do thời tiết quá tàn nhẫn, mẹ tôi vẫn cặm cụi làm việc. Không có gì ngăn cản được mẹ cả. Thời tiết có khắc nghiệt tới thế nào cũng không làm mẹ khuất phục. Cuộc sống có khó khăn, cùng cực đến thế nào cũng không làm mẹ gục ngã. Mẹ là thành đồng, mẹ là vách đá, là tượng đài trong lòng tôi. Mãi mãi. Bất diệt.
Nhìn bóng dáng ấy dần dần mờ ảo trong mắt tôi, trong cái giá lạnh thấu xương của một ngày mùa đông, tôi nhớ lại lời mẹ nói hôm qua “KHÔNG ĐƯỢC CHỊU THUA BỌN CHÚNG, SEISO! Mẹ cũng cật lực làm việc. Cho nên con phải cố gắng!”. Phải. Tôi nhất định không chịu thua. Tôi không thể bỏ cuộc được. Tôi không thể làm mẹ đau lòng. Tôi không thể làm mẹ thất vọng được. Tôi phải mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần. Tôi phải mang tới hạnh phúc cho mẹ.
Quay đầu trở lại, nhìn về phía con đường dẫn tới trường học, tôi không còn thấy mình nhỏ bé, sợ sệt nữa. Sức mạnh lại về trong tôi. Tôi băng băng chạy về phía trước. Nơi đó, dù trong bão tuyết nhạt nhòa, vẫn ánh lên tia sáng của niềm hi vọng, của một niềm tin, của một tương lai tươi đẹp.
Sau này, tôi, bằng nghị lực của mình, đã chứng tỏ cho các bạn trong lớp thấy được một Seiso khác hẳn. Mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn, kiên cường hơn. Kết quả cuối năm, thành tích học tập của cả lớp đều đi lên, bao gồm cả lũ bạn xấu vẫn chế giễu tôi. Thầy giáo tuyên dương tôi khắp lớp.
Nhưng đáng ngạc nhiên hơn cả là Josen, kẻ cầm đầu đám bắt nạt. Lúc tôi trên đường về nhà, hắn gặp tôi, nhưng lần này không đánh tôi, chỉ nói với tôi rằng “Mày đừng cho rằng giúp chúng tao đọc sách, kết quả học tập của chúng tao tiến bộ thì có thể lên mặt”. Đang trong lúc tôi ngơ ngác thì hắn nói thêm “Nhưng mà…tao vẫn có chút cảm ơn mày. Mày dạy chúng tao, làm cho chúng tao đạt kết quả tiến bộ, đó là sự thật không thể chối cãi. Tuy không phục nhưng tao vẫn thừa nhận. Sang năm là tốt nghiệp tiểu học. Tao tốt nghiệp xong sẽ kế thừa gia sản làm ruộng. Suốt đời nỗ lực mà làm việc. Seiso?”. Hắn bỗng hỏi tôi “Mày nói muốn làm thầy giáo đúng không?”. Tôi chưa kịp tiêu hóa những điều Josen nói nên cứ đứng đực ra đó. Hắn lại hỏi thêm lần nữa “Đúng không?”. Rồi không chờ tôi trả lời, hắn tự lự nói “Mày..có lẽ làm được cũng không chừng!”. “Hả?”- Josen nói gì mà tôi không hiểu vậy? Có thật đây là Josen thường ngày không? Tôi còn đang lơ ngơ thì hắn đã nói quát to “Tao nói, mày có khả năng làm được thầy giáo. Hãy cố gắng lên!”. Nói xong, Josen quay đầu bỏ đi, để lại mình tôi, đứng như trời trồng tại đó.
Tôi không biết mình lúc đó đã vui sướng như thế nào. Cuối cùng tôi cũng làm được. Chỉ cần tôi cật lực mà làm, thì nhất định được thừa nhận. Có lẽ tôi thực sự.. Có lẽ, có thể LÀM THẦY GIÁO không biết chừng.
Đó là quãng thời gian tôi nhớ mãi không quên. Dù cho sau này có vào được trung học, học tại một trường nổi tiếng, chỉ dành cho con nhà giàu, dù trải qua biết bao khó khăn gian khổ nhưng không có ai, không có cái gì cản trở được tôi cả. Đi bộ đi học mất 14 km tới trường ư? Không sao cả! Không có sách giáo khoa học ư? Không sao cả! Chỉ cần tôi chịu khó đi mượn lại những cuốn sách của các anh chị khóa trên- những quyển sách đã nhàu nát, rách bươm bả.
Tôi cặm cụi thu lượm và ghép chúng lại thành một cuốn sách khá hoàn chỉnh, chỉ thiếu ít trang. Tôi và Ihano- một người bạn tôi quen tại lớp, một người có hoàn cảnh cũng vô cùng đáng thương- cả hai chúng tôi cùng xem cuốn sách đó. Kết quả thật không ngờ. Bài kiểm tra toán lần đó Ihano được 60 điểm, còn tôi…Tôi được những 100 điểm- điểm tuyệt đối đầu tiên của tôi tại trường trung học.
Khi nhìn thấy điểm số của tôi, mấy đứa bạn nhà giàu không tin được. Chúng không tin cũng phải thôi. Vì một phần trong bài thi rơi vào đúng chỗ thiếu trong cuốn sách mà tôi gom được. Nhưng chúng nào có biết, tôi đâu chỉ học trong sách. Tôi học thuộc tất cả cách giải phương trình và các công thức mà thầy viết lên bảng khi lên lớp, không sót một chữ nào. Dù đó là phương trình khó và phức tạp đến như thế nào. Không ai thấu hiểu được cả. Bởi tôi chẳng còn cách nào khác. TRONG HOÀN CẢNH TỆ HẠI NHẤT, CÁI GÌ CŨNG LÀM NÊN.
Sau lần đó, mặc dù đã có sách học nhưng do sách thiếu nhiều trang nên tôi quyết tâm tìm cách để mua cho được một cuốn sách mới. Vận may đã tới với tôi. Một lần, nghe đồn trên núi có ma, Ihano rủ tôi tới xem. Hóa ra trên núi chẳng có con ma nào cả. Chỉ có một người lạ mặt, nói một thứ tiếng mà tôi chưa bao giờ biết tới. Thế rồi tôi cũng biết, ông là người nước ngoài. Thứ tiếng mà ông nói là tiếng Anh. Nhưng tại cái thị trấn này, ông lại bơ vơ lạc lõng vì không ai hiểu ông nói gì.
Tôi không biết lúc đó ma xui, quỷ khiến thế nào bỗng dưng nảy ra ý tưởng. Tôi cần học tiếng Anh. Học cấp tốc. Để có thể nói chuyện với người nước ngoài kia. Thế là tôi thu hết can đảm, tới phòng của thầy Shorin- người thầy có khuôn mặt dữ tợn vô cùng nhưng lại có một tấm lòng bồ tát. Tôi mượn thầy cuốn từ điển tiếng Anh. Khi đã có trong tay cuốn từ điển vô giá này, tôi lao đầu vào học tiếng Anh. Học ngày, học đêm. Có hôm tôi thức tới gần sáng. “Trời không phụ người có lòng”. Sau một tháng, tình cờ người nước ngoài lần trước tới lớp tôi. Tôi đem ngay số vốn liếng tiếng anh mà mình mới học được ra nói chuyện với ông. Ông Hube- tên người nước ngoài ấy vô cùng ấn tượng với tôi. Nhân dịp may hiếm có này, tôi đề nghị làm phiên dịch cho ông. Tôi sẽ giúp ông hiểu được cuộc sống ở Nhật Bản, đồng thời cũng dạy tiếng Nhật cho ông luôn.
Nhờ cơ hội làm việc cùng ông Hube, tôi không những mua đủ sách để học mà còn tặng cho bạn Ihano. Không những vậy, thời gian tôi làm phiên dịch cho ông Hube, tôi học được rất nhiều bài học đáng giá.
Và có lẽ lần ấn tượng nhất với tôi đó là lần cùng ông đi nghiên cứu hoạt động của núi lửa. Ông Hube nói với tôi rằng “Ta sinh trưởng ở nước Mỹ, là một đất nước bình đẳng.” Nghe thấy thế tôi hỏi lại ông “Bình đẳng ấy hả ông?” Ông trả lời tôi “Đúng vậy. Người sống ở Mỹ, điểm khởi đầu đều như nhau. Mọi người đều có cơ hội. Chỉ cần có chút tài năng và sự nỗ lực, thì bất cứ ai cũng đều có thể làm tổng thống. Nước Mỹ quả thực là một quốc gia như thế!”. Tôi chợt hỏi lại ông “Vậy, nếu tôi sống ở Mỹ.. cũng có ngày thành đạt?”. Ông trả lời tôi, một câu trả lời mà suốt đời tôi không quên “Đương nhiên rồi! Nhưng sống ở Nhật Bản cũng có khả năng. Điều quan trọng nhất là…”. Ông lấy tay chỉ vào nơi trái tim đang đập thình thịch của tôi, rồi nói tiếp “CÁI NÀY! Phải giữ lấy lòng nhiệt thành, Seiso! Cậu có ít hay nhiều lòng nhiệt thành, điều đó quyết định tương lai của cậu. Cậu còn trẻ, việc gì cũng phải chiến đấu. Được hay thua bây giờ mới bắt đầu, Seiso hãy chiến đấu!”
Câu nói của ông đã giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đã giúp tôi thêm niềm tin, tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục cố gắng. Tôi không chịu thua những kẻ hiếp đáp tôi nữa. Tôi chiến đấu để bảo vệ bản thân, bảo vệ ước mơ của chính mình. Không có ai đánh gục được tôi cả.
Ba năm cấp hai dần trôi qua. Để tiếp tục ước mơ làm thầy giáo của tôi, mẹ khuyến khích tôi học lên cao. Mẹ nói rằng “Chuyện tiền bạc, mẹ sẽ nghĩ cách. Dù như thế nào, mẹ cũng cố gắng cho con làm thầy giáo. Mẹ sẽ nỗ lực làm việc, cho nên con cứ gắng sức học lên cao, làm thầy giáo nhé!”. Ngay cả cha tôi, người cha mà tôi đã mất hết hi vọng vào sự thay đổi của ông, khi nghe tin tôi có thể vào học sư phạm cũng nói với tôi “Cố…cố gắng lên…!”. Tất cả đều tốt đẹp. Chỉ chờ giấy gọi nhập học của trường sư phạm- ngôi trường mà thầy Shorin viết thư giới thiệu tôi tới đó học.
Nhưng lại một lần nữa, số phận như trêu ngươi tôi. Là vì cánh tay trái này mà tôi không thể làm được thầy giáo. Họ không chấp nhận một người giáo viên tàn tật như tôi. Tôi đau đớn vô cùng. Trong lúc giận dữ, tôi đã muốn dùng tảng đá để đập nát cánh tay mình ra “Vì sao? Vì sao cái cánh tay này cứ mãi cản trở tôi. Cánh tay này…Cánh tay này…hu hu..hu”. Tôi lấy đá đập mạnh vào bàn tay mình. Nỗi đau thân thể sao có thể sánh được với nỗi đau trong lòng. Dù sau đó thầy Shorin đã ngăn cản được tôi, nhưng tận sâu trong tim mình, nỗi tuyệt vọng vẫn cứ lan tràn, gặm nhấm tôi “Ta thật là…chẳng có cách nào thực hiện ước mơ của mình. Làm thầy giáo, đó là con đường sau cùng còn lại của mình. Ngay cả giấc mơ này, ta cũng chẳng thực hiện được”.
Tôi mang cả nỗi tuyệt vọng đó vào trong bài văn cuối cùng trước khi tốt nghiệp. Ngày đó, tôi đứng trước tất cả lớp, giọng run run “Tôi đã từng…muốn trở thành thầy giáo. Tôi…tôi…tôi căm ghét cái tay trái của mình. Nó đã đoạt mất tất cả, ngay giấc mơ trở thành thầy giáo của tôi. Tôi hận cánh tay trái này. Tay trái của tôi cứ mãi làm cho tôi phiền não. Dù như thế nào, cánh tay trái của tôi lôi kéo tôi vào bóng đêm tăm tối. Trong một đêm nào đó, tỉnh dậy từ cơn ác mộng, tôi cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Hiện thực vẫn là cơn ác mộng kéo dài. Tôi muốn đôi tay hoàn chỉnh. Muốn giống với mọi người. Cánh tay trái. Nếu như cánh tay không có vấn đề gì thì tôi có thể xòe các ngón tay, dùng tay trái cầm lấy bát cơm mà ăn. Có thể dùng hai bàn tay, cầm chắc cái cuốc, thay mẹ xuống ruộng làm lụng. Mỗi ngón tay của tôi có thể cảm nhận được cảm xúc từ những giọt mồ hôi. Chỉ cần cánh tay đầy đủ kiện toàn. Chỉ cần cánh tay bình thường, tôi không có mong cầu gì khác. Cho dù nghèo khổ tôi cũng vui lòng. Tôi…tôi…tôi rất ghét cánh tay trái này.”
Đọc xong bài văn mà nước mắt tôi đầm đìa, cứ ngỡ nhận được sự trêu trọc của bạn bè. Nhưng làm tôi kinh ngạc là các bạn không những không cười tôi mà tất cả mọi người, kể cả những bạn mà trước giờ vẫn bắt nạt tôi, đều xúc động với bài văn đó. Họ đã quyên góp cho tôi thật nhiều tiền để có thể phẫu thuật bàn tay trái. Họ mang lại cho tôi hi vọng trở thành một thầy giáo. Thật sự cảm ơn các bạn nhiều lắm.
Rồi cuối cùng cũng tới ngày tôi được phẫu thuật. Bác sỹ phẫu thuật cho tôi là Tobumi, một bác sỹ đầu ngành tại Nhật Bản, đã từng sang Mỹ để học chuyên sâu về y học. Ca phẫu thuật tiến hành rất thuận lợi. Ngày đầu tiên tôi được mở lớp băng, đập vào mắt tôi là một bàn tay năm ngón, tuy không dài và đẹp như bàn tay phải nhưng chúng cũng không khác gì bàn tay của mọi người. Tôi hân hoan, vui sướng dùng bàn tay trái của mình mà cảm nhận thế giới. Thế nhưng, niềm vui này chỉ kéo dài đúng một ngày. Sáng sớm hôm sau, khi tôi tỉnh dậy và muốn thử cảm giác tuyệt vời do bàn tay trái mang lại thì bỗng sững sờ. Những ngón tay trên bàn tay trái của tôi, chúng, tất cả chúng đều co quắp lại, không thể khôi phục như bình thường. Dù tôi có muốn thế nào thì chúng không thể duỗi thẳng ra được nữa.
Theo lời bác sỹ Tobumi thì tại vì y học ở thời điểm đó chưa có kỹ thuật cấy ghép da. Không cấy ghép da thì cơ bắp vẫn hoạt động theo quán tính của mình. Do đó, thịt ngón tay của tôi bị cắt làm xảy ra co quắp, không cách nào khôi phục lại trạng thái bình thường. Rất bất hạnh là do sự hạn chế của y học lúc bấy giờ. Lại càng bất hạnh hơn là…xã hội lúc ấy không đứng về phía tôi.
Ước mơ cuối cùng của tôi – ước mơ trở thành thầy giáo đành tan theo mây khói. Tôi tuyệt vọng lê bước đi. Không có một bàn tay bình thường để có thể làm mọi việc dễ dàng. Không có bàn tay bình thường để làm một thầy giáo vĩ đại. Vậy thì từ nay về sau, tôi phải làm thế nào đây? Trước mắt tôi giờ đã không có con đường nào để đi cả rồi. Mọi cánh cửa đều khép lại rồi. Tôi chỉ nhìn thấy quanh tôi một bóng đêm dày đặc. Không lối thoát.
Và có lẽ tôi sẽ mãi chìm đắm trong sự chán nản tuyệt vọng ấy, nếu không có cuộc nói chuyện giữa thầy Shorin, mẹ tôi và tôi. Thầy nói rằng, nếu không làm thầy giáo được thì có thể học nghề. Học nghề thầy thuốc. Chính nhờ ý tưởng chợt lóe lên này của thầy mà tôi tỉnh giấc khỏi cơn mê bấy lâu nay. Phải. Tại sao tôi không nghĩ ra nhỉ? Bác sĩ? Bác sĩ? Bác sĩ? Hai từ này cứ lặp đi lặp lại, vang vọng trong đầu tôi. Tôi quyết tâm nắm chặt lấy cái phao cứu sinh duy nhất này. Nhất định không buông tay.
Tôi chồm lên hỏi thầy Shorin “Thưa thầy, muốn làm bác sĩ, nên làm thế nào ạ?”. Thầy nói với tôi rằng “Bác sĩ? Seiso, em đừng có so sánh thì tốt hơn. Muốn làm bác sĩ thực là vô cùng khó khăn. Cả nước có hàng ngàn người dự thi ngành y. Thi đậu bác sĩ thì chỉ có 2,3 người mỗi năm. Thi bốn năm lần mới đậu đã là chuyện hiếm có. Nhiều người thi suốt đời cũng không đậu. Làm bác sĩ khó thế đấy!”. Nhưng dù khó khăn thì sao? Tôi còn có con đường nào khác sao? Đã không thể làm thầy giáo…Lại càng không thể làm ruộng. Tôi muốn một con đường để đi. Đời người chỉ có một lần. Cuộc sống quý giá vô ngần lắm. Tôi không có con đường đi nào khác. Thay vì phải chờ đợi để chết dần chết mòn trong sự thương hại, chế giễu của mọi người, chết dần chết mòn trong sự tuyệt vọng của một con người vô dụng. Thay vào đó, tại sao tôi không thử liều một phen. TÔI MUỐN LÀM BÁC SĨ. Tôi muốn làm bác sĩ để cứu sống mọi người.
Dù cho thầy Shorin có ngăn cản tôi thế nào, thuyết phục tôi rằng nó quá khó với tôi thì tâm tôi đã quyết. Tôi nghẹn ngào nói với thầy “Để trở thành bác sĩ em chỉ có thể dựa vào thầy Shorin. Thầy ơi, cầu xin thầy. Em van xin thầy. Nguyện vọng cả đời của em, lại nhận được sự trợ giúp của mọi người. Phẫu thuật tốn nhiều tiền.Thế mà kết quả là thế này đây”- tôi giơ bàn tay trái co quắp của mình lên “Em hận y học hiện nay! Đỉnh cao của nó chỉ như thế này sao? Nếu em đợi sự tiến bộ của y học…thì em… em biến khỏi thế giới này thì hơn. Khi không thực hiện được ước vọng của mình. Trong tương lai, nếu ai đó cùng cảnh ngộ như em. Không có tiền em cũng trị khỏi cho người ấy. Sẽ chữa khỏi cho người ấy. Dù là bệnh gì, dù là vết thương gì, em cũng điều trị khỏi. Nhất định thế. Cho nên…Em cầu xin thầy, thầy ơi!” Tôi dập đầu liên tục trước mặt thầy. Có lẽ thấy sự thành tâm của tôi, thầy đã đồng ý giới thiệu tôi tới bệnh viện Kaishi của bác sĩ Tobumi.
***
Từ đây, tôi bắt đầu bước sang một cuộc sống mới. Tôi đặt dấu chân mình trên con đường chinh phục ước mơ - TRỞ THÀNH BÁC SĨ
Vậy là câu chuyện về bác sĩ, nhà vi khuẩn học Hideyo Noguchi đến đây là kết thúc rồi. Có thể nhiều bạn thắc mắc là về sau, Noguchi làm thế nào để trở thành bác sĩ, ông đã trải qua những cay đắng, gian khổ nào nữa? Thành tựu mà ông đạt được trong y học là gì? Ông có ảnh hưởng như thế nào đối với thế giới? Thực ra, câu trả lời các bạn có thể tìm thấy trên mạng, hoặc trong 10 tập bản tiếng Việt của bộ truyện tranh “Từ trong gian khó”, hoặc nếu bạn biết tiếng Nhật thì có thể đọc trọn bộ 17 cuốn “Từ trong gian khó” để hiểu hơn về ông. Điều đó, nếu biết được thì rất tốt. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài viết này (thực ra nó quá dài rồi ấy chứ), với những gì mình đọc được từ 5 tập đầu của truyện, chúng ta cũng đã có những hiểu biết nhất định về ông. Mình tin chắc rằng, ngay hồi thơ bé, dù gặp phải vô vàn gian khó, hi vọng rồi thất vọng. Thất vọng rồi lại hi vọng. Dù chuyện gì xảy ra, ông cũng không bỏ cuộc, không bao giờ khuất phục. Một con người như thế thì khi trưởng thành sẽ như thế nào? Câu trả lời, hẳn là không cần nói ra…
Quay về với bản thân mình, lý do khiến mình “thần tượng” Hideyo Noguchi thật ra rất đơn giản. Đó là mình gặp ở ông một sự đồng cảm sâu sắc. MẸ. Phải, một từ đơn giản như vậy thôi nhưng chứa đựng biết bao nhiêu là tình cảm. Những thành công trong cuộc đời Noguchi có lẽ không tách rời sự dạy dỗ của mẹ ông. Một người mẹ tuyệt vời. Và vì thế mới có một Noguchi vĩ đại đến vậy.


Khi đọc câu chuyện về ông, về mẹ ông thì trong thâm tâm mình chợt nhớ tới mẹ. Dù mẹ mình không cực khổ như mẹ Noguchi. Mình cũng không có được ý chí, lòng quả cảm

1 nhận xét:

  1. 20230704: hôm nay mình nhờ quan tâm đến nghề voice, dẫn mình đến H Manga, và đã đặt trọn bộ 17 quyển này (ngay khi đọc đoạn kết của bài viết, i love mom, too)

    Trả lờiXóa

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.