Làm thế nào để giao tiếp thân thiện, khéo léo và gây ấn tượng

Giao tiếp với nhau và với nhiều đối tượng thuộc các tầng lớp trong xã hội là việc mà mỗi chúng ta phải làm hàng ngày. Có những người khi nói chuyện và giao tiếp thì luôn thể hiện được sự thân thiện, khéo léo và luôn thu hút gây ấn tượng cho người nghe. Vậy làm thế nào để giao tiếp ứng xử một cách khôn khéo và lôi cuốn luôn là vấn đề mà nhiều người muốn quan tâm. 

Mặc dù bạn có thể là người rất khéo trong khi trò chuyện nhưng để bắt đầu một câu chuyện nào đó thì lại gặp khó khăn, hoặc đôi khi bạn thấy không biết nên kết thúc cuộc nói chuyện như thế nào cho hợp lý và ấn tượng. Và chính sự tinh tế, khéo léo trong cách ứng xử với mọi người đã giúp cho chúng ta đạt tới một nghệ thuật, nghệ thuật giao tiếp. Những mẹo vặt về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trò chuyện được đề cập trong bài viết dưới đây có thể sẽ giúp bạn thực sự tự tin hơn để giao tiếp một cách thân thiện, khéo léo và gây ấn tượng mạnh với đối phương.
Làm thế nào để giao tiếp thân thiện, khéo léo và gây ấn tượng

9 nghệ thuật giao tiếp thân thiện, khéo léo và thành công

1. Chuẩn bị tốt cho một cuộc gặp mặt để gây ấn tượng ban đầu

Để có sự khởi đầu tốt cho một cuộc trò chuyện khi bắt đầu một cuộc gặp, việc đầu tiên bạn cần quan tâm đó là cần phải chuẩn bị tốt một số vấn đề nội dung để trao đổi, trò chuyện và các câu hỏi có liên quan đến vấn đề mà mình đang nói tới. Trong trường hợp bạn đã gặp người đang nói chuyện cùng mình nhưng vì lâu không gặp thì bạn nên cố gắng nhớ được những thông tin về người đó, những hoạt động yêu thích, những thói quen, ít nhất là những vấn đề chung liên quan đến cả hai người, bạn và họ. 

Hãy luôn nhớ rằng ấn tượng ban đầu trong lần gặp gỡ đầu tiên thực sự có ý nghĩa rất quan trọng, có thể đây chính là yếu tố quyết định sự thành công của cuộc gặp gỡ và buổi nói chuyện. Do đó để người nói chuyện cùng mình có những ấn tượng sâu sắc về bạn trong một thời gian ngắn thì mỗi hành vi ứng xử của bạn phải thực sự thân thiện, khéo léo. Vì vậy việc thường xuyên chú ý trau dồi năng lực bản thân và hình thành cho mình những thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày là rất cần thiết.

2. Hãy là người nói lời chào đầu tiên


Có thể bạn và họ đã gặp nhau nhưng không chắc họ còn nhớ mình hay không, vậy nên khi bắt đầu nói chuyện hãy là người đầu tiên nói lời chào và giới thiệu luôn tên bạn để tránh trường hợp đối phương lúng túng và bối rối. Và bạn cũng đừng quên tên tuổi và thông tin của đối phương trong quá trình trò chuyện. Mỉm cười và bắt tay cũng là hành động không thể thiếu trong khi gặp gỡ và chào hỏi đối phương.

3. Hãy bắt đầu câu chuyện bằng các câu hỏi mở


Những câu hỏi mở thường là những câu hỏi chẳng liên quan đến nội dung của buổi nói chuyện. Là những câu hỏi nhưng không nhất thiết phải đợi họ trả lời. Khéo léo đưa ra các câu hỏi về thời tiết, về các chuyến đi, về những người xung quanh, ... ví dụ như câu hỏi “Mọi người tham dự có vẻ rất đầy đủ, anh đến đây được bao lâu rồi?” cũng là một trong những lựa chọn để bắt đầu cuộc trò chuyện chính thức một cách thân thiện và gây ấn tượng

4. Hãy là người biết lắng nghe và đưa ra các ý kiến phản hồi 

Trong khi giao tiếp, không ai muốn bị người khác chen ngang vào khi đang nói về vấn đề gì đó. Vì vậy sự lắng nghe cũng là một trong những nghệ thuật để cuộc trò chuyện được thành công. Lắng nghe, mắt nhìn đối phương và gật đầu đồng ý (tuyệt đối không được liếc qua liếc lại nơi mà hai người đang trò chuyện khi người đó đang nói) nghĩa là bạn đang khéo léo thể hiện sự thân thiện trong giao tiếp rằng bạn cũng rất quan tâm về nội dung câu chuyện của người đang nói. 

Song song với việc lắng nghe, bạn cũng nên chọn đúng thời điểm thích hợp để đưa ra các ý kiến phản hồi để tích cực đóng góp cho nội dung câu chuyện cả hai người đang đề cập đến. "Bạn nghĩ sao về ...", "Bạn đã từng để ý đến ...", "Nếu ... thì ....", là những câu bạn có thể đưa ra những phản hồi của mình. Vì vậy bạn phải luôn cập nhật những thông tin thời sự, những sự kiện gần đây nhất để mỗi khi trò chuyện với ai đó bạn sẽ biết cách để đưa ra các ý kiến phản hồi.

5. Đừng bao giờ tập trung nói về chuyện của bản thân và hãy biết khen chê thích hợp

Những người nói năng khoác lác sẽ không tạo được lòng tin ở người khác bởi vì họ không biết bạn lúc nào nói thật và lúc nào giả dối. Vậy nên trong các cuộc nói chuyện bạn đừng nên nói nhiều và nói quá về bản thân mình, bởi vì như thế đối phương sẽ nhàm chán và bắt đầu hoài nghi về năng lực thực sự của bạn. Đôi khi bạn cũng có thể nói quá đi một chút về bản thân, nhưng đừng có lạm dụng liên tục, hãy biết dừng đúng thời điểm phù hợp. 
Trong lúc nói chuyện, việc khen người khác đúng lúc đúng chỗ cũng có nghĩa là tự khen bản thân mình. Tuyệt đối không được chê bai đối phương theo cách nói thẳng nói thật, hãy khéo léo và thân thiện đưa ra các ví dụ minh họa để thể hiện sự không hợp lý hoặc không đúng của người đó. 
Dân gian có câu:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Nếu đối phương có những ý kiến phê bình, phản đối và chê bai bạn thì bạn tuyệt đối đừng bao giờ sử dụng những ngôn từ, lời nói nặng nề mang tính chất bực tức, hằn học để đáp lại, thay vào đó hãy giữ bình tĩnh và dùng những lời nói nhẹ nhàng nhưng hàm ý những nội dung ý nghĩa sâu xa.

Biết cách khen chê, phản hồi hợp lý với những lời khen chê của đối phương là một trong những nghệ thuật giao tiếp, nghệ thuật ứng xử thực sự quan trọng và cần thiết để gây được nhiều ấn tượng trong giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày.

6. Hãy tiếp cận mọi vấn đề một cách hài hước và hóm hỉnh

Hài hước là một nghệ thuật hết sức quan trọng và cần thiết trong giao tiếp ứng xử. Laphôngten đã từng nói “Khi bạn nổi cáu ta hãy đùa lại một câu” . Biết thể hiện sự hài hước đúng lúc chính là chìa khóa quan trọng để mở "cánh cửa lòng" để giải quyết những mâu thuẫn và xung đột căng thẳng trong giao tiếp ứng xử. 
Những ngôn từ đối đáp khôn ngoan thông minh thể hiện bằng những cách nói hài hước để phản đối, phê phán luôn mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với cách đối đáp thông thường. Những lời đối đáp, những câu chuyện cười có nội dung hài hước sẽ làm cho không khí cuộc trò chuyện luôn vui nhộn thoải mái, có thể điều tiết được những xúc cảm cá nhân, ẩn ý và khéo léo nhắc nhở đối phương mà không làm họ phải ngượng ngùng và nổi cáu. 

Tuy nhiên trong những tình huống trang nghiêm, trang trọng thì không nên lạm dụng sự hài hước và hóm hỉnh. Hãy biết hài hước đúng lúc, đúng chỗ và đúng thời điểm.

7. Khéo léo bác bỏ những yêu cầu vô lý của người khác

Có đôi khi bạn gặp phải những người bảo thủ luôn muốn đưa ra những đòi hỏi vô lý để bạn thực hiện. Để không chạm phải lòng tự ái của họ, nhiều khi bạn không thể bác bỏ thẳng thừng những yêu cầu đó. Vậy trong trường hợp đó ta phải làm thế nào? Tốt nhất là hãy thừa nhận đã, sau đó khéo léo chỉ ra sự vô lý hoặc điều không thể thực hiện được.
Cũng có thể cảnh tỉnh người đó bằng việc chỉ ra những điều bất lợi, sự nguy hiểm nếu người đó cứ giữ nguyên ý kiến, nhắm mắt hành động. Chú ý ngôn ngữ không nên gay gắt nhưng tỏ ra cương quyết.

8. Biết sử dụng những câu chuyện ngụ ngôn để truyền đạt những ẩn ý muốn nói

Trong giao tiếp ứng xử, những lời nói lý lẽ trực tiếp đôi khi khó thuyết phục được người khác hoặc có thể làm họ cảm thấy dễ bị tổn thương hoặc phản ứng không tích cực. Vậy nên với những gì không tiện nói thẳng ra, thì người ta sẽ dùng cách nói ẩn ý bằng những câu chuyện ngụ ngôn. Nói cách khác, chúng ta có thể lựa chọn những câu chuyện mang tính chất ngụ ngôn có nội dung ẩn ý bên trong phù hợp với mục đích khuyên răn, khéo léo thuyết phục của mình để kể cho đối phương nghe.
Cái hay của cách nói chuyện này là người nghe phải suy nghĩ thì mới thực sự hiểu hết cái nội hàm ẩn ý bên trong đó. Chính câu chuyện sẽ trực tiếp đưa ra những lời khuyên sâu sắc ý nghĩa chứ không phải người kể chuyện, do đó sẽ tạo được không khí thân thiện hơn trong việc khuyên bảo người nghe để họ không có cảm giác nổi cáu hay bực tức và thậm chí là xấu hổ. 

Tuy nhiên để sử dụng cách giao tiếp hiệu quả này thì người dùng phải thực sự hiểu rõ về câu chuyện phù hợp với khả năng thấu hiểu của người nghe, vì nếu câu chuyện ngụ ngôn được kể mà người nghe không hiểu gì cả thì sẽ không có tác dụng gì.

9. Biết cách thể hiện ngôn ngữ cơ thể phù hợp

Ngôn ngữ có thể đôi khi có tác dụng rất hiệu quả trong việc giao tiếp thành công và tạo ấn tượng tốt. Bởi vì ngôn ngữ cơ thể được sử dụng phù hợp với lời nói sẽ thể hiện được rõ bạn là người như thế nào. 
Hãy luôn nhớ rằng, mục đích của các cuộc giao tiếp gặp gỡ là để lại ấn tượng tốt với mọi người, từ đó tạo dựng và duy trì được mối quan hệ lâu dài và bền vững. Chính vì thế trong giao tiếp ứng xử bạn luôn cần phải thực sự khéo léo, thân thiện và nhạy bén trong mọi tình huống có thể xảy ra để sau khi kết thúc cuộc trò chuyện bạn để lại dấu ấn khó quên với đối phương.

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.