Biết đủ sẽ không bao giờ thấy khổ
Bạn tôi hay giúp đỡ
một bác có hoàn cảnh rất khó khăn. Bác bị mù nên phải bán chổi để nuôi đứa con
thiểu năng của mình. Thỉnh thoảng bạn tôi lại tranh thủ gửi con để ù về quê
biếu bác ít tiền mua gạo, mua dầu mỡ mắm muối, ... lo lắng sắp đặt đâu vào đó rồi
mới yên tâm đi được. Đợt vừa rồi về bạn lên kể bác ốm không đi bán hàng được.
Vậy mà hỏi lấy tiền đâu để sống, bác vẫn bảo còn gạo với ít lạc mà, lo gì. Nhất
định không chịu gọi điện cho, cũng chẳng xin xỏ ai cái gì bao giờ.
Nghe bạn kể, tôi thấy
ngưỡng mộ bác quá. Một người hiếm có. Một người nghèo nhưng lại biết thế nào là
đủ. Biết đủ là biết hài lòng với những gì mình hiện có, không khao khát, ngõi
ngọp những thứ không phải của mình. Dù rằng ngoài kia người ta có ăn sơn hào
hải vị, có đua nhau ăn thịt bò Úc, gà Mỹ, hay sữa Nhật, ... thì cũng mặc kệ họ.
Mình được hai bữa cơm với củ lạc cũng thấy may mắn lắm rồi. Thế chẳng sung
sướng hơn chán vạn những người ăn cơm với thịt mà chẳng thấy ngon, ngủ trên
giường đệm dát vàng mà trẳn trọc suốt đêm không ngủ được.
Cái sự biết đủ khiến
con người ta không thấy mình khổ. Biết đủ, tức là biết hoàn cảnh của mình thế
nào, khả năng của mình ra sao, số mệnh của mình như thế nào, ... để thấy rằng
với những điều kiện như vậy mình được như thế này, được người nọ ngườ kia
thương cảm giúp đỡ là may lắm rồi. Chứ nếu hoàn cảnh của bác suốt ngày cứ nghĩ
người ta thế này thế kia, so sánh việc người ta lành lặn, may mắn giàu có, ...
còn mình thì đã kém may mắn đủ đường khổ sở đủ đường, rồi thì oán trách ca thán
ông trời rồi lại ao ước này nọ ... thì sẽ càng thấy mình khổ thêm.
Con người ta khổ chính
là vì cái sự không biết thế nào là đủ. Có được một căn nhà nhỏ, một cuộc sống
tạm ổn, chẳng mấy ai thấy thế là đủ. Người ta phải bon chen, bất chấp mọi thứ
để có nhiều tiền hơn nữa, để mua căn nhà mới to hơn, sang trọng hơn. Có nhà to
rồi, vẫn chẳng thỏa mãn, lại phải to hơn nữa, đẹp hơn nữa. Không hài lòng với
hiện tại có thể thúc đẩy con người ta phấn đấu. Nhưng nếu không biết đủ, ta sẽ
chẳng có điểm dừng, để mình bị cuốn vào vòng xoáy của tiền bạc, không cách nào
thoát ra được. Để khi ta hiểu ra thì đã chẳng còn gì. Giống như bà lão trong
câu chuyện ông lão đánh cá và con cá vàng vậy.
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác