Câu chuyện đầy nghị lực của một thầy giáo bị liệt cả hai tay
Các bạn có tin vào phép màu? Các bạn có tin
vào những điều kì diệu của cuộc sống? Ngay lúc này đây, tôi trả lời với các bạn
rằng tôi tin vào những điều đó, tôi tin rằng cuộc sống này thật tươi đẹp, thật
đáng sống, đáng trân trọng! Và những điều kì diệu ấy thật dễ dàng tìm kiếm từ
những điều đơn giản của cuộc sống, từ những con người, những tấm gương vượt khó
xung quanh chúng ta.
Để tôi kể bạn nghe câu chuyện về một con
người tật nguyền, là một tấm gương vượt khó tuyệt vời, một con người làm nên
những điều kì diệu! Đó là Nhà văn, Nhà giáo ưu tú NGUYỄN NGỌC KÝ – “Người viết
nên số phận bằng đôi chân”.
Nguyễn Ngọc Ký sinh ra vào thời kì đất nước
bị giặc Pháp xâm chiếm. Vào một đêm cuối đông, trong chiếc hầm núp
giặc giữa cánh đồng, cậu bé Ký đã bị cảm, vì lần ốm này mà Ký đã bị liệt đôi
tay khi vừa tròn 4 tuổi.
Sau những ngày ốm liệt giường, Ký đã khỏe hơn
nhưng đôi tay trở nên nặng một cách kỳ lạ, cậu không đủ sức để giơ nó lên nữa.
Khi ra ngõ chơi, một người bạn vui mừng chạy đến ôm và kéo cậu đi thì nó bất
ngờ khi thấy tay cậu có gì khác thường: “Ôi, sao tay Ký lại nặng thế này?”.
Bọn trẻ chơi quanh đó xúm lại, đứa sờ, đứa
nghịch và có đứa giật tay cậu bé một cái rồi bỏ chạy kêu lên: “A, Ký què rồi
chúng mày ạ. Ký què … Ký què”. Từ giây phút ấy, Ký thực sự hiểu ra rằng đôi tay
của mình…. đã bị liệt thật rồi . hai dòng lệ ứa chào. Những cảm xúc bối rối và
sợ hãi vây bám cậu, mọi chuyện diễn ra quá nhanh, chỉ vài ngày trước thôi, đôi
tay vẫn còn nguyên vẹn mà giờ nó lại như hai cục thịt vậy ...
Ảnh Internet |
Từ đấy Ký phải sống những ngày tháng buồn
tủi, gò bó với đôi tay hoàn toàn bất động “như chú chim non đang lúc tập bay bị
gãy cánh”. Cậu suốt ngày quanh quẩn ở nhà, không chơi đùa được như trước nữa,
chỉ biết chơi với con chó Vàng nhỏ và một con mèo Mướp. Cậu nhớ lắm những ngày
tháng vui tươi nô đùa thoải mái bên bạn bè, nhớ lắm những ngày đôi tay của cậu
còn lành lặn. Và cũng từ đó, mọi sinh hoạt của Ký đều phải nhờ vào bố mẹ và các
chị.
Năm Ký lên 7 tuổi, nhiều đồn bốt giặc ở quê
đã được phá tan, nhờ vậy mà làng quê trở nên đông vui, nhộn nhịp hẳn lên, các
lớp bình dân học vụ được mở khắp nơi. Có một lớp vỡ lòng được mở trong xóm, trẻ
con nô nức đi học.
Ký cũng muốn đi học, vào những ngày đầu, cậu
chỉ dám đến ngoài cửa lớp nghe cô giáo giảng bài rồi cũng đọc bài theo khi nghe
bọn trẻ trong lớp tập đọc. Vì rất thích đi học nên Ký đã nhờ bố đến xin cô giáo
cho đi học và được đồng ý. Vì tay bị liệt nên bài vở của Ký đều được cô giáo
ghi chép giúp, cậu thấy rất bất tiện và cũng muốn có thể viết được như các bạn
nên đã quyết định tập viết.
Khi nhìn thấy trên những chiếc lá có những
nét vẽ rất đẹp và tinh vi mà con chim gáy dùng mỏ để vẽ, cậu đã nảy ra ý tưởng
dùng miệng để viết. Cách đó đã không thành công. Lúc đang chán nản không biết
sao để viết được, Ký lại thấy những con gà ngoài sân, chúng đang dùng chân bới
rác tìm mồi, cậu liền nghĩ mình cũng có thể dùng chân để viết.
Ảnh internet |
Ký lao ngay vào tập luyện, từ dùng những mẩu
gạch non viết trên nền sân, sau đó mới chuyển sang dùng bút chì để viết vào vở.
Việc tập viết bằng chân đối với Ký gặp rất nhiều khó khăn, có lúc bực vì mãi
không viết được cậu quẳng sách và bút đi, nhưng rồi lại gượng dậy tập tiếp. Có
những lúc hai ngón chân sưng lên và gây cho cậu những đau đớn, cậu vẫn nhắc
mình phải tiếp tục.
Cậu cố gắng rất nhiều, kiên trì ngày ngày
luyện tập, nhờ sự giúp đỡ của cô giáo và một người bạn thân, Ký đã có thể viết
được bằng chân sau mấy tháng luyện tập. Chữ của cậu cũng ngày càng tiến bộ và
đẹp hơn.
Có những lúc khi thấy con trai loay hoay mãi
mà không viết được chữ, bố cậu đã khuyên cậu nên bỏ cuộc. Người bạn thân giúp
Ký tập viết cũng từng nói cậu nên bỏ đi, chắc chẳng bao giờ thành công. Những
người hàng xóm cũng nói rằng làm sao có thể dùng chân mà viết được chứ? ...
Nhưng Ký vẫn luôn tin rằng mình sẽ viết được và cậu đã chứng minh được điều đó.
Không những kiên trì với những mục tiêu mình
muốn, Ký luôn luôn nghĩ làm sao để có thể làm tốt nhất và cậu rất sáng tạo
trong những thứ mình làm.
Thời gian học các môn thủ công từ đan lát đến
khâu vá, Ký đều đã làm được. Lớp được chuyển sang môn thủ công mới đó là cắt
chữ. Gần đến ngày 19-5 sinh nhật Bác, thầy giáo yêu cầu cả lớp cắt khẩu hiệu:
“HỒ CHỦ TỊCH MUÔN NĂM”, riêng Ký thì thầy cho miễn.
Nhưng với tinh thần tự giác và sự háo hức kì
lạ, Ký quyết tâm phải cắt bằng được khẩu hiệu này và dự định sau khi chấm điểm
xong sẽ mang về dán ngay dưới tấm ảnh Bác ở giữa nhà vào đúng dịp sinh nhật
Bác.
Dùng một chân không được, cậu chuyển sang cầm
kéo bằng hai chân nhưng như vậy thì không có chân nào giữ giấy để cắt thành chữ
được, bất lực cậu nằm khóc. Sau đó, Ký lại thử cách cầm một mắt kéo bằng chân
phải, mắt kéo kia tựa xuống giường, chân trái cầm giấy nhưng khi cắt thì giấy
lại không đứt do hai lưỡi kéo không nghiền sát vào nhau. Cậu nhờ bố bẻ cong hai
lưỡi kéo, lần này đã cắt được giấy nhưng đường cắt luôn nham nhở vì phải dùng
chân trái mở kéo sau mỗi lần cắt.
Cuối cùng Ký nghĩ ra cách bẻ thẳng lưỡi kéo
trở lại và dùng gót chân trái điều khiển mắt kéo còn lại thay vì tựa vào
giường.Với cách cắt này Ký đã có thể cắt chữ theo ý mình. Những lúc ngồi cắt,
cậu thỉnh thoảng nhìn lên tấm ảnh của Bác và cảm thấy như Bác đang động viên
mình phải cắt thật đẹp.
Sau rất nhiều lần cắt và chỉnh sửa, Ký đã
hoàn thành xong bài thủ công và được thầy giáo cho điểm 10 trước sự ngạc nhiên
vô cùng của các bạn trong lớp. Nhận bài về, cậu nhờ Bằng- bạn thân của mình bắc
ghế dán ngay dưới ảnh Bác. Mỗi khi nhìn vào khẩu hiệu đó, Ký luôn có cảm giác
Bác đang mỉm cười và nói với cậu: “Cháu hãy cố gắng nhiều nữa nhé”.
Trong thơ Tố Hữu có câu:
“Thua ván này ta bày ván khác
Có can chi miễn được cuộc cuối cùng”
Có can chi miễn được cuộc cuối cùng”
Đây cũng là phương châm làm việc và học tập
của Nguyễn Ngọc Ký, cách này không được thì thử cách khác và cho đến bao giờ
hoàn thành được việc muốn làm thì thôi.
Sau này khi đã trở thành một nhà giáo, thầy
Nguyễn Ngọc Ký cũng luôn có những sáng tạo, cách giảng bài rất độc đáo của
mình. Thầy đã có 1042 buổi giao lưu nói chuyện truyền đi niềm tin, nghị lực của
mình đến với mọi người.
Trong một chương trình có khách mời là thầy
Nguyễn Ngọc Ký, khi người dẫn chương trình hỏi thầy: “Mọi người khi nhắc đến
thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký thì hay nhắc đến những từ rất tuyệt vời, thầy là người
viết lên số phận, viết lên sự nghiệp của mình bằng đôi chân, thầy nghĩ sao về
nhận định này?”.
Thầy Ký nhẹ nhàng trả lời: “Tôi rất xúc động
về những nhận định đó… Nói như vậy cũng đúng nhưng chưa đủ. Theo tôi thì tôi đã
dùng đôi chân cùng với khối óc và trái tim để viết lên cuộc đời mình!”. Chúng
ta có xuất phát điểm hơn thầy Ký rất nhiều vì vậy hãy cố gắng nhiều hơn nữa bạn
nhé. Tôi mong và chúc bạn sẽ viết lên những trang thật đẹp của cuộc đời mình.
Tìm hiểu về cuộc đời thầy Nguyễn Ngọc Ký, tôi
thấy bản thân mình thật may mắn. Tôi được sinh ra trong thời bình, được bố mẹ
tạo điều kiện cho học hành đầy đủ và có một cơ thể khỏe mạnh.
Tôi có rất nhiều điều kiện tốt và thuận lợi
hơn rất nhiều người. Ấy vậy mà đã có lúc tôi không biết trân trọng những thứ
mình đang có, tôi thấy cuộc sống của mình sao mà nhiều khó khăn vậy, tôi cũng
từng hỏi bản thân “Sao mình không được may mắn như người nọ người kia?”….
Và cũng thật may vì giờ đây tôi đã nhận ra
giá trị của những thứ mình đang có, nhận ra suy nghĩ của mình trước đây thật
quá hạn hẹp. Câu chuyện về thầy Nguyễn Ngọc Ký đã cho tôi rất nhiều bài học,
điều mà tôi cảm nhận được từ thầy Ký đó là tinh thần lạc quan và sự kiên trì sẽ
làm nên những điều “kì diệu”!
VIDEO HAY: Cách làm món thịt viên chiên đậu phụ ngon giòn khó cưỡng
hay
Trả lờiXóa