Hãy học cách chấp nhận những điều không mong muốn xảy ra

Trên đường đời mỗi con người chúng ta đều phải trải qua những khó khăn, thử thách. Lớn hay nhỏ, nhiều hay ít thì đều buộc ta phải lựa chọn hoặc đối mặt để vượt qua; hoặc phó mặc, buông xuôi để rồi gục ngã, thất bại. Buông xuôi thì dễ nhưng đối mặt để chiến thắng, bước qua được những sóng gió của cuộc đời thì lại là một bài toán khó.
Tùy thuộc vào môi trường sống, các duyên gặp gỡ hay chính những trải nghiệm của bản thân mà bạn có thể lấy lại được niềm tin, động lực để đứng dậy trước những gian truân, thử thách. Ví dụ như: học hỏi từ những danh nhân thế giới, vận động viên xuất sắc đã khổ luyện thành tài, hay những tấm gương vượt khó, thậm chí là từ những người bình dị xung quanh.
Bản thân tôi cũng đã gặp được một người như vậy. Sau quãng thời gian dài khủng hoảng chính tôi từng trải qua, người đó đã tác động sâu sắc tới tinh thần và đời sống của tôi,trở thành một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời.
Hãy học cách chấp nhận dần những điều không mong muốn xảy ra

Tôi của những năm về trước, khi còn là học sinh, luôn sống với những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí sống như kẻ vô hồn. Khi đến trường thì bị bạn bè trêu chọc xấu xí: “Ê, chúng mày ơi! Á hậu đến kìa, con của nhà tổ quạ kìa’’; về nhà thì bố uống rượu, đập phá nhà cửa, đánh đập mẹ và tôi đến bất tỉnh.
Cuộc sống chỉ xoay quanh những thiệt thòi, vất vả : đói ăn, thiếu mặc, cơm trộn nước mắm, bữa ăn “sang” thì có trứng hấp trộn mắm hoặc mớ rau luộc,…Tôi thèm khát được ùa ra sân chơi đùa như những người khác, thèm được ăn một bữa cơm chung với bố mẹ và em gái mà không được.
Tôi dần sống khép mình với suy nghĩ trên đời này không một ai là tốt cả. Tại sao họ cũng là người, tôi cũng là người mà họ lại tự cho họ cái quyền làm tổn thương người khác qua những lời trêu chọc như vậy.
Cứ thế cứ thế, cả khi tôi học đại học trên Hà Nội, tôi không dám giao lưu bạn bè, không hòa đồng, tự ti trước đám đông, sống mặc cảm với bản thân. Tôi cúi gằm mặt xuống mỗi khi bước chân tới cổng trường, ra chợ hay bất cứ nơi đâu có ai đó.
Tưởng chừng tôi cứ mãi sống như vậy, nhưng rồi khi tôi gặp được một người làm thay đổi con người tôi về suy nghĩ, hành động, …..Mọi thứ đã trở nên hoàn toàn khác. Tôi học hỏi được những tư tưởng sống tích cực, lạc quan, yêu đời và coi người đó như một tấm gương sáng để tôi phấn đấu. Dưới đây tôi xin được gọi người bạn đặc biệt đó là Bằng.
Tôi muốn gửi gắm những dòng tâm sự về Bằng với sự biết ơn và tất cả sự tự hào, chân thành và ngưỡng mộ.
Ban đầu, tôi chỉ biết Bằng với nickname y2k_bmt qua trang yahoo hỏi và đáp mà tôi hay đặt câu hỏi của mình lên đó mỗi khi bế tắc. Khi đó Bằng là một trong số những người đã trả lời câu hỏi của tôi và để lại cho tôi nhiều cảm xúc, ấn tượng sâu sắc nhất.
Từ những câu trả lời nhiệt tình ấy, tôi cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện từ Bằng. Và ngày 19/11/2010 là một ngày đánh dấu cho một tình bạn của chúng tôi, khi tôi tình cờ nhận được tin nhắn động viên qua nick yahoo.
Khi nghe Bằng giới thiệu về mình ở tận trong Buôn Ma Thuột với cái tên khá đặc biệt “Tiến Bằng” thì tôi rất lấy làm ngạc nhiên. Một phần, tôi không nghĩ tôi làm quen với một người ở xa đến vậy, phần khác, nơi đó cũng chính là nơi mà ngày xưa tôi ước ao được vào một lần khi nghe mẹ kể chuyện mẹ đi làm thanh niên xung phong trong đó, đặc biệt là tôi ngại ngùng khi bạn đó là nam giới, vì tôi rất tự ti về bản thân, tôi sợ bị chê cười. Thời gian cứ dần trôi theo từng ngày, mỗi lúc rảnh tôi đều tâm sự với bạn ấy. Dường như chúng tôi như đã phân vai mặc định sẵn - Bằng luôn là người nghe tôi tâm sự, còn tôi luôn là người nói về câu chuyện của mình.
Không bao lâu sau, mẹ tôi bị tai nạn và mất. Tôi suy sụp, bị mất đi người thân yêu nhất của tôi, người tôi thương và muốn trả ơn suốt cả cuộc đời này. Mẹ mất, tôi trở thành trụ cột gia đình trong khi việc học chưa kết thúc, tiền nuôi bố và em gái bị thiểu năng trí tuệ không có…Tất cả mọi thứ ập đến. Tôi trở nên tuyệt vọng, không biết nương tựa vào ai, đứng vững như thế nào trong cuộc đời này.
Trong suốt hơn 3 tháng vật vã để làm quen với cuộc sống không có mẹ bên cạnh, với gánh nặng, trọng trách trên vai, với sự thúc ép, gia trưởng của họ hàng, tôi như mất đi động lực sống và học tập, trong khi xung quanh không có một người bạn. Và rồi, tôi tìm tới Bằng, khóc lóc, tâm sự qua những cuộc chat, cuộc điện thoại kéo dài hàng tiếng đồng hồ.
Bằng luôn lắng nghe và động viên tôi trong giai đoạn đó mặc dù chúng tôi là những người bạn qua mạng, chưa từng một lần gặp nhau. Bằng hiểu và lo lắng về khoảng trống mẹ để lại cho tôi. Không còn nữa, những cuộc gọi điện thoại mỗi ngày mẹ gọi khi bắt đầu đi chợ, khi đi chợ về và buổi tối trước khi đi ngủ. Nỗi mất mát, sự dày vò vì những tiếc nhớ khiến tôi chỉ biết khóc, khóc và khóc.
“Cố lên Lý! Mẹ cậu đang dõi theo cậu đấy, ở từng bước chân cậu đi, từng việc cậu làm. Đừng khóc! Cậu mà khóc là mẹ sẽ buồn lắm đấy, nếu thương mẹ thì hãy cố gắng phấn đấu sống cho chính bản thân mình, thay mẹ lo cho bố và em gái. Cậu mà suy sụp thì cậu là đứa bất hiếu. Mẹ cậu mang nặng đẻ đau mới có được cậu, vậy nên cậu không được sống vô nghĩa như vậy. Còn có những em bé mới chào đời đã phải xa mẹ mãi mãi,ít ra cậu còn được bên mẹ 21 năm, cậu phải trân trọng chứ ! Hãy nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều so với những bé ấy.”
Những lời động viên đó như cứu cánh của tôi, giúp tôi phần nào quên đi nỗi đau, nén tâm lại. Cứ như thế đều đặn hàng ngày, tôi dần lấy lại được tinh thần học tập. Bằng cũng tận tình chỉ bảo giúp đỡ tôi những bài tập tin học, sửa giúp tôi máy tính qua team viewer, …Dần chúng tôi trở thành những người bạn tốt của nhau.
Nhưng một rào cản lớn khiến tôi không tự nhiên được với Bằng là mỗi khi Bằng nói tôi mở webcam lên, tôi đều chối từ vì mặc cảm, tự ti, và ngại ngùng. Nhiều lần bạn ấy cứ động viên tôi: “Không sao đâu, Lý tự tin lên. Bằng có chê gì Lý đâu, Bằng làm bạn với Lý là về con người của cậu, chứ đâu phải vì ngoại hình hay tiền bạc gì đâu,…”. Có những khi bạn ấy trò chuyện với tôi, kể về những người ngoại hình không ưa nhìn nhưng có tài năng, giỏi giang và bản lĩnh đã giúp họ thành công để giúp tôi tự tin hơn.
Cho đến ngày 15/5/2013, nhân chuyến đi vào Sài Gòn, tôi ghé xuống Buôn Ma Thuột để thăm bạn ấy. Vẫn với bản chất sợ hãi, tự ti của tôi, khi gặp và khi đi ăn với Bằng, tôi cũng cúi gằm mặt xuống, nói chuyện rụt rè, thiếu tự tin, và cười mím môi,… Mặc dù tôi biết tôi không nên như thế, phải tạo được ấn tượng tốt trong lần gặp đầu tiên nhưng tôi không thể nào chiến thắng được nỗi sợ hãi, tự ti trong mình.
Bạn ấy vẫn đón tôi với sự niềm nở, thân thiện và gần gũi, tự nhiên. Biết tôi tự ti nên Bằng cũng cố gắng tạo sự thoải mái nhất cho tôi bằng việc chủ động trò chuyện, động viên, rủ tôi đi chơi ở thác Dray - Sap cùng với 2 người bạn nam nữa. Mới đầu nghe tin sẽ có 2 anh bạn nữa đi cùng, tim tôi đập thình thịch, lo sợ, không dám gặp, nhưng rồi chính sự hòa đồng, thoải mái của những người bạn đó, tôi bớt mặc cảm, bớt khép mình đi.
Tôi sẽ không bao giờ quên ngày hôm đó, ngày mà tôi được Bằng tận tình giúp tôi thay đổi cách cười, cách đi – đứng, ….Ngày hôm đó là ngày đầu tiên tôi bắt đầu cười hé môi một cách tự nhiên và thoải mái, không còn cười mím chặt môi lại với sự thiếu tự tin về ngoại hình.
Bằng nói: “Lý cứ cười thật tự nhiên, hít thở thật sâu, thả lỏng cơ thể ra, đừng để ý đến mọi người xung quanh nghĩ gì hay nhìn mình. Nụ cười đẹp nhất là nụ cười trong trạng thái thoải mái nhất, tự nhiên nhất. Nào, thử nào! Cậu cười hé môi thử đi nào!” Nói một lần, hai lần rồi 3 lần, Bằng kiên trì chỉnh sửa cho tôi từng chút một: lúc thì cười hé môi nhưng gượng gạo, lúc lại thành cười nhếch mép- một kiều cười xấu tệ hại, gây phản cảm, lúc lại gắng đến mức quá hở lợi, …
Cứ thế, Bằng phải vất vả với tôi bao lâu mới chỉnh được cho tôi 1 nụ cười tự nhiên nhất. Ban đầu, tôi ngại và xấu hổ, nhưng sau đó chính sự nhiệt tình rất chân thành, sâu sắc đã khiến tôi cảm động và trở nên thoải mái hơn dần và rồi cuối cùng tôi cũng đã thay đổi được. Bằng hướng dẫn tôi cách đứng để tạo dáng chụp ảnh, chỉnh sửa cho tôi kiểu tóc, tận tình góp ý với tôi từng bước một. Có lẽ, suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ có thể tìm được người thứ hai kiên nhẫn và tận tình chỉ bảo cho tôi đến thế .
Hiện giờ tôi không còn cười mím chặt môi với vẻ tự ti như trước nữa. Lần đầu tiên, tôi được hòa mình vào với cảnh vật và con người xung quanh tự nhiên nhất, vô tư và yêu đời nhất! Cảm xúc của chuyến đi ngày đó quá dạt dào, hạnh phúc, tôi không biết phải dùng ngôn từ nào để có thể diễn tả. Ngày hôm sau, Bằng đưa tôi đi dạo quanh hoa viên thành phố và thưởng thức cà phê đậm chất Tây Nguyên ở Thiên Đường Mehyco với không gian thoáng mát, có nhiều phong cảnh trang trí như hàng cột đá, hồ nước mát ở giữa quán cùng những tiểu cảnh lớn nhỏ rải rác trong khuôn viên quán. Suốt hơn 3 tiếng đồng hồ, ngồi trò chuyện với Bằng tôi mới có được cơ hội biết nhiều về cuộc sống xung quanh bạn ấy, lại càng thêm ngưỡng mộ, khâm phục và tự hào.
Được biết trong những năm tháng học cấp hai và ba, Bằng phải đi làm thêm phu hồ xách vôi vữa, xi măng , làm phục vụ bồi bàn ở quán cà phê để tự kiếm tiền trang trải học hành, phụ giúp gia đình tiền điện nước, ăn uống hàng ngày. Cuộc sống sinh hoạt của cả gia đình phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi không đều đặn hàng tháng của ba Bằng qua việc làm mộc, và nương rẫy trồng cà phê , sầu riêng. Bằng thức dậy vào năm giờ mỗi sáng để kịp đạp xe đi làm, trưa nhịn đói đến trường học.
Khó khăn tài chính, nợ nần chồng chất, ba mẹ già yếu, ốm đau bệnh tật, khiến Bằng có lúc muốn nghỉ học đi làm để kiếm tiền cho hai em trai đi học, cho ba má được một bữa cơm ngon, đầy đủ như bao gia đình khác. Nhưng trong tay không bằng cấp, chưa đủ mười tám tuổi, bên cạnh đó, ước mơ khao khát trở thành một lập trình viên máy tính thôi thúc Bằng phải cố gắng, không được từ bỏ.
Cấp hai, bạn ấy luôn dẫn đầu lớp về học tập. Học miệt mài tranh thủ mọi lúc mọi nơi, cậu bạn ấy học cả lúc ngồi bán sầu riêng giúp mẹ, lúc làm cỏ, tưới cà phê. Khi bắt đầu lên cấp ba, Bằng đã bắt đầu tìm tòi về máy tính, các thiết bị điện tử. Quán cà phê Bằng đi làm bồi bàn có đối diện là tiệm sửa chữa máy tính. Mỗi lúc vắng khách hoặc giờ giải lao, con ong chăm chỉ ấy lại chạy sang đó ngồi xem chủ tiệm sửa máy, cài win, học hỏi và ghi chép những cái mình học được vào cuốn sổ tay nhỏ. Cứ mày mò, tìm tòi như vậy, cho đến năm lớp mười hai, áp lực thi đỗ đại học cộng thêm áp lực kiếm tiền cứ dồn dập khiến mọi việc bị trì trệ.
Thời gian này, ba Bằng uống rượu nhiều hơn, ông tủi thân, chán nản với cuộc sống gia đình éo le, không có tiền lo cho con cái ăn học, phải đi vay mượn hàng xóm. Ông thậm chí ngồi khóc. Những lúc như vậy, Bằng cũng không thể tập trung vào học. Thương ba, Bằng lại cùng ba ngồi nói chuyện phiếm, đùa vui, động viên nhau. Cuộc sống trớ trêu thay, khó khăn nối tiếp khó khăn. Khi mới là sinh viên năm hai, Bằng và chị gái của Bằng cùng bị bệnh ở tim, tay tê và bị mất cảm giác ở những đầu ngón tay, không cầm được bút viết, đau ngực và khó thở. Bằng giấu gia đình, và quyết định đi làm thêm công việc khác với mức lương khá hơn và không phải hoạt động nặng nhọc để tránh bị mất sức, dẫn đến ngất.
Cậu bạn ấy quyết định tìm đến Thế Giới Di Động, công ty tin học, máy tính và một số công ty khác xin vào làm trong khi chưa có bằng cấp, chưa nhiều kinh nghiệm và tay nghề. Tất cả các công ty đó đều chối từ. Quyết tâm không nản lòng, tự tin với những kiến thức được học trên giảng đường, kinh nghiệm thực tế có được nhờ sự giúp đỡ, chỉ bày của chủ tiệm máy tính trước đây, cậu bạn ấy vẫn kiên nhẫn đi tìm các công ty khác để xin vào làm, học việc.
Bạn tôi luôn tin rằng may mắn sẽ mỉm cười với bạn ấy khi bạn ấy chịu đi tìm nó. Cuối cùng, may mắn cũng đã đến với bạn ấy - một con người đáng để tôi phải học hỏi, nể phục và trân trọng, Bằng đã xin được vào công ty tin học - máy tính Thiên Hòa để làm hưởng lương học việc 3 tháng đầu qua cuộc phỏng vấn với giám đốc của công ty bằng sự tự tin vào khả năng của mình. Cứ 4h sáng sớm, bạn tôi phụ mẹ chở sầu riêng ra chợ và đi làm, trưa nhịn đói, sau đó lên công ty tiếp, tối lại về làm bồi bàn ở quán cà phê, tối thứ 6 và cuối tuần thì đi học, khuya ngồi chăm chỉ học bài và tìm tòi tài liệu, kiến thức. Tay bị tê cứng, không cảm giác, không viết được bài nên bạn tôi chịu khó ghi âm lại , đêm đến lại ngồi nghe và gõ lại vào máy tính rồi in ra để học bài. Được biết hoàn cảnh và sức khỏe của Bằng, nhà trường cũng tạo điều kiện cho Bằng trong học tập.
Khi nhận được tháng lương đầu trên tay với 1,8 triệu, cậu bạn của tôi vui mừng khôn xiết, về nhà mua cho gia đình mỗi người một cốc sâm bổ lượng – thứ thức uống đối với gia đình Bằng là “xa xỉ”. Bạn tôi ngồi kể lại về niềm hạnh phúc khó tả khi thấy 2 em trai của mình vừa ăn vừa cười đùa: “Thơm ngon quá! Mai anh Bằng mua tiếp nhé! Lần đầu tiên được ăn sâm bổ lượng!”. Điều đó khiến tôi xúc động nhớ tới gia đình của mình, thầm nghĩ “Bạn ấy thật may mắn! Nhưng may mắn đó hoàn toàn xứng đáng với một con người biết hy vọng, có niềm tin cuộc sống, tự tạo cơ hội cho mình.”
Có lẽ nếu là tôi, tôi sẽ không có sự kiên trì và tự tin đến vậy trong khi mình chưa lấy được tấm bằng nào cả. So với Bằng, tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ khi lúc nào cũng chỉ biết than vãn, và quẩn quanh với mấy suy nghĩ tiêu cực trong đầu. Nhìn lại mình, tôi bỗng thấy tiếc nuối những khoảng thời gian mà bởi vì thiếu tự tin, tôi đã đánh mất đi bao cơ hội tốt cho bản thân.
Từ một nhân viên học việc ở công ty, chỉ sau 9 tháng, Bằng đã được giám đốc trọng dụng, đánh giá cao tinh thần ham học hỏi, trung thực và chịu khó làm việc. Giám đốc tận tình chỉ bảo thêm cho Bằng nhiều hơn, coi bạn là cánh tay phải đắc lực của mình. Đặc biệt ngoài công việc, Bằng còn được anh xem như một người em trai thân thiết. Các dịp lễ, các cuộc gặp mặt với đối tác, bạn tôi đều được đi theo giám đốc để học hỏi thêm. Nhờ những kinh nghiệm thực tế khi làm việc cũng giúp cho việc học trên trường của bạn tôi trở nên dễ dàng hơn mặc dù bạn tôi gặp khó khăn về sức khỏe. Không những thế, cậu bạn ấy còn biết cách tạo dựng mối quan hệ, xây dựng khách hàng qua nhiều phương tiện khác nhau, tự mày mò, lập group và làm marketing, ….
Cho đến nay, khi đã ra trường, có nhiều những công ty lớn bày tỏ hợp tác với bạn tôi với mức lương cao nhưng Bằng quyết định chọn đi theo và học hỏi từ giám đốc - người đã giúp mình trong quãng thời gian qua. Không lâu sau, Bằng được giám đốc gửi gắm sang một tập đoàn có tiếng của nước ngoài để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết. Bên cạnh đó, bạn ấy còn được nhiều người giúp đỡ khi gặp khó khăn về tài chính, sức khỏe, thậm chí được cả những khách hàng tiềm năng giúp đỡ, quý mến.
Trong những câu chuyện Bằng kể cho tôi nghe có một vị khách đi lên từ hai bàn tay trắng, bao năm nay chỉ làm thợ may, bán những phụ kiện may mặc mà giờ đã xây được nhà cao cửa rộng, có được cuộc sống hạnh phúc, thảnh thơi, an nhàn , đi du lịch đó đây. Cứ mỗi lần đến cài và sửa máy cho vị khách này, chú ấy lại nói: “Cứ khi nào cháu cần tiền, gặp khó khăn gì thì nói chú giúp nha! Cứ cầm lấy mà dùng”. Hạnh phúc là thế, tình người là vậy! Ta cho đi và giúp đỡ bằng tất cả tấm lòng, thì cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn. Tôi nói với Bằng: “Rồi may mắn sẽ luôn mỉm cười với cậu, tớ tin cậu sẽ thành công và thành công nhiều hơn nữa”
Bạn ấy cười và nói với tôi: “Không, Lý à! May mắn đến với tất cả chúng ta trong đó có tớ và cậu, khi mà chúng ta có niềm tin và biết nắm lấy cơ hội. Ngày xưa, Bằng tình cờ xem được một video về luật hấp dẫn “The Secret” và Bằng đã lấy được niềm tin, hy vọng, động lực từ sau khi nghe xong video đó. Hằng ngày, mỗi sáng thức dậy, Bằng đều tự nói với mình rằng may mắn sẽ đến với Bằng! Bằng sẽ tìm được việc làm. Bằng tưởng tượng ra những lúc đi làm kiếm được tiền về đưa cho ba má và nhìn thấy ba má cười vui vẻ. Vậy nên, Lý hãy sống tích cực lên! Bằng biết rằng kí ức về quá khứ khổ đau một thời đã ám ảnh Lý, khiến Lý trở nên tiêu cực.
Nhưng hãy để cho quá khứ ấy ngủ yên và sống cho chính mình. Nếu Lý cứ sống mãi với quá khứ đó, tức là Lý đang sống vì những người đã trêu chọc, coi thường Lý một cách vô tình hay cố ý đã cướp đi tuổi thơ tươi đẹp của Lý. Quá khứ đó không tốt đẹp, hãy quên đi và tạo ra tương lai tươi sáng cho riêng mình Lý ạ.
Hãy học cách chấp nhận dần những điều không mong muốn xảy ra. Đừng mong tất cả mọi người đều đối xử tốt với mình hay theo cách mình mong muốn. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi ta tìm ra ước mơ của chính mình và theo đuổi nó tới cùng. Đó mới là điều khiến mỗi con người sống một cuộc đời đặc biệt, chứ không phải là những cuộc đời na ná nhau vô nghĩa.
Đừng chạy theo những gì người ta muốn ở cậu, hãy làm những gì mình muốn. Cậu đừng sống trong thù hận mà hãy sống trong yêu thương, trong khát vọng và ước mơ. Hãy dành thời gian ngồi tự nhìn lại bản thân, tự hỏi bản thân mình muốn gì? Có ước mơ gì và bắt tay vào hành động, thay đổi từng điều nhỏ. Đặc biệt là cậu phải tin vào chính mình rằng một ngày nào đó không xa, Lý sẽ làm được và thành công."
Đang miên man theo lời Bằng nói, từ phía sân khấu bỗng vang lên lời bài hát của nữ ca sĩ trong quán cà phê:
“Ngày mai chia tay nhau bạn ơi có thấy buồn không?
Ngày mai chia tay nhau chợt nghe quyến luyến trong lòng
Về nơi kia xa xôi bạn ơi hãy nhớ lời tôi
Dù bao sóng gió phong ba giữa đời
Thì bạn hãy sớt chia cùng tôi”
Làm tôi chững người lại, khóe mắt cay cay. Tôi nhìn Bằng: “Tối mai, Lý phải về Hà Nội rồi”.
Bằng gượng cười trả lời: “Ừ ! Mai Lý về rồi! Trở về Hà Nội, Lý phải sống tốt nhé! Mạnh mẽ lên! Hãy biến những nỗi đau làm đòn bẩy để Lý phấn đấu!”
Ngày cuối cùng ở Buôn Ma Thuột, Bằng đến sớm, đón tôi và nói: “Bằng sẽ đưa Lý tới một nơi đặc biệt, mà tin chắc rằng Lý sẽ không thể nào quên được. Lý sẽ biết được những điều mà Bằng muốn gửi gắm tới Lý trước khi Lý về từ nơi đó.”
“Đến đâu vậy Bằng?” – Tôi tò mò hỏi. 
Bằng cười: “Bí mật! Lý cứ tới nơi rồi sẽ được biết”
Tôi lên xe và đi cùng Bằng trong sự hồi hộp, mong đợi mình đến được nơi đó thật nhanh. Sau khi đổ xăng xong tại một trạm xăng ở huyện Krong A Nar, mỏi người vì đi một chặng đường dài hơn một tiếng đồng hồ, tôi hỏi: 
“Còn bao lâu nữa mới tới nơi hả cậu?”
“Tới rồi mà!”- Bằng cười.
Tôi nhìn xung quanh chỉ toàn đồi núi đá, không nhà dân, và cau mày:
“Bằng không đùa Lý đó chứ? Sao lại tới rồi?”
“Tới rồi mà! Lý chịu khó đi bộ một quãng! Chừng vài bước chân nữa thôi! Đi bộ thú vị lắm!” – Bằng vẫn cười.
Nghe Bằng nói vậy, tôi đi bộ theo chân Bằng dắt xe máy sang bên đường đối diện với trạm xăng. Bỗng chợt hiện ra trước mắt tôi là màu vàng rực rỡ trải dài hai bên đường của những hàng cây mới lạ mà tôi chưa từng được thấy - thứ màu sắc mang theo ánh sáng chói lòa rọi vào lòng tôi những xúc động của niềm tin, của hy vọng và của sự mới mẻ. Xa xa ở cuối con đường là cổng chào lớn: “Trại Phong EaNar”.
“Đẹp quá! Cây này gọi là gì vậy Bằng?” – Tôi dồn dập hỏi.
Bằng tủm tỉm: “À! Cây này không có tên.” . Thấy tôi cau mày lại, Bằng nói :
“Bằng đùa chút cho vui! Cây này có nhiều tên gọi đặc biệt : OSAKA, Nữ Hoàng, Bọ cạp và Muồng Trâu”.
“Wow! Tớ thích tên Osaka nhất- hay, lạ và làm người ta liên tưởng tới một thành phố hoa anh đào của Nhật Bản” – Tôi mừng rỡ.
Bên trong khuôn viên rất nhiều cây cối , hoa lá đủ các sắc màu xen lẫn trong tiếng chim hót thánh thót rộn ràng. Tuy nơi này là nơi dành cho người điều trị phong, nhưng vào lúc ấy, tôi lại cảm nhận được một bầu không khí nhẹ nhàng tươi tắn, một cuộc sống không hề ảm đạm. Đang mải mê ngắm những bông hoa khoe sắc màu như chào đón chúng tôi đến nơi đây, bỗng có tiếng gọi như của một người đàn ông, giọng khàn khàn vọng lại phía tôi : “Con trai! Con trai đến rồi!”.
Tôi ngạc nhiên khi thấy Bằng mỉm cười và chạy lại dìu lấy tay người đàn ông trung niên cụt chân và tay trái, đang chống nạng như cố đi thật nhanh về phía chúng tôi . Hàng loạt câu hỏi thắc mắc hiện ra trong đầu tôi: “Ủa? Bằng có người thân ở đây sao? Sao trông họ thân thiết như cha con vậy? Vì sao Bằng đưa tôi đến nơi đây?,….”
Người tôi như nghệt ra, bỗng lại bị giật mình bởi từ phía đằng sau có 3-4 tụi trẻ con vừa chạy về phía tôi vừa reo lên và ôm chầm lấy tôi: “Aaa, anh Bằng đưa người yêu tới rồi” khiến tôi như bị ai đó cướp mất hồn, không phản xạ kịp. Tiếng cười và sự hồn nhiên, vô tư, thân thiết của tụi nhỏ làm đầu tôi trở nên trống rỗng.
Tụi trẻ dắt tôi vào một căn phòng to, tôi vừa đi theo vừa ngoảnh lại nhìn Bằng và người đàn ông kia đi phía sau.
Bước vào trong, tôi nghẹn ngào trong tiếng nấc, xao lòng không khỏi xúc động khi trước mắt tôi là một loạt những hình ảnh: những bệnh nhân không còn đôi chân, đôi tay; những gương mặt không còn nguyên vẹn, những bàn chân không lành lặn thiếu ngón, những ngón tay “rụng” dần, thịt bị thối rữa, vết thương lở loét ... do vi khuẩn “cùi” gặm nhấm. Vội cúi xuống, dụi nước mắt và chào các cụ.
Tụi nhỏ cười khúc khích: “Anh Bằng có vợ rồi bà”, chợt Bằng bước vào. Lúc này, mặt tôi bắt đầu bừng đỏ lên vì ngượng, xấu hổ. Tôi ngạc nhiên khi thấy Bằng chào mọi người với những tên: “Bà Đậu, má Sủ, má Si, má A chênh, ba Sơ, …. Mọi người đều khỏe cả chứ ạ? Nay con dẫn bạn của con ở Hà Nội xuống đây chơi ạ!”
Đúng lúc đó, có một vị Linh Mục – gương mặt thánh thiện bước vào : “Bằng đến rồi hả con? Chà! Đưa cả bạn gái đến chơi nữa! Bằng nhà ta mới hồi nào còn đạp xe xuống đây chơi với các cháu, nay đã sắp có gia đình rồi”.
Bằng cười: “ Dạ! không phải đâu Sơ, là bạn của con ở Bắc vô ạ!”. Nói chuyện qua lại một lúc, Bằng ra ngoài đi giúp Sơ sửa sang lại điện bị hỏng bên một số nhà bệnh nhân trong khuôn viên đó.
Tôi ngồi trò chuyện cùng các cụ, các bác và chơi với trẻ ở đây. Qua câu chuyện của họ tôi được biết: Sơ Tâm vẫn hàng ngày dậy sớm đi băng bó vết thương, cẩn thận chăm sóc, đút từng muỗng cơm cho những người bệnh nặng, người sống cô đơn, vỗ về an ủi họ bằng trái tim nhân ái, yêu thương. Nhờ sự tận tâm ấy mà những bệnh nhân ở đây được sống an vui hơn.
Không những thế, Sơ còn nuôi dưỡng, giáo dục nhân bản,….cho con cái của họ. Sơ hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi lợn gà cho những bệnh nhân nhẹ để họ được sống một cuộc sống như những người bình thường và sinh con đẻ cái.
Đó mới chỉ là những mảnh đời nho nhỏ. Ở trại phong này còn rất nhiều người đã tự rời bỏ xa lánh chốn đông người, tìm vào trong những hang cùng ngõ hẹp để an phận, quằn quại đớn đau dưới sự tàn khốc của chứng bệnh, của thời tiết, của những thiếu thốn và sự ruồng bỏ, thờ ơ, lạnh lùng của xã hội.
Một số khác không vượt qua được số phận bệnh tật đã ra đi, được Sơ chôn cất cẩn thận. Còn lại ở nơi đây là những người hàng chục năm trời không bước chân về chốn quê nhà, không biết thân nhân ở nơi nào, còn hay mất,….lủi thủi nương tựa nhau đếm từng ngày trôi qua tại nơi đây.
Khi được hỏi về người thân, quê hương, tất cả đều ngậm ngùi: “Quê ai chẳng muốn về, người thân ai chẳng muốn có bên cạnh hả cháu! Nhất là những lúc Tết nhất thế này, nhưng mà không về được cũng đành chịu”. Một số bác thì chia sẻ: “Con cháu chúng nó có cuộc sống riêng, mình về làm gì cho nó thêm phiền phức, gánh nặng.”
Má Si vừa rơm rớm nước mắt vừa nói: “Tụi nó có chịu nhận mình đâu mà về ! Nhưng từ khi có Bằng nhận làm con trai bác, bác mãn nguyện lắm rồi, không mong cầu gì hơn.”
Tôi muốn khóc thật to lên, nhưng không thể để mọi người biết. Giấu những dòng nước mắt lại, tôi nói với mọi người ở đó : “Mọi người hãy coi con là con gái, là cháu gái, là người thân như nhận Bằng là con , được không ạ !” Má Si ôm chặt tôi lại, cười và nói: “ Thật à con? Được thế thì còn hạnh phúc nào bằng nữa con. Ở đây, ai cũng mừng lắm khi con chịu nhận chúng ta là ba mẹ”.
Má Sủ : “À, hay con làm con dâu của các má đi!” .
Mặt tôi đỏ bừng: “ Cơ….cơ mà….dạ…dạ….con...con..”, khiến mọi người đều cười thật to, mấy tụi trẻ con đang mải mê vuốt ve những con mèo nhỏ, đáng yêu, không hiểu chuyện gì, cũng cứ cười phá lên thôi. Không hiểu sao, lúc ấy tôi thấy hạnh phúc, thấy yêu đời và có cảm xúc rất khó tả. Tôi chưa từng thấy ai đó cười hạnh phúc đến thế. Tuy răng không còn mấy chiếc nhưng nụ cười đó giống như mùa thu tỏa nắng vậy.
Chợt nhớ đến mẹ: “ Mẹ à! Con hạnh phúc quá! Con có nhiều mẹ nuôi, ba nuôi rồi! Con tin mẹ biết được điều này, mẹ sẽ rất vui đúng không mẹ? Con ước gì mẹ đang ở đây vui cùng con và mọi người!”
“ Bằng tốt, thảo lắm đó con! Hồi nhỏ, cứ mỗi tháng 1 lần, nó đều đạp xe mang sầu riêng xuống cho ba má và trẻ con ở đây ăn. Sửa ống nước, điện, chuồng gà,…nó đều xuống làm hết. Nó mang cả sách, truyện xuống đọc cho tất cả cùng nghe, …” – Nhắc tới Bằng, mọi người đều ứng thanh mà kể.
Tụi trẻ mang từ trong một hộp giấy to ra chồng sách đưa cho tôi: “Chị, chị ơi! Đây! Đây này! Sách này!” Hàng loạt những cuốn sách về nghị lực sống : Hạt giống tâm hồn, Sống khát vọng, Không gục ngã, Tập thơ của Hàn Mạc Tử - một người cũng bị bệnh phong, …cả những tệp giấy photo kể về cuộc đời anh Nguyễn Ngọc Ký, Nick Vujic,…
Tôi đứng sững sờ trong im lặng một hồi, thì Bằng trở về phòng. Tôi khoe với Bằng về việc nhận ba má, và nói: “ Này, từ nay Lý gọi Bằng là anh nhé! Nhớ phải làm anh trai tốt của Lý đấy!”. Bỗng nhiên, tôi lại thấy nhớ đến người anh trai ruột đã mất của mình.
Bằng ngạc nhiên: “Sao nhanh thế à! Lý cũng tuyệt he”, làm cả phòng cùng cười. Tôi và Bằng ngồi nói chuyện với bà và ba má nuôi một lúc thì Bằng xin phép dẫn tôi sang thăm một hoàn cảnh mà cho đến tận bây giờ khi nhắc lại, tôi không thể nào quên được.
Hình ảnh người mẹ 90 tuổi đã già nua, gầy gò, ốm yếu, chỉ toàn da và xương, sợi tóc phủ loạn trên mái đầu bạc đang chăm người con chừng 68 tuổi bị câm, cũng yếu ớt, da nhăn nheo, nước mắt chảy giàn giụa, quằn quại, vật lộn, kêu khóc thảm thiết vì đau nhức người trong căn phòng gỗ.
Mặc dù không muốn nhưng tôi và Bằng vẫn phải nói lời chia tay với tất cả mọi người nơi đây vì đã đến giờ phải về cho kịp chuyến đi ra Hà Nội. Làm sao quên được những phút cuối của buổi sáng chia lìa đầy luyến lưu dâng tràn trong từng ánh mắt của mọi người nơi đây.
Quên sao được những cái ôm thật chặt, những cái nắm tay của những bàn tay thô, gầy, “thiếu” ngón mà bấy lâu nay không được ai chạm vào. Sẽ nhớ mãi những câu chuyện hài hước, vui vẻ mà má Sủ, ba Sơ,… dành cho tôi.
Cứ hai, ba bước chân chậm rãi như không muốn rời đi, tôi và Bằng đều ngoảnh lại nhìn mọi người. Những đứa trẻ đang cười hớn hở, mặt lại ỉu xìu xuống: “ Tháng sau, anh chị lại về ha”. Hình ảnh Má Sủ dương bàn tay chẳng còn, chân thì thiếu mà cố vươn ra chào, và nhìn theo bóng dáng chúng tôi đi về với ánh mắt đầy lưu luyến, khiến tôi khóc òa lên và chạy lại ôm Má thêm lần nữa: “Má giữ gìn sức khỏe nhé! Con sẽ vô thăm má và mọi người khi có dịp! Má chờ con nha!” Bằng bước lại gần: “Thôi nào! Để má vô trong nghỉ, có dịp Bằng đưa Lý xuống. Ta về thôi!”
Rời nơi đây mà lòng bao nỗi ưu tư, không biết bao giờ tôi có dịp được trở lại đây? Ngẫm đời, ngẫm người và ngẫm mình. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn, nếu không đến những nơi như thế này nhiều khi tôi thấy đời mình khổ quá, thiếu thốn quá và cũng chán quá vì chẳng bao giờ thỏa mãn với chính mình. Đâu có biết rằng còn có nhiều cuộc đời bất hạnh hơn mình mà họ vẫn sống vui, sống khỏe và có ích.
Câu nói hóm hỉnh của ba Sơ: “Các ngón tay, ngón chân của ba rủ nhau đi du lịch hết rồi” cứ ẩn hiện trong tôi với những suy tư. Dù chính mình sống trong cảnh tương lai tuyệt vọng, nhưng tất cả vẫn tự tìm cho mình nguồn động viên, lạc quan và yêu đời.
Họ làm được mà tại sao tôi lành lặn chân tay, tôi còn được tung bay, tự do với thế giới bên ngoài, lại cứ than, cứ trách đời, trách người bất công. Nếu mình có thể sống qua những ngày bình an, được ăn, được mặc, thì đó chính là một phúc phận rồi.
Biết bao nhiêu người hôm nay đã không thấy được vầng thái dương của ngày mai, biết bao người hôm nay bị tật nguyền, biết bao người hôm nay bỏ cuộc trước gian truân và thất bại, …Vậy nên, hãy vui vẻ, trân trọng cuộc sống hiện tại của mình! Coi khó khăn phía trước là thử thách mình cần phải vượt qua! Hãy làm những gì mình cảm thấy vui và hài lòng, hãy cho đi mà không cần nhận lại. Hãy giúp đỡ người khác mà không mong họ trả ơn như vậy bạn sẽ nhận được nhiều hơn những gì đã cho đi. “Tôi nên là mắt cho kẻ mù lòa, thành chân cho người què quặt”.
“ Ngày hôm nay có thể trở thành một ngày đầy sinh lực với bạn - và với người khác - nếu bạn bỏ thời gian để trao cho ai đó nụ cười... để thốt lên một lời tử tế... để chìa tay ra cho người đang cần giúp đỡ... để viết một lời cảm ơn... để cho đi một lời khuyến khích với người đang cố gắng vượt qua rắc rối... để chia sẻ một phần tài sản vật chất với những người xung quanh”.
“ Chuyến phiêu lưu của đời là học hỏi. Mục đích của đời là trưởng thành. Bản tính của đời là thay đổi. Thách thức của đời là vượt qua. Tinh túy của đời là quan tâm. Cơ hội của đời là phụng sự. Bí mật của đời là dám làm. Hương vị của đời là giúp đỡ. Vẻ đẹp của đời là cho đi.”
Đang dạt theo những dòng suy nghĩ, thì Bằng hỏi: “ Lý cảm thấy thế nào khi về trại phong? Bằng xin lỗi đã giấu Lý cho đến tận khi Lý xuống đó. Bằng không nói trước, cũng vì để chuyến đi thêm thú vị hơn, ý nghĩa hơn đối với Lý thôi.”
Tôi cười: “ Không sao! Lý cảm ơn Bằng còn không hết ấy chứ! Lý rất vui khi được đến đây. Cảm giác như một đại gia đình lớn vậy. Mọi người thật gần gũi. Nhờ có Bằng mà Lý có thêm bà, cha, mẹ nuôi ở đó. Lý biết trân trọng cuộc sống của mình hơn. Chắc là bớt than thở với Bằng đi đấy! Nhất định sẽ có ngày trở lại!”
Bằng cười: “Lý nhận ra điều đó là Bằng thấy vui rồi! Nhớ phải giữ gìn sức khỏe, ăn uống đừng xẻn quá! Tiết kiệm là tốt, nhưng xẻn quá mà kiệt sức ra đấy là không ai chăm bố và em gái đâu! Phải lên kế hoạch thay đổi dần, từng ngày. Nếu cần, Bằng sẽ giúp Lý giám sát kế hoạch của cậu. Phải thay đổi he! Hãy cười thật tươi, sống thật vui, trọn vẹn mỗi ngày. Đừng để phải tiếc nuối điều gì cả! ….”
Cứ thế, tôi và Bằng chuyện trò qua lại trên quãng đường trở về thành phố Ban Mê.
Chúng tôi tạt vào một quán ăn ở thành phố để ăn tối rồi Bằng đưa tôi ra bến xe khách về Hà Nội.
Một chút buồn, một thoáng lặng lẽ, một nét bâng khuâng trên ánh mắt của chúng tôi. Xa rồi, biết bao giờ gặp lại! Dẫu biết cuộc vui nào rồi cũng có lúc phải tàn. Cuộc gặp gỡ nào cũng đến hồi chia ly, bèo hợp rồi lại tan, nhưng sao…nỗi niềm tiếc nuối nó cứ dâng đầy trong ánh mắt.
Tôi nhìn theo cánh tay vẫy chào tạm biệt của Bằng ở cổng bến xe và khóc òa lên trong xe khách. Ước gì thời gian đừng trôi, ước gì tôi đủ dũng cảm để ôm Bằng trước lúc lên xe thật chặt, ước gì khoảng cách địa lý của chúng tôi ngắn lại. Sao tối nay trời mưa bay, sao tối nay có thừa những giọt nước mắt đến vậy ???
Bóng dáng Bằng cứ xa dần, mờ dần theo từng bước xe lăn chuyển bánh. Chuông điện thoại reo lên, tôi vội vàng nghe máy. Sao đầu dây bên kia tĩnh lặng vậy? Sao không thấy Bằng nói gì? Bằng lại tắt máy đột ngột, tôi thấy nhoi nhói trong lòng.
Ngay sau đó, tôi nhận được cùng lúc 3 tin nhắn dường như đã được soạn trước cuộc gọi: “Lý trở về bình an nhé ! Bằng không nói được nên lời khi gọi điện cho Lý, Lý ạ! Bằng không mạnh mẽ như Lý nghĩ đâu.
Bằng không thể ngăn được dòng nước mắt nhìn theo bóng xe rời bến và xa dần, xa dần. Bằng sẽ không bao giờ quên cậu đâu. Hẹn gặp cậu vào một ngày không xa”. Tôi nghẹn ngào, nước mắt càng tuôn ra, khóc nức nở khi đọc từng dòng tin nhắn của Bằng.
“Nếu có ước muốn cho cuộc đời này
Hãy cứ ước muốn cho thời gian trở lại”
“Hãy giữ mãi tình bạn đẹp này nhé Bằng! Lý cũng mãi không quên Bằng, hãy để cho kỉ niệm của 3 ngày thật hạnh phúc, thật đẹp vừa qua ngủ yên và trôi cùng thời gian nhé!”
Cho đến giờ này, nhớ lại những khoảnh khắc đó, lòng tôi vẫn thấy vấn vương, mắt lại rơm rớm, tim nhói lên. Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày ấy, con người ấy- người mà tôi vẫn luôn ngưỡng mộ, tự hào và trân quý.
Trở về Hà Nội, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau và tình bạn càng thêm thân thiết, khăng khít. Bằng thường gửi cho tôi những cuốn sách hạt giống tâm hồn, làm chủ tư duy, …. tôi bắt đầu một cuộc sống mới với những thay đổi mới. Tôi thay đổi từng điểu nhỏ và giản đơn nhất! Sống tích cực hơn, biết cách ăn mặc, biết tự chăm sóc và nghĩ cho bản thân mình hơn.
Tôi bắt đầu tự lập cho mình một câu lạc bộ thiện nguyện với gần 100 thành viên cũng đã được hơn 3 năm, tham gia các câu lạc bộ tiếng anh để học hỏi và tự tin trong giao tiếp. Ban đầu tôi còn chút gượng gạo, không tự nhiên. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, tôi dần trở nên tự tin và không còn nhút nhát nữa.
Tôi cười tự nhiên, dễ dàng chấp nhận với những điều xảy ra không theo mong muốn của mình. Nhờ có sự giúp đỡ tận tình của Bằng, tôi mới bắt đầu hiểu nhiều hơn về cuộc sống xung quanh, đồng thời cũng quyết định chọn cho mình cách sống cởi mở hơn. Tôi cảm nhận cuộc sống có ý nghĩa trong từng lời nói, từng việc mà tôi làm, trong từng bước chân tôi đi, hay từng tiếng cười của tôi dành cho tất cả mọi người. Khi tôi được bước đi, là tôi đang đi cho cha, cho mẹ. Khi tôi cười, tôi cảm thấy mẹ ở nơi xa đang mỉm cười với tôi. ……..
Lúc này đây, tôi lại muốn ngồi ngân nga câu hát mà tôi được Bằng hát cho nghe mỗi lần tôi khóc nhè và những lúc vượt qua được một khó khăn nào đó:
“Đã có khi cuộc sống cho ta đắng cay thật nhiều
Cho ta khóe mi lệ rơi
Cho ta bước chân trĩu nặng
Vì niềm tin đang nhạt phai trong trái tim
Đã có khi hạnh phúc ngỡ như giấc mơ hoang đường
Ta như cánh chim lạc
Bơ vơ lẻ loi giữa trời
Vì tình yêu đã theo ai nơi cuối đường
Cuộc sống cứ thế cứ thế ngỡ là bóng đêm vô tận
Để vùi lòng quên đi bao ước mơ vẫn còn dở dang
Và chính những lúc yêu đuối ta tìm thấy trên bầu trời
Một vì sao mang cho ta niềm tin
Rồi ngày mai thắp lên hy vọng
Xua tan đêm tối với bao muộn phiền
Ngước mắt lên nhìn cuộc đời phía trước
Nghe lòng phơi phới rạng ngời tin yêu
Giờ đây ta đã khác xưa thật nhiều
Khi ta đã bước qua bao dại khờ
Để thấy cuộc đời một màu rất mới
Ngập tràn hạnh phúc trong ngần yêu thương”
“Ngày hôm qua chỉ là cảnh mộng, và ngày mai chỉ là một giấc mơ. Nhưng ngày hôm nay sống tốt sẽ khiến mỗi ngày qua là giấc mơ hạnh phúc và mỗi ngày mai là giấc mơ hy vọng.” Hãy cứ tin, cứ hy vọng đi các bạn! Rồi ta sẽ tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc từ những điều rất nhỏ nhoi và từ những điều nhỏ nhoi đó đã là nguồn động lực cho ta mạnh mẽ hơn, đã cho ta hy vọng và tìm được niềm vui mới. Điều quan trọng là chính mình có ý chí vượt qua hay không!
Và Bằng chính là người đã tác động mạnh mẽ tới tôi. Tuy rằng Bằng không phải như một thiên tài, hay một nhà kinh doanh tài ba, nổi tiếng, ….nhưng lại là người đã đốt lên ngọn lửa trong tôi khi ánh sáng cuộc đời tôi lịm tắt đi vì chỉ biết sống với quá khứ khổ đau của mình.
Trước đây khi còn là một cô bé yếu đuối, tiêu cực, tôi luôn lôn căm ghét đồng tiền, thù hận xã hội này toàn khổ đau, ganh ghét, đố kị. Và khi gặp Bằng, tôi đã có được cái nhìn về một cuộc sống ý nghĩa hơn, biết trân quý bản thân, yêu thương con người, ước mong một cuộc sống bình dị, hạnh phúc đến với tôi và tất cả mọi người.
Các bạn ạ! Trong mỗi chúng ta, trăm lần không vạn lần không muốn những khó khăn, vấp ngã xảy đến với mình. Nhưng chính những chông gai đó đã giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn.
Các bạn cũng đã như tôi:
Đã bao lần cố gắng làm một việc gì đó nhưng rồi lại bỏ cuộc giữa chừng!
Bao lần than trách bản thân, số phận khi rơi vào tuyệt vọng, mất niềm tin và phương hướng.
Và các bạn sẽ như tôi :
Sống tích cực, Cố gắng đạt được ước mơ bằng mọi giá và không bỏ cuộc.
Nguồn FB Phan Ngọc Quốc

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.