Giáo viên tiểu học như CON CÁ trong LỜ

GIÁO VIÊN TIỂU HỌC - CON CÁ TRONG LỜ... 
"Con cá trong lờ đỏ lơ con mắt"
1. Áp lực từ quản lý giáo dục, xã hội, phụ huynh, học sinh
Các cấp quản lý giáo dục đề ra các loại chỉ tiêu thi đua (tỉ lệ học sinh giỏi, 100% lên lớp...), "sáng tác" nhiều loại thành tích bắt giáo viên vươn (và vẽ), tổ chức các cuộc thi (mà hầu như không biết để làm gì một cách thực chất), đánh giá giáo viên thiếu khách quan, công bằng, ít khi chịu lắng nghe giáo viên một cách thiện chí... 
Ức chế!
Đọc báo chúng ta thấy, các bài khen, ca ngợi giáo viên thì ít mà chê, kể những chuyện chưa tốt, tiêu cực thì nhiều, thậm chí cứ như là bêu riếu. Nếu thiếu tỉnh táo, chỉ căn cứ vào những bài viết trên báo chí thì ngỡ rằng, giáo dục chỉ có một màu xám, trong đó, giáo viên là những "nhân vật" chính. Thậm chí, trong xã hội không ít người thiếu tôn trọng nghề giáo viên, coi giáo viên thuộc tầng lớp "thấp" trong xã hội. Riêng "nghề cao quí nhất" mà chúng ta thường nghe thì đơn thuần chỉ một câu khẩu hiệu, một sự tâng bốc, bởi nếu là đúng cao quí nhất thì giáo viên phải được đối xử, được nhà nước trả lương tương xứng. 
Tủi thân!
Một tỉ lệ cực lớn dân chúng có con cháu học tiểu học, hầu như ai cũng có những kinh nghiệm nhất định (có thể những kinh nghiệm này đúng hoặc sai) về giáo dục trẻ nên người dân nào cũng có thể tham gia ý kiến về giáo dục. Vấn đề là, người có hiểu biết, quan tâm thực sự thì ít, còn những người ít hiểu biết về giáo dục thì nhiều. Đặc biệt, rất nhiều người có những quan niệm sai như "con tôi giỏi hơn người", "trăm sự nhờ thầy cô"... Hễ giáo viên có điều gì chưa phải (chưa rõ trắng - đen) thì nhiều phụ huynh đã hùng hổ muốn làm to chuyện... 
Căng thẳng!
Học sinh trong một lớp tiểu học nói chung là đông, nhất là ở các thành phố, trong lúc đó, tồn tại qui luật giữa qui mô (số lượng học sinh) và chất lượng (kết quả học tập, rèn luyện), cụ thể là lớp càng đông thì chất lượng càng thấp. Lớp đông thì ồn ào, khó kiểm soát nên giáo viên phải gào rát cả cổ. Sẽ là đánh đố giáo viên khi mà lớp học 50-60 HS nhưng đòi hỏi chất lượng tốt. Chưa kể, những hiện tượng dở khóc, dở cười (mếu) mà giáo viên cần giải quyết như học sinh đái dầm, đại tiện trong quần ngay trong lớp học... 
Mệt mỏi!
Giáo viên tiểu học như CON CÁ trong LỜ

2. Công việc nặng nề: Dạy quá nhiều tiết, nhiều môn học, làm nhiều hồ sơ, tham gia lắm phong trào
Nhìn chung, giáo viên tiểu học phải dạy 9 môn học (thực tế thì nhiều trường có giáo viên chuyên về thể dục, âm nhạc, mĩ thuật...), trong lúc đó, con người chỉ giỏi được một số mặt mà thôi, giáo viên cũng vậy. Nếu chỉ dạy 5 buổi/tuần thì giáo viên tiểu học dạy 22-25 tiết/tuần, nếu dạy 2 buổi/ngày thì số tiết gần như gấp đôi. Ngoài ra, giáo viên còn làm công tác chủ nhiệm, các loại họp hành... Riêng thời gian và công sức cho việc soạn giáo án cũng đã "chết" rồi.
Ngoài ra, giáo viên còn phải hoàn thành rất nhiều hồ sơ, sổ sách (có giáo viên nói là 7-8 loại, không biết có đúng không).
Bên cạnh đó, các phong trào khác nhau (làm đồ dùng dạy học, viết chữ đẹp, thao giảng...) cũng làm hao tốn rất nhiều thời gian, công sức và kể cả tiền bạc của giáo viên... 
Kiệt sức!
3. Môi trường giao tiếp đơn điệu và hạn chế
Giáo viên tiểu học suốt ngày làm việc với học sinh tiểu học, giờ giải lao được buôn với đồng nghiệp thân cũng là niềm vui rồi. Ngay trong những đồng nghiệp, cũng có những người không ưa mình, thậm chí lợi dụng vài câu nói "sơ hở" của nhau mà "tâu" với sếp Hiệu trưởng. Nhiều Hiệu trưởng thì như là "mama tổng quản" + " hoàng thái hậu" + "vinasoy", nhìn đã phát khiếp rồi, chỉ những ai muốn cầu cạnh mới dám gần!
Vì đối tượng giao tiếp hạn chế, kỹ năng giao tiếp chưa tốt nên nhiều giáo viên tiểu học thiếu tự tin khi tiếp xúc với những người xung quanh (chỉ tự tin nhất là "dạy" chồng và con "có lỗi"..., hihi), ngại tiếp xúc với người ngoài...
Run!
4. Thu nhập thấp
Lương trả cho những người làm "nghề cao quí nhất" rất thấp, chính ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ GD-ĐT cũng "kêu". Có bài báo tính lương trung bình của giáo viên tiểu học là 3.248.379 đồng - lấy gì mà sống!? Tuy thực tế có một số ít giáo viên tiểu học thu nhập cao nhưng số ấy không nhiều (và cũng xứng đáng). Thương thay giáo viên bây giờ có dạy thêm cũng phải "chui", "né" bởi thiên hạ cho là làm điều "cấm".
Nản!
5. Đành phải làm dối, giả tạo
Do áp lực, do các phong trào thiếu thực chất, do cách đánh giá thiếu khách quan, công bằng, nhiều giáo viên tiểu học đã chọn con đường "khôn" là làm dối, đối phó, thậm chí giả tạo (nhiều khi dùng "Tiên Phật" để "qua"...). Điều đáng buồn nhất là các cấp quản lý giáo dục thừa biết điều đó (ví dụ như giáo án soạn ra chỉ để "trình", tiết giáo viên giỏi là "kịch"...), nhưng cứ làm ngơ, thậm chí khen ngợi. Thử hỏi: trong gia đình, chuyện gì sẽ xảy ra nếu cha mẹ biết con cái dối trá nhưng vẫn khen ngợi?
Xót xa!
"Con ngoài lờ ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô":
Chúng ta hãy tự đặt mình là "con ngoài lờ" nhìn xem: Người giáo viên được xã hội ca ngợi bằng nhiều MĨ TỪ: mẹ hiền, kĩ sư tâm hồn, nai rừng, hoa mai rừng... Công việc thì "cao quí nhất", chỉ cầm bút và phấn chả nặng nhọc gì... Môi trường làm việc thì "văn minh sư phạm", chỉ có trẻ ngoan và đồng nghiệp... Ăn mặc thì lúc nào cũng váy với áo dài thướt tha... 
Những kẻ đứng ngoài thấy nghề sư phạm thật đáng mơ ước. Hãy vào "LỜ" thử coi!
Một cuộc điều tra ngẫu nhiên với 526 giáo viên, cho thấy: 40,9% giáo viên tiểu học; 59,0% giáo viên THCS; 52,4% giáo viên THPT không muốn làm nghề dạy học nếu được phép chọn lại nghề nghiệp.
Hãi!
Kiếp sau, còn ai muốn làm giáo viên tiểu học nữa không?
Tác giả: Nguyễn Hữu Hợp

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.