Tâm sự "đắng lòng" của ông chồng có vợ là giáo viên tiếng Anh
Nghề giáo luôn đòi
hỏi những chuẩn mực bất di bất dịch về nhân cách, tài năng. Nhưng giá như trong
xã hội, nghề nào cũng vươn đến sự chuẩn mực về mặt bằng cấp, về năng lực thực
sự thì có lẽ cuộc sống sẽ công bằng hơn, tiến bộ hơn.
Người Việt ta vốn có thói quen thăm hỏi gia đình
nhau trong những cuộc trò chuyện mang tính xã giao. Đó là một cách kết nối thân
tình vì nói chuyện gia đình bao giờ cũng dễ tạo cảm giác gần gũi hơn với người
đối thoại… Những người bạn mới gặp gỡ quen biết lần đầu vẫn thường hỏi tôi “chị
nhà làm gì” và tôi luôn trả lời bằng một câu gần như mặc định, “vợ tôi
là nhà giáo”. Và bao giờ, tôi cũng nghe được một câu đại loại, “ồ …vậy
thì hay quá, hay quá”.
Đó là một lời khen thật lòng chứ không phải xã
giao. Thật lòng, vì bản thân nghề giáo là một nghề cao quý trong xã hội. Thật
lòng, vì phụ nữ làm nghề giáo có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái hơn- điều
mà hầu như ông chồng nào cũng mong muốn. Nghe khen thì cũng lấy làm vui, làm tự
hào, nhưng ngẫm lại thì không khỏi chạnh lòng vì cái “nghiệp” nhà giáo long
đong của vợ và nhiều đồng nghiệp cùng hoàn cảnh.
Tâm sự "đắng lòng" của ông chồng có vợ là giáo viên tiếng Anh |
Vợ tôi vốn là giáo viên tiếng Nga tại một trường PTTH có tiếng ở
một tỉnh miền Trung. Sau khi Liên xô sụp đổ, tiếng Nga trở nên lỗi thời, nhiều
giáo viên dạy tiếng Nga buộc phải chuyển sang làm công việc khác hoặc phải đi
học tiếng Anh để có thể tiếp tục ở lại trên bục giảng. Từ một giáo viên PTTH,
vợ tôi được chuyển về một trường Tiểu học sau khi lấy được bằng Cao đẳng tiếng
Anh, rồi tiếp tục học lên ĐH. Với bằng ĐH tiếng Anh như vậy, tưởng đã có thể
yên ổn với nghề giáo viên Tiểu học. Không ngờ, thời cuộc lại đổi thay …
Theo quy định của đề án “Dạy và
học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 30/9/2008, ngoài trình độ chuẩn đào tạo,
giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học và THCS phải đạt tối thiểu cấp độ 4/6
khung năng lực ngoại ngữ, tương đương với trình độ B2 của Cambridge ESOL. Biết
khả năng mình có hạn, có thi cũng không đạt chuẩn, vợ tôi viện cớ đã ở độ tuổi
U50, sắp nghỉ hưu đến nơi, nên cương quyết không dự thi, bất chấp sự căng thẳng
từ phía lãnh đạo nhà trường, phòng GD thành phố và Sở GD tỉnh … Những người dự
thi đa phần đều trượt. Đó là tình trạng phổ biến trong toàn quốc mà cách đây ít
lâu dư luận báo chí đã rộ lên ầm ĩ.
Chuẩn bị cho năm học mới, vợ tôi
lại được động viên ôn thi để dự thi kỳ tới, nhưng vẫn như lần trước, vợ tôi
cương quyết từ chối … Lãnh đạo nhà trường đành phải nói thẳng là đi thi không
đậu cũng được, miễn là có thi vì hầu như ai cũng thi và … cũng trượt, nếu không
thi thì nhà trường buộc phải chuyển làm công việc khác, không cho đứng lớp nữa.
Đã lường trước mọi chuyện nên vợ tôi chỉ nói đơn giản là nếu vậy thì xin nghỉ
việc luôn … May sao, điều đó đã không xảy ra. Nhưng sự cố đó đã khiến vợ tôi
trở nên chán nản đối với nghề nghiệp của mình và đi đến quyết định sẽ xin nghỉ
hưu sớm khi đủ tuổi 50 theo quy định …
Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về sự học của
những nhà giáo kém may mắn như vợ tôi. Học hết bằng này đến bằng khác với mong
muốn duy nhất là được đứng trên bục giảng, nhưng rốt cuộc, dường như chẳng bằng
nào có giá trị … . Những người bạn thân cùng lứa với vợ tôi, làm nghề khác, đa
phần đều thành đạt, không Tiến sĩ nọ thì cũng doanh nhân kia. Mỗi dịp gặp mặt,
vợ tôi lại tủi thân than thở “mình dạy tiểu học mà cũng không yên thân”…
Tôi hiểu tâm trạng vợ. Thu nhập
của nhà giáo vốn chỉ trông cậy vào đồng lương ít ỏi. Những ngày lễ tết, như
ngày nhà giáo 20/11 chẳng hạn, nhà trường thưởng cho một vài trăm từ đóng góp
của Hội phụ huynh đã là hạnh phúc. Đời sống vật chất đã vậy, nếu đời sống tinh
thần lại không được thanh thản, tâm thế chơi vơi trước việc mình không đáp ứng
được chuẩn theo quy định, dù thiên hạ đều thế, thì nghỉ hưu sớm có lẽ là cách
tốt nhất thoát khỏi những ràng buộc và thể hiện sự tôn trọng đối với nghề
nghiệp theo cách làm không được thì nghỉ, dành chỗ cho người khác có khả năng
hơn…
Tôi cũng buồn cho vợ, đôi lúc cũng
hơi buồn và ái ngại vì tính tình ngang bướng của vợ. Nhưng ngẫm lai, tôi lại
thầm cảm ơn vì sự thành thật với chính mình của cô ấy. Trung thực - đó là
phẩm chất cần thiết và đầu tiên của một nhà giáo.
Vâng, nghề giáo luôn đòi hỏi những
chuẩn mực bất di bất dịch về nhân cách, tài năng. Nhưng giá như trong xã hội,
nghề nào cũng vươn đến sự chuẩn mực về mặt bằng cấp, về năng lực thực sự thì có
lẽ cuộc sống sẽ công bằng hơn, tiến bộ hơn. Dường như xã hội đang đòi hỏi ở nhà
giáo nhiều hơn những gì mà chúng ta có thể dành cho họ theo tinh thần đạo lý
“uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” ...
Đặng Đoàn/ Khám phá
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác