Bán dạo lương tâm
Lương tâm con người là vô giá. Nhưng có
một thực tế đáng buồn là một số người lợi dụng sự vô giá ấy để đánh vào lòng trắc
ẩn của người khác mà lừa lọc bằng cách bán hàng dưới mác “từ thiện”.
Tôi và bạn bè ngồi uống cà phê hoặc trà
đá vỉa hè và thường gặp cảnh huống là một hoặc một nhóm người bán hàng đến mời
chào mua hàng. Sự mua bán ở đây không mang nghĩa thuận mua vừa bán, bởi người
bán thường giới thiệu là nhân viên của trung tâm nhân đạo đi bán tăm, bông tai,
kẹo cao su, … nhằm mục đích từ thiện, giúp đỡ các em nhỏ mồ côi, khuyết tật.
Và trước sự hi sinh, xả thân làm từ thiện
của người bán hàng, thì hầu như chẳng mấy ai dửng dưng mà không mua. Tất nhiên
lúc này là lúc mua ủng hộ và cái giá của sự ủng hộ bao giờ cũng cao gấp mấy lần
so với giá trị thực tế của mặt hàng được bán.
Lương tâm là vô giá, làm người có thể để mất cái gì thì mất, nhưng nhất thiết không được để mất lương tâm. |
Một lần, hai lần rồi nhiều lần như thế
khiến tôi và bạn bè phải cảnh giác. Tại sao lại có nhiều người và nhiều nhóm
bán hàng nhân đạo đến thế? Và liệu, đó có thực sự là bán hàng cho người tàn tật,
kém may mắn hay là lợi dụng “mác” nhân đạo để bán hàng?
Và để rút kinh nghiệm “trái tim lầm lỡ để
trên đầu”, mỗi khi có người bán hàng nhân đạo thì phải dựa vào thực tế rằng
“người bán hàng đó có khuyết tật hay không? Nếu bán vì mục đích từ thiện thì có
giấy chứng nhận của trung tâm nhân đạo hay không?
Thật bất ngờ hầu hết các trường hợp khi
chúng tôi hỏi đến giấy tờ đều không có. Khi bị chất vấn, họ thanh minh với lý
do cao cả là tự nguyện đi bán hàng để giúp đỡ người nghèo nên không cần giấy
xác nhận của trung tâm nào hết.
Hôm vừa rồi, tôi đi từ cổng bệnh viện Bạch
Mai qua cầu vượt dành cho người đi bộ để sang bên kia đường. Trên cầu có 4 người
phụ nữ chia nhau để mời khách mua tăm. Ai không mua sẽ bị họ đi theo và mời mua
cho bằng được. Đáng chú ý, mỗi gói tăm không phải vài nghìn mà ít nhất phải “ủng
hộ” 50.000 đồng.
Gặp tôi họ cũng mời. Tôi đưa một gói,
đưa họ 10.000 đồng. Người phụ nữ trả lại rồi bảo
“Dạ
thưa anh, vì đây là tăm nhân đạo nên ít nhất phải là 50.000 đồng mỗi gói ạ”.
Thấy vậy tôi liền hỏi
“Các
cô bán cho trung tâm nhân đạo nào?”
Người phụ nữ ấp úng không nên lời. Tôi bảo
tiếp:
“Các
cô đang lợi dụng lòng tốt để lừa đảo đúng không? Tôi sẽ gọi công an xác minh”
Nghe đến đây, cả bốn người phụ nữ kéo
nhau bỏ đi thật nhanh. Hành động đó chứng tỏ “có tật thì giật mình”. Nhưng thật
đáng buồn, kiểu đi bán dạo lương tâm, lợi dụng lòng tốt của người khác không phải
là ít mà là tràn lan.
Thực tình trong thâm tâm tôi không muốn
họ bị pháp luật xử lý. Bởi vì, đằng sau họ có thể là một gia đình với những đứa
con đang thiếu ăn, thiếu tiền học phí hoặc tiền thuốc. Nhưng tôi cũng mong họ
hiểu một đạo lý “lương tâm là vô giá,
làm người có thể để mất cái gì thì mất, nhưng nhất thiết không được để mất
lương tâm. Còn lương tâm là còn con người, mất lương tâm là mất tất cả.”
Theo Trần Hòa/ Khoa học & Công nghệ
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác