Dạy thêm khiến tôi bị mất hạnh phúc bởi không có thời gian cho gia đình
Gần đây vấn đề cấm dạy thêm học thêm ở trường
đang là vấn đề khá nóng hổi và nhạy cảm được rất nhiều người quan tâm, trong đó
những người giáo viên là những người trực tiếp có thêm chút thu nhập trong việc
dạy thêm này cũng tỏ ra khá bức xúc và phản đối việc cấm dạy thêm học thêm ở
trường, còn nhiều bậc phụ huynh thì cho rằng việc cấm dạy thêm cũng chưa hẳn là
đã tốt. Phụ huynh, học sinh đều có nhu cầu, vậy tại sao phải cấm dạy thêm học
thêm để làm gì?
Bài viết dưới đây là tâm sự của tác giả Thục
anh - TP HCM, người đã từng làm hơn 20 nghề tay trái, trong đó cũng đã từng
được tham gia dạy thêm chia sẽ những tâm sự những suy nghĩ của mình về vấn đề
nóng hổi này "Cấm dạy thêm học thêm" tại các trường học.
Hồi mới tốt nghiệp trường sư phạm và đi dạy, tôi
vẫn tự giằng xé “dạy thêm hay không dạy thêm?” khi đồng lương không đủ sống.
Lúc ấy, tôi cho rằng khi mình không dạy thêm, phụ huynh và học sinh sẽ nhìn
mình với con mắt kính trọng.
Và bản thân tôi đã từng làm hơn 20 nghề tay trái
như: giữ xe, bán bánh mì, bán cơm tấm, bán bảo hiểm, … để trụ được trên bục
giảng. Có những giai đoạn tôi làm 3 việc một lúc để sinh sống. Tôi biết nhiều
thầy cô giáo cũng như tôi, chấp nhận làm thêm những công việc cực nhọc như đạp
xích lô, chạy xe ôm, bán buôn đủ thứ…
Chúng tôi đã làm đủ thứ nghề để sau những giờ
phút cực nhọc ấy chúng tôi vẫn được sang sảng rao giảng về tri thức và đạo đức.
Khi làm nghề tay trái, tôi phải giấu nhẹm việc
mình là cô giáo. Trải qua nhiều nghề, cứ mỗi lần phải trân mình ra, biến mình
thành một người khác - không phải cương vị một cô giáo - tôi cảm thấy đau đớn
như tim bị bóp nghẹt. Nhiều lúc đi đường gặp trời mưa, tôi lại để cho nước mắt
chảy ra cho bớt cơ cực vì tôi không muốn về nhà khóc trước mặt con mình.
Câu chuyện lương không đủ sống và giáo viên phải
làm nghề tay trái đã quá nhàm chán đến độ người trong cuộc như chúng tôi không
còn dám than thở nữa. Bởi có than cũng chẳng có tác dụng gì.
Vì thế, xin đừng lên án chúng tôi là tại sao
không phát triển được chuyên môn. Tháp nhu cầu của Maslow đã chỉ ra rằng khi
anh bị đói thì anh sẽ phải lo tìm cái ăn trước đã. Thầy cô giáo chúng tôi cũng
không nằm ngoài quy luật cho dù chúng tôi có tự trọng đến đâu.
Rồi cũng phải dạy thêm
Sau nhiều năm kiên quyết không dạy thêm, tôi thấy
một số học sinh gặp khó khăn trong học tập do cha mẹ các em không thể dạy con
của mình. Thế là tôi mở 1 lớp dạy thêm 2 tiếng/ tuần.
Nhưng có một điều rất khổ: động tác nhắc học sinh
đóng tiền tôi cảm thấy thật ê chề và ngại ngùng. Thầy cô giáo mà phải đụng đến
tiền bạc thật lòng chẳng ai muốn cả. Thế nên,
trong lớp của tôi em nào có tiền thì đóng, không có tiền tôi cho miễn. Tôi cũng
không công bố tên các em thuộc diện miễn giảm để các em tự tin và bình đẳng vào
lớp học như các bạn.
Nhưng có trường hợp cha mẹ cho con tiền đóng học
phí nhưng học sinh không đóng cho cô mà lấy xài việc riêng. Do đó, bỗng
dưng tôi lại thành tác nhân cho việc lừa thầy dối cha. “Tiến thoái lưỡng nan”
nhưng tôi vẫn không thể mở miệng đòi tiền học sinh được.
Nhưng cũng chính nhờ dạy thêm nên tôi được trau
dồi chuyên môn nhiều hơn. Và tôi bắt đầu có nhiều học sinh giỏi cấp quận và cấp
thành phố. Từ đó có thể nói rằng: việc dạy thêm cũng có mặt tích cực nhất
định mà chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận (thay vì làm nghề tay trái thì thời
giờ đâu để trau dồi chuyên môn?).
"Kịch bản" công phu
Nhưng như thế chưa phải đã hạnh phúc, cứ sau 5 giờ chiều là lòng tôi nặng trĩu bởi vẫn chưa được về nhà lo cơm nước, quây quần với
gia đình như những phụ nữ công chức khác.
Thay vào đó, tôi phải vào lớp dạy tiếp, phải làm
cho những đứa trẻ tội nghiệp đang mệt mỏi dưới lớp hoàn thành bài tập. Phải làm
sao để các em học với tâm trạng vui vẻ, thoải mái nhất, để phụ huynh hài lòng
và đồn với nhau: “cô đó dạy hay lắm, con tôi toàn 9, 10 điểm và về nhà khỏi học
gì nữa cả”.
"Dạy thêm có cái giá của nó! Chúng tôi bị
mất hạnh phúc bởi vợ chồng con cái chỉ gặp nhau có 1 tiếng mỗi ngày. Tôi không còn hơi sức để dạy con. Tôi không có khái niệm
cuối tuần bởi thứ bảy chủ nhật cũng dạy và dạy. Trò khổ! Thầy khổ! Bởi trò
không học sẽ thi cử không tốt do về nhà không tự học được. Thầy khổ bởi không
tăng cường dạy thì đói.
Chưa kể tình trạng trò kém thì thầy cũng bị phê
bình, hạ bậc thi đua, mất uy tín,...”
Dạy thêm là cực nhục! Chẳng thầy cô nào thích dạy
thêm. Tôi tin chắc điều đó. Mặc dù trên thực tế, để mở lớp dạy thêm có thầy cô
giáo phải tạo ra nhu cầu.
Có người chỉ nói đơn giản nhưng cũng có người
chuẩn bị “ kịch bản” rất công phu như cho kiểm tra chất lượng đầu năm với đề
rất khó. Học sinh bị điểm thấp sẽ cuống cuồng xin đi học thêm. Thậm chí đang
học với giáo viên khác cũng bỏ vì học thầy cô ở trường mới đúng tủ, điểm cao mà
không vất vả; …
Tôi kể ra những điều trên để mạnh dạn nêu lên
mong muốn của mình: các cấp quản lý hãy làm nhiều đợt khảo sát khác nhau về dạy
thêm - học thêm.
Khi có căn cứ xác thực mới hình thành quy trình thực hiện,
làm sao để hợp lòng dân nhưng vẫn thỏa được cả tình lẫn lý.
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác