Chị và em - Truyện ngắn hay và cảm động

Ở quê em, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá. Chẳng hiểu vì lý do gì, trong mấy năm gần đây sản lượng thu hoạch kém hẳn, làm nhà nhà điêu đứng. Có những gia đình bình thường chỉ đủ bữa ăn qua ngày thì nay lại bữa đói, bữa no, tội lắm!
Nhà chú em cũng không phải ngoại lệ. Chật vật với miếng ăn được 2, 3 năm nay thì gia đình cũng tan đàn, xẻ nghé. Vợ chú không chịu nổi cảnh nợ nần chồng chất nên bỏ theo thằng đàn ông khác. Chú hiền như đất nặn, chẳng làm xồn xồn lên mà cứ thế âm thầm chạy cơm từng bữa nuôi hai con. Hai đứa em em, đứa lớn là bé gái 6 tuổi, đứa nhỏ là bé trai 3 tuổi, cả hai nheo nhóc, lem luốc như trẻ bụi đời.
Ban ngày, con chị học xong lại ra phụ người ta cạy ghẹ, làm mực để kiếm thêm tiền lo bữa ăn. Có chỗ người ta cho 10 nghìn, chỗ cho 15 nghìn, coi như mua được ít con cá. Khổ nỗi đi làm nhưng con bé vẫn phải dắt theo thằng em vì không ai chăm em cho (nhà chú ở xa nhà nội lắm!). Cuối ngày về, cả hai chị em lem luốc, bốc mùi tanh nồng nặc. Vậy mà cũng không có xà phòng để tắm vì lâu lắm rồi nhà không có phụ nữ để chăm chút cho những thứ xa xỉ này.
Hôm nọ, con chị đang cạy ghẹ, ngó quanh không thấy thằng em đâu lật đật chạy tìm. Vừa ra đến cầu gỗ đã thấy thằng em lẽo đẽo tay với, tay chìm ở mé nước. Con bé chưa kịp hô hoán đã chạy lại kéo em lên. Hai bàn tay bé xíu bấu vào nhau chẳng đủ, con chị cũng ngã nhào luôn xuống nước. Cũng may gần đó có nhiều người chạy lại kịp nên hai đứa đều được cứu.


Mới hôm kia, em ghé qua thăm, nghe bảo mẹ nó về đòi bán nhà chia của. Chú hiền lành là vậy cũng phải điên tiết, cầm gậy đuổi thím chạy cong giò.
Bước qua hiên nhà bốc mùi tanh ghẹ, mực, chỗ con bé làm bản doanh để kiếm tiền, em có dịp được nhìn thấy cảnh hai đứa em nhỏ của mình tự chăm sóc nhau:
- Em Ben ơi, chị cho em cái này ngon lắm, há miệng ra nào! – Con chị đưa muỗng cơm chan xì dầu đút cho thằng em.
- Không, không ăn đâu! – Thằng em lắc đầu nguầy nguậy – Ăn cá, cá!
- Em ăn ngoan đi, chiều chị cạy ghẹ xong là có tiền mua cá rồi! Mai ba đi biển về nữa, cá một nhà luôn, chị cho em ăn hết luôn.
Nhìn con chị khua tay múa chân, cong dẻo miệng vẽ vời, thằng em há miệng ăn lia lịa. Ăn xong, con chị dắt thằng em đi tắm. Thằng em nằng nặc không chịu:
- Không, em muốn mẹ tắm em mà! Chị kêu mẹ tắm cho em đi! Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ em Ben đâu rồi? – Thằng em vừa khóc mếu máo vừa chạy vòng quanh trong sân.
- Em không ngoan chị buồn mà!
Con chị lon ton chạy đuổi thằng em năn nỉ một lúc rồi vấp chân té ngã, khóc mếu kể lể:
- Mẹ em Ben hư lắm nha, chị em con còn nhỏ mà bỏ đi theo trai rồi! Con không làm thay mẹ nữa đâu, bỏ luôn, bỏ em Ben luôn!
Thằng em thấy con chị ngồi bệt xuống thềm khóc lóc cũng chẳng dám khóc thêm mà chạy dỗ:
- Chị Mi ngoan, Ben thương nhiều, cá ba về em cho Mi ăn hết luôn nha, nha!
Nghe thằng em dỗ, con chị quẹt vội nước mắt đang lưng tròng, chạy lại kéo thằng em ra sau nhà, vặn nước:
- Hì hì, vậy Ben tắm sạch sẽ nha, đừng cãi lời chị nữa, chị thương không bỏ Ben đâu!
Lặng nghe tụi nhỏ chuyện trò, chăm sóc cho nhau mà nước mắt em cứ chảy trào. Giá như thím đừng bỏ đi thì mấy đứa em đâu phải tập làm người lớn thế này.
Sau, em có vào phụ con bé tắm rửa cho em rồi dúi mấy đồng cho nó nhưng con bé không nhận mà chỉ nói:
- Ba dặn ở nhà ai cho đồ ăn thì cảm ơn, cho tiền không lấy, không thì ba biết được đi biển luôn không về nữa đâu chị Thuyên ơi!
- Vậy sao bé Mi không về nhà bà nội ở đi. Ở dưới đó, bà cũng cho bé Mi đi học, cũng chăm em Ben nữa mà!
Em nói
- Không đâu, Mi không đi đâu. Tội ba, đi biển về không có ai ở nhà, ba buồn tội lắm!
Nhìn con bé vừa nói vừa đưa đôi tay nhỏ thoăn thoắt cạy mấy con ghẹ trong căn nhà trống hoắc mà xót xa thay. Con bé đã phải làm thay vị trí của mẹ đến mức như già hơn tuổi. Tuổi thơ mất đã đành lại còn đó nỗi lo bị xâm hại khi con bé một mình cứ phải lang thang hết đầu này đến đầu khác. Tương lai em rồi sẽ ra sao?

VIDEO HAY: Chết cười với những "thánh chụp ảnh" vui tính và hài hước nhất quả đất


Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.