Trào lưu "LIKE là làm", "nói là làm" của giới trẻ - Có phải là hậu quả của nền giáo dục?
Không còn là việc tô
son, kẻ mắt đến trường, hay xăm mình đi bar theo trào lưu như trước. Với những
9X, và gần đây nhất là 10X xuất hiện trào lưu mới “Nói là làm”, “Đủ like là
làm”, và “làm” ở đây là tẩm xăng đốt mình rồi nhảy xuống sông, mua xăng mang
vào đốt trường, hay đủ like đủ share sẽ nude toàn thân chạy vòng vòng quanh trường,
...
Giới trẻ dường như ngày
càng táo bạo hơn trong việc thể hiện mình. Hậu quả từ lời thách thức ngông cuồng
và những cái like tẻ nhạt đã rõ. Nữ sinh lớp 8 ở Khánh Hòa sau khi đốt trường
đã bỏng ở 2 chân, thanh niên tẩm xăng đốt mình rồi nhảy cầu Tân Hóa chắc cũng
không khỏi cảnh vào bệnh viện cho bác sĩ băng bó. Những bậc phụ huynh, thầy cô
nghĩ gì khi con mình làm điều này, sẽ là nhìn nhận lại cách giáo dục, dạy dỗ của
mình với con trẻ hay lại cho chúng những bài học từ đòn roi bởi “thương cho roi
cho vọt, ...”
Nữ sinh lớp 8 châm lửa đốt trường học vì lời thách trên facebook đủ 1000 like là làm |
Có lẽ đã đến lúc xã hội,
nhà trường, và các bậc làm cha, làm mẹ nhìn nhận lại cách giáo dục một thế hệ
tương lai của mình. Qua rồi cái thời bọn trẻ yêu đương lén lút bỏ học để đi hẹn
hò, hay xăm mình, trang điểm tụ tập đi bar, ăn nhậu hút shisha, ... Giới trẻ
ngày nay dường như nhạy cảm hơn nhiều và thích thể hiện mình hơn nhiều.
Ở cái tuổi ngấp ngưỡng
của sự trẻ con và trưởng thành, ai cũng có nhu cầu được khẳng định mình với mọi
người. Nhưng trong cả trăm, cả ngàn con người không phải ai cũng đủ tài năng để
người ta trầm trồ, khán phục. Thế là để nổi bật, giới trẻ quyết định tạo ra
khác biệt. Tiếc là cái khác biệt ở đây khiến ai cũng lắc đầu ngán ngẩm thốt lên
một câu “đồ trẻ trâu mới thích thể hiện”.
Ba mẹ, thầy cô chúng -
những người luôn tự hào đang dạy dỗ những đứa trẻ ngoan ngoãn thành người - ở
đâu trước khi những suy nghĩ dại dột kia bộc phát thành hành động. Có lẽ những
người lớn này vẫn đinh ninh con mình ngoan và đủ suy nghĩ, phân biệt. Có lẽ
chính thói “tự hào”, “sĩ diện ảo” của những người lớn đã đẩy suy nghĩ của những
đứa trẻ cũng bốc đồng lên không kém. Những 9X, 10X này muốn thể hiện mình,
nhưng bất lực trước sự khác biệt về tài năng để tạo độ thành công, và chúng nổi
bật theo cái cách chúng tự nghĩ ra. Làm những trò khác người, bất chấp những hậu
quả về danh dự, thân thể và cả tính mạng mình. Đã đến lúc các bậc làm cha, làm
mẹ và thầy cô nghĩ đến việc định hướng sự trưởng thành của con cái theo sở
thích, ước mong chính đáng của con mình. Cho chúng đến trường, đi học và dạy dỗ
kiến thức là lẽ dĩ nhiên, nhưng cũng hãy lắng nghe và kịp thời chấn chỉnh những
suy nghĩ, hành động dại dột, khác người.
Nếu con cái có nhu cầu
được thể hiện mình, khẳng định sự trưởng thành của mình, hãy để chúng nói lên sở
thích. mong muốn đó và định hướng nó một cách tích cực. Dành thời gian cho con
trẻ, trò chuyện và lắng nghe nhiều hơn thay vì lao vào cuộc mưu sinh và cho con
mình một nắm tiền mỗi khi chúng xòe tay xin.
Bố mẹ có nhiều hơn kinh
nghiệm sống để một đứa trẻ chập chững mới lớn học hỏi, hãy để chúng nhận thấy
và học từ đó những điều tốt đẹp. Con gái có thể tô nhẹ một chút son khi đến trường
để đẹp thêm trong mắt bạn bè, con trai có thể thể hiện cá tính của mình qua đôi
giày hay cái đồng hồ đang mang, và nếu muốn để lại ấn tượng trong mắt người
khác con hãy là một con người chỉnh chu, ăn nói lễ phép và học hành tử tế. Giữa
rừng người chăm ngoan, học giỏi đừng lo con không khác biệt, chính cá tính,
thái độ và trách nhiệm của con với cuộc sống của chính mình và gia đình đã là một
điều trân quý khiến người ta phải đứng nhìn tôn trọng.
Còn nếu muốn nổi bật
hơn nữa hay tạo thêm sự khác biệt, có một tuổi trẻ tại sao con không thử thách
mình với những điều lý thú hơn ngoài cuộc sống. Học và say sưa khám phá một loại
nhạc cụ, đàn piano, guitar đơn giản hay violon,... Mang bút vẽ, máy chụp ảnh đến
một khung cảnh đẹp và lưu giữ lại khoảnh khắc đó, hay thử sức mình đi và trải
nghiệm ở một nơi ngoài vùng mình sinh sống. Khuyến khích con cái tham gia các
hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các sân chơi tập thể mà nhà trường, các
đoàn thể tổ chức. Những kỷ niệm từ đó sẽ là “tài sản” vô giá, là hành trang tốt
đẹp để con bước vào cuộc sống kia, và không ngần ngại chia sẻ đây là chính mình.
Tạo sự tương tác, tiếp xúc và kết nối con bạn với những con người khác sẽ cho
chúng cách nhìn nhận tích cực và nhiều chiều hơn cuộc sống.
Trào lưu "đủ like là làm" ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội |
Những trào lưu trên mạng
suy cho cùng cũng từ sự lan truyền không kiểm soát của mạng xã hội. Thay vì
ngăn chặn hay phớt lờ chiếc smartphone trên tay con trẻ. Các bậc làm cha, mẹ có
thể quan sát xem con mình đang làm gì ở đó, giải thích và lắng nghe những phản
hồi từ chúng, định hướng cách tiếp nhận và sàng lọc thông tin từ mạng xã hội rối
ren, đầy bão thông tin cũng là cách để bạn hài lòng hơn với con mình.
Mạng xã hội hay cụ thể ở đây là
trang facebook kia thể hiện “đời sống”, “bộ mặt” của mỗi tài khoản mà người ta
lập nên, và để tạo cá tính, vài đứa trẻ đã adua theo cách mà những lời thách
thức trên đó thể hiện. Trong cả nhìn cái like, comment, share vô tội vạ ấy. Một
phần like cho bỏ ghét, like để coi thử độ chơi ngông của tài khoản kia như thế
nào, một phần còn lại like vì tò mò, vì sự kích thích “ham vui” từ cái status
kia. Đa phần nhạt nhẽo và hành động thể hiện cái nhìn thiếu chiều sâu, dĩ
nhiên, chúng ta không bắt những đứa trẻ mười mấy, hai mươi kia có cái nhìn sâu
sắc nhưng biết phân biệt đúng sai, phải trái là điều cần thiết. Phải chăng
những giá trị về cuộc sống, về tài năng và bản lĩnh của con người đang mờ dần theo những kiểu
thách thức vô tội vạ và hậu quả thì thật đau thương, khôn lường đến từ giới
trẻ.
Xoay mình đám trẻ đó về
những chuẩn mực, đúng sai và những định nghĩa đúng đắn trong cuộc sống là cách
mà người lớn cần làm. Thương cho những roi vọt quá đà không cần thiết, cả những
câu mắng mỏ hay tệ hơn là bỏ mặc tất cả của người lớn. Những bạn trẻ dùng mạng
xã hội và tiếp thêm những cái like, share kia cần hiểu rằng một cái bấm like ảo
đơn giản của mình có thể ảnh hưởng thật đến suy nghĩ, hành động và cuộc sống của
một người khác cũng trẻ như mình. Một cái like không làm được đều gì, nhưng nó
phản ánh thái độ, suy nghĩ của bạn trẻ cũng đang lệch lạc và ngông cồng như
dòng status thách thức kia. Tiếng hét lên “lấy nước dập lửa” đang cháy từ đám
xăng trong vụ nữ sinh lớp 8 đốt phòng y tế trong trường học ở Khánh Hòa, trước
đó là lời khiêu khích “Đốt đi! Đốt nhanh lên”, cả “Không đốt là ăn đòn” ngay
bây giờ, đủ thể hiện sự thiếu hiểu biết, chiều sâu suy xét vấn đề của cả bên ngồi
like và chờ chủ thớt hành động.
Theo Webtretho
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác