Của cho không bằng cách cho, vì vậy khi cho đi đừng để người ta mang ơn
Mấy hôm nay mạng xã hội tràn ngập những lời kêu gọi giúp đỡ đồng bào ở
tỉnh Quảng Bình gặp lũ lớn, kèm theo đó là nghi án người dân vùng hạ lưu là nạn
nhân của các công trình thủy điện thượng nguồn xả lũ khi có những trận mưa tích
nước quá lớn.
Dù với bất cứ
lý do gì thì những thông tin về thiệt hại do lũ lụt gây ra đã lan nhanh, làm
rung động lòng người về sự đau khổ, mất mát của người dân vùng lũ.
Những đợt cứu
trợ đầu tiên đã đến đích. Trên mạng xã hội lại bắt đầu tràn ngập hình ảnh những
đám đông người đang ngồi trật tự chờ đến lượt nhận hàng cứu trợ từ những nhà
hảo tâm vô danh hoặc có danh tính rõ ràng. Lòng nao nao nhớ lại năm nào cũng
tham gia các đoàn cứu trợ và bản thân cũng đã học được đôi điều từ cuộc sống.
Những con số
hàng chục tỷ đồng mà một số tờ báo công bố, hoặc các nhóm thiện nguyện thông
báo hàng tỷ đồng tiền và hàng cứu trợ trên Facebook đều là có thật, rồi những
đoàn xe từ Hà Nội, từ miền Nam đã và đang gấp rút đến Quảng Bình. Hành động
"lá lành đùm lá rách", tương trợ nhau trong bão lũ, hoạn nạn của
người Việt khiến lòng thấy vô cùng ấm áp.
Tuy nhiên, tôi
lại cảm thấy buồn khi nhìn thấy cảnh đồng bào xếp hàng để nhận đồ cứu trợ. Khi
chúng ta ở giữa đám đông ấy, nếu đừng bị cuốn vào cảm giác hân hoan là đang làm
việc tốt thì có thể cảm nhận được một thực tế khác: chỉ có những người già đến
nhận đồ cứu trợ, vì người trẻ dù bức bách đến đâu cũng không muốn phải xếp hàng
cầm lấy đồng tiền của người khác giúp đỡ.
Có những đoàn
thiện nguyện đến rồi đi vội vàng, không có thời gian để hỏi han ân cần, nói vài
lời an ủi, động viên để đồng bào bớt tủi phận.
Khi đứng trong
đám đông những người già ấy, bắt gặp những ánh mắt biết ơn hoặc đón nhận những
lời tri ân xuất phát từ tận đáy lòng của những người nhận đồ cứu trợ, tôi cứ
băn khoăn rằng việc mình làm cũng bình thường như bao người có tấm lòng nhân ái
khác, đâu xứng với thái độ hàm ơn trân trọng đến vậy.
Nỗi khổ của
đồng bào mình rất lớn, không thể bù đắp được với vài trăm nghìn đồng cứu trợ,
nên trộm nghĩ phải giúp bà con một cách khéo léo, tế nhị. Cái cảnh bà con xếp
hàng chờ đợi, rồi tiếng loa dõng dạc đọc tên người nhận quà trông bất nhẫn và
vô cảm làm sao! Hãy tinh tế một chút, đừng đem cái nghèo khổ của họ ra sân ủy
ban xã mà xướng lên như thế.
Tệ hơn nữa là
nhiều người còn "khoe" hình ảnh đi làm từ thiện trên mạng xã hội một
cách thô thiển, chẳng hạn như người trao quà nhìn vào ống kính máy ảnh cười rất
tươi, trong khi gương mặt người nhận quà đầy nét ưu tư.
Ông bà ta có
câu "Của cho không bằng cách cho" nên hành động thể hiện sự tương
thân tương ái sẽ có ý nghĩa hơn khi người thực hiện hành động đó biết học
"cách cho" ...
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác