Một mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con không nuôi nổi một mẹ

Bước ra đường ở thành phố phát triển bậc nhất của nước mình, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh của những cụ già lưng còng lọm khọm, vẫn đội mưa đội nắng lang thang trên phố, bán đồ lặt vặt để mưu sinh. Cảnh người già bị con cái bỏ rơi không còn lạ lẫm gì đối với nhiều người. Nhìn hình ảnh những người già Việt nhọc nhằn mưu sinh, sống cô độc cuối đời dù con đàn cháu đống, tôi thấy xót xa lắm. Họ mong được con cái quan tâm, chăm sóc, yêu thương bao nhiêu thì càng thấy tủi phận bấy nhiêu. 
Vậy mà mới đây tôi lại tình cờ đọc được một câu chuyện lạ lùng về người già ở Nhật Bản, và câu chuyện đó đã khiến tôi phải băn khoăn và ngẫm nghĩ rất nhiều. Tôi đã đặt ra so sánh với câu chuyện của một người già Việt bị con cái ruồng rẫy thì đúng là một trời một vực. 
Tôi xin được kể ra hai câu chuyện, một về người già nước Việt Nam mình, hai là về người già ở Nhật như sau:
“1 mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con không nuôi nổi một mẹ”
Câu nói này rất quen thuộc với nhiều người Việt. Và nó cũng rất đúng với cảnh ngộ của một cụ già 80 tuổi tên Thi sống tại thôn Núi Chùa. Tuy rằng chỉ có 5 người con song cụ Thi cũng đã rất vất vả để nuôi các con khôn lớn. Vậy mà khi trưởng thành chúng lại đối xử với cụ như một gánh nặng, một “của nợ”. Mọi người trong thôn đều cảm thấy bất bình trước sự bất hiếu của 5 người con cụ Thi.
Khi các con lớn đã yên bề gia thất, cụ Thi sống cùng gia đình đứa con trai út tên Hào trong căn nhà của tổ tiên. Chút tài sản cụ chắt chiu dành dụm đều bị vợ chồng Hào tiêu pha hết. Thấy mẹ không còn vốn liếng dưỡng già, không còn gì để bòn rút, sợ mai kia mẹ ngã bệnh ốm đau thì sẽ trở thành gánh nặng cho mình nên tìm đủ mọi cách để ruồng rẫy cụ Thi. Vợ chồng Hào ngày nào cũng rủa xả cụ là “đồ ăn bám”, “nuôi báo cô chứ được lợi lộc gì”, “con trai cả, con hai… của bà, một lũ giàu có không về mà rước bà đi, đừng làm tội con này, thằng này”...
Nghe những lời mắng chửi của con mỗi ngày, cụ Thi chỉ biết nuốt nước mắt mặn đắng vào trong. Nhiều năm ròng rã, cụ Thi phải sống trong sự hành hạ, đay nghiến, bạc đãi của vợ chồng con trai út. Còn những người con lớn của cụ thì lại thoái thác trách nhiệm, cho rằng vợ chồng anh Hào được hưởng gia tài nên phải chịu trách nhiệm nuôi mẹ. Đùn qua đẩy lại, cuối cùng những đứa con bất hiếu đó bàn nhau dựng một cái chòi lá trong vườn nhà anh Hào và bỏ cụ Thi sống ở đó. Hàng tháng, họ chỉ cho cụ vài cân gạo và vài đồng bạc lẻ. Chua xót trong lòng, cụ rớt nước mắt bảo: “Trên đời này còn ai gặp cảnh ngộ như tôi thì đúng là vô phúc. Nhiều lúc bĩ cực tôi chỉ muốn uống một liều thuốc độc chết cho mát mặt, yên phận, nhưng không thể làm vì tiếng để đời để kiếp”.
Bi kịch nghiệt ngã của người già Nhật Bản
Người già luôn là vấn đề nan giải của Nhật Bản, một đất nước có tốc độ già hóa dân số cao bậc nhất thế giới. Vì thế mà có những câu chuyện vô cùng thương tâm đã xảy ra với người già ở đất nước này. Bi kịch của cụ già 83 tuổi Eijiro Koda là một ví dụ. Vợ chồng ông Koda không hề cô đơn, họ có với nhau nhiều người con. Con cái ông bà cũng rất hiếu thảo, mong muốn được chăm sóc bố mẹ. Thế nhưng vợ chồng ông vẫn cương quyết vào viện dưỡng lão ở. Không thể thuyết phục được bố mẹ, các con của ông Koda đã trả một khoản tiền rất lớn lên đến gần 4000 đô la mỗi tháng để vợ chồng ông có cuộc sống thoải mái ở một viện dưỡng lão tốt.
Thế nhưng 5 năm sau đó, bi kịch diễn ra khi ông Koda bị kết án 3 năm tù vì dùng dây thừng siết cổ người vợ của mình trên giường cho đến chết. Bi kịch này đến từ nỗi ám ảnh của ông Koda, không muốn mình trở thành gánh nặng cho con cái. Sức khỏe ông ngày càng yếu dần trong khi vợ ông lại mắc chứng mất trí nhớ của người già và nằm liệt giường. Ông sợ rằng vợ chồng ông sẽ trở thành gánh nặng cho con cái, sợ rằng mình sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình riêng của chúng. Rất nhiều người già Nhật Bản cũng có suy nghĩ giống như ông Koda. Vì thế mà họ thường âm thầm chịu đựng và cuối cùng thì kiệt quệ và tuyệt vọng đến mức tự kết liễu đời mình hay sát hại người bạn đời của mình.
Hai câu chuyện với hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau nhưng đều cho ta thấy rằng người già, dù ở bất cứ đâu trên thế giới cũng rất dễ tổn thương, giống như trẻ nhỏ vậy, Tuổi già khiến cho suy nghĩ của họ trở nên tiêu cực hơn, còn tâm lý thì thường mặc cảm. Họ rất nhạy cảm với những điều như là “người già thì vô dụng” hay “cha mẹ già là gánh nặng của con cái”. Vì thế, để những bi kịch của người già không còn diễn ra nữa thì gia đình và xã hội cần quan tâm đến họ hơn, không chỉ là chăm lo vật chất, chu cấp tiền bạc mà còn phải yêu thương, quan tâm đến tinh thần và tâm lý của họ.
Nguồn: Webtretho

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.