Tâm sự đầy ân hận của một thầy giáo "hiếu thắng"
T. nhìn tôi rồi cụp mắt xuống. Tự trong lòng mình, tôi như được trút giận, một chút ích kỷ, một chút hả hê đắc
thắng khi trị được cậu học trò cứng đầu của mình. Nhưng tôi đã ân hận vì điều
đó.
Tôi có tiếng là khắt khe,
khó gần, khó tính. Mỗi khi học trò mắc lỗi, tôi thường đưa ra các hình phạt như
quét lớp, lau bảng. Nhưng những lỗi về sự dối trá thì hình phạt tôi đưa ra thường
nặng hơn. Việc tôi đặt bút cho điểm 0, điểm 1, điểm 2 không phải là chuyện hiếm,
nếu như học trò quay cóp, dùng tài liệu trong giờ kiểm tra hay thi.
Tôi nhớ có lần T. chép bài của
bạn trong giờ kiểm tra, khi bị phát hiện, em chối bay chối biến. T. còn quay
sang đổ lỗi cho bạn khác. Sự thiếu trung thực của em khiến tôi rất bực mình.
Tôi quyết định hủy bài thi của em và yêu cầu em mời phụ huynh đến làm việc.
Em nói cộc lốc rằng: “Em
không có bố mẹ”. Tôi càng giận dữ hơn vì sự chống chế khó chấp nhận này, vì mới
đây thôi bố em còn đến họp phụ huynh cho em. Em thú nhận rằng đó là bác xe ôm
mà em thuê để họp phụ huynh cho em, chứ bố mẹ em bỏ nhau lâu rồi, giờ họ đã đi
làm ăn xa. Tôi gạt mọi lời năn nỉ của T., tôi cho em điểm 1 môn thi để cảnh
cáo.
Chỉ vì những lời nói lúc nóng giận, chỉ vì tiếc một lời xin lỗi, sự hiếu thắng đặt không đúng chỗ, tôi đã khiến cho học trò của mình lỡ nhịp với tương lai ... |
Em buông ra một tiếng thở
dài kèm nụ cười nhạt. Cũng chính nụ cười bất cần, không xem ai ra gì ấy của T.
khiến tôi càng tức điên. Và trong lúc nóng giận, tôi đã thách thức em: “Nếu em
cảm thấy không muốn học nữa thì có thể nghỉ bất cứ lúc nào để lớp được yên ổn.
Tôi không chấp nhận được sự giả dối của em, bởi vì đây không phải lần đầu...”.
Tôi chỉ nghĩ rằng dọa để em
bớt nghịch. Ai ngờ em bỏ học thật. Tôi, người thầy của em, vẫn mặc kệ. Là thầy
nên tôi thấy dường như không có lỗi khi chì chiết học trò, vì các em phạm nội
quy. Và vì quen được học trò xin lỗi, nên tôi nhất định không xuống nước.
Nhưng sự vắng mặt của em khiến
tôi bắt đầu thấy mình là người thầy không ra gì. Tự trong lòng mình, tôi cảm thấy
hụt hẫng vô cùng. Mỗi buổi đến lớp, tôi luôn mong chỗ ngồi của em không bị khuyết.
Sự hiếu thắng bị đặt sai chỗ đã khiến tôi cảm thấy thất bại trong cuộc đời cầm
phấn của mình.
Tôi đã không thể tha thứ cho
bản thân. Bởi vì sau khi bỏ học, T. đã theo một nhóm bạn chuyên trộm cắp. Em sống
nay đây mai đó, tôi thấy mình mang tội lỗi rất lớn không dễ gì tha thứ. Đến bây
giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao tôi không kiên nhẫn uốn nắn em? Phải
chăng tôi tự cho mình cái quyền được trách phạt học trò, buộc các em phải xin lỗi
mình chứ nhất định không được xuống nước?
Từ câu chuyện của mình, tôi
thấy rằng để học trò nghỉ học là một thất bại của người thầy, người cô. Đôi khi
chỉ vì sự nóng giận tức thời, những lời nói vô thưởng vô phạt, người thầy rất dễ
mắc sai lầm, dễ đẩy học sinh vào đường cùng. Các em sẽ ra sao nếu không được cắp
sách đến trường? Ngay thầy cô còn không thông cảm với các em thì còn mong gì xã
hội sẽ “dạy các em những bài học làm người”!
Chỉ vì những lời nói lúc
nóng giận, chỉ vì tiếc một lời xin lỗi, sự hiếu thắng đặt không đúng chỗ, tôi
đã khiến cho học trò của mình lỡ nhịp với tương lai...
Nguồn: Báo tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác