Thi Giáo viên dạy giỏi - Áp lực nghề nghiệp, hư danh và bệnh thành tích
Danh hiệu giáo viên dạy giỏi
đang dần trở thành cái nghiệp hay nỗi sợ hãi. Nhóm cấp tiến nhận định các cuộc thi
giáo viên dạy giỏi sẽ giúp giáo viên trao đổi được kinh nghiệm giảng dạy
và vượt qua giới hạn của bản thân để thực hiện nhiệm vụ giáo dục thành công
hơn.
Nhóm phê phán cũng có không ít lý do hợp lý như thời gian để tham gia cuộc thi
để đạt một danh hiệu quá ngắn, giỏi là một quá trình, là năng lực, thứ mà không
thể dễ dàng đánh giá một cách đầy đủ.
Bởi, việc có danh hiệu hay
không có danh hiệu thì cũng không thực sự giúp người giáo viên phát triển vượt
bậc trong nghề nghiệp khi việc tham gia kỳ thi là thiếu tự nguyện, đối phó, và
vì một bảng thành tích nào đó.
Tôi cũng có không ít trăn trở
khi tham gia và khi góp ý về vấn đề tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi tại nơi
tôi công tác.
Tôi chỉ nhận ra điều duy nhất
giúp giáo viên phát triển đó là khi họ có quyền tự do học thuật.
Qua đó, họ có thể tự nguyện
chia sẻ kinh
nghiệm giảng dạy của mình vì mục đích học hỏi lẫn nhau, được đồng nghiệp
chuyên môn góp ý để phát triển chứ không vì thành tích của một cuộc thi nào
đó.
Giáo viên phải có quyền quyết
định khi nào và việc gì nên làm cho nghề nghiệp của họ với quyền được tiếp cận
thông tin minh bạch.
Giáo viên nên có các sự lựa
chọn đa dạng về con đường phát triển nghề nghiệp phù hợp với chính khả năng, điều
kiện và đam mê của họ.
Bên cạnh nhóm cấp tiến, nhóm
phê phán, nhóm quản lý và nhóm luôn lo lắng chưa tìm được tiếng nói chung, tôi
xin phép thông qua bài viết này giới thiệu một quan điểm về người giáo viên với
các định hướng mà nếu được thực hiện tốt đồng nghĩa giáo viên đó giỏi và trở
thành khuôn mẫu cho ngành giáo dục.
Thi Giáo viên dạy giỏi - Áp lực nghề nghiệp, hư danh và bệnh thành tích |
Quan điểm tôi cho là phù hợp
với tôi với tư cách là một người giáo viên có thể được tóm tắt như sau:
Một người giáo viên phải biết
rõ về người học của mình, tạo điều kiện cho quá trình học thành công, cung cấp
các trợ giúp cần thiết và hiệu quả trong và sau bài giảng với lòng yêu nghề, kỹ
năng giảng dạy, sự truyền cảm hứng, và kiến thức.
Người giáo viên phải có khả
năng tự học và thay đổi vì sự nghiệp và mục tiêu giáo dục. Để đạt các mục tiêu
học tập quan trọng và có nghĩa cho người học, người giáo viên phải sở hữu các định
hướng sau:
(1) Định hướng giao tiếp/
phương pháp trao đổi thông tin, (2) định hướng chuyên môn, (3) định hướng theo
đối tượng người học, (4) định hướng giảng dạy, (5) định hướng chuyên nghiệp và
(6) định hướng nhân phẩm.
Các định hướng này này được
rút ra từ một nghiên cứu thiết lập lý thuyết nền tảng (grounded theory) sau khi
thực hiện một nghiên cứu case study về các định hướng giảng dạy hiệu quả của một
người giáo viên (the teacher’s orientations).
Kết quả nghiên cứu được kiểm
chứng từ một loạt các nghiên cứu sư phạm tại Ba Lan trong thời gian 3 năm với
các phương pháp định tính bao gồm nghiên cứu kinh nghiệm (empirical study) và sáng
kiến kinh nghiệm (action research).
Nghiên cứu nhằm tìm ra cách
thức giáo viên giỏi ở Ba Lan tạo điều kiện để sinh viên thực học như thế
nào.
Các nghiên cứu này tiếp cận
thông tin đánh giá chung về các định hướng của một giáo viên từ nhiều nguồn
thông tin và dữ liệu khác nhau thông qua 102 tiết dự giờ, phỏng vấn sâu 3 giáo
viên và 8 sinh viên quốc tế, thu thập mẫu với 45 ý kiến về mong muốn đối với việc
học và 96 phản hồi từ người học.
Cụ thể các định hướng như
sau:
Định hướng giao tiếp/ phương
pháp trao đổi thông tin
Đây là một định hướng quan
trọng vì nó phản ánh tác phong và năng lực giao tiếp, trao đổi thông tin của
giáo viên với người học.
Định hướng này được thực hiện
nếu người giáo viên tin rằng giáo dục cần sự trao đổi giữa người dạy và người học
vì mục tiêu tạo ra các hoạt động học tập, rèn luyện, suy nghĩ, phân tích, phản
biện và đánh giá những gì được học và thực hành trong cả quá trình.
Giáo viên cần làm tốt vai
trò của người nghe chứ không phải người truyền đạt như mỗi giáo viên điều được
học và cố gắng làm tốt.
Các đối tượng nghiên cứu là
sinh viên chỉ ra rằng giáo viên họ giỏi vì người học được lắng nghe.
Giáo viên chú ý đến vấn đề
giao tiếp với người học để tăng cơ hội nghe, hiểu, hành động và thay đổi để đáp
ứng nhiều hơn nhu cầu đa dạng của cá nhân người học.
Khi giáo viên quan tâm nhiều
hơn đến người học với từng nhu cầu cá nhân riêng biệt tùy điều kiện, năng lực,
sở thích, phong cách học tập khác nhau, so với nội dung truyền đạt, thành tích…
thì người giáo viên chắc chắn sẽ thực hiện được định hướng này một cách hiệu quả
khi quan tâm đúng đắn đến thông tin mà người học phản hồi hoặc cung cấp.
Việc sở hữu định hướng giao
tiếp được xem là lý do chính các giáo viên trong nghiên cứu này thành công với
mô hình tương tác của họ.
Trong các mô hình tương tác,
giáo viên cũng tận dụng mọi phương tiện giao tiếp kể cả ngôn ngữ ký hiệu và các
ký tín hiệu phổ biến trong giảng dạy để tăng cường trao đổi thông tin với người
học.
Tóm lại, sở hữu định hướng
này sẽ giúp giáo viên dễ dàng tạo điều kiện cho người học được học tập thực sự.
Người giáo viên vì người học
và việc học sẽ luôn lắng nghe và học hỏi, và ngược lại điều này giúp họ phát
triển nghề nghiệp một cách thực chất hơn so với việc bị đánh giá năng lực giảng
dạy qua các cuộc thi và thói quen quan tâm đến nội dung truyền đạt theo khu
chương trình và thành tích trong giảng dạy.
Định hướng chuyên môn
Đây là định hướng bắt buộc
cho chất lượng của người làm công tác giảng dạy. Định hướng này liên quan đến gốc
rễ, động lực và con đường chuyên môn của từng giáo viên bởi vì nó liên quan đến
quá trình hoàn thiện chuyên môn không bao giờ đến đích.
Khi bạn cảm thấy hài lòng với
kỹ năng và kiến thức của mình, điều này đồng nghĩa bạn không phải là một giáo
viên thực sự với chất lượng chưa kiểm chứng, thiếu trách nhiệm và vô tâm.
Định hướng này bao hàm không
chỉ các trình độ chuyên môn một người giáo viên có được do có bằng cấp theo qui
định hay kỹ năng mà người giáo viên tích lũy được từ quá trình học, kiến tập và
thực tập;
Mà còn là quá trình phát triển
chuyên môn không ngừng kể từ khi bước chân vào môi trường học thuật của giới sư
phạm.
Điều đặc biệt từ các giáo
viên trong nghiên cứu này chính là họ chưa từng ngừng thay đổi, suy luận và cập
nhật kỹ năng nhận thức, kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghiên cứu và kỹ năng chia sẻ
để học hỏi được nhiều hơn từ cộng đồng sư phạm một cách tự do (không có nghĩa
như ở nước ta là chia sẻ tự do để sao chép, nhân bản công trình của người khác
hoặc để nhầm thành tên của mình).
Tự do học thuật ở đây là
giáo viên nào cũng có quyền phát triển chuyên môn, được lắng nghe khi họ có khó
khăn, và được giúp đỡ khi họ cần.
Họ đặt sự thay đổi để phát
triển chuyên môn là ưu tiên của người giáo viên vì xã hội phát triển không ngừng,
công nghệ luôn được nâng cấp và đổi mới và người học có trình độ nhận thức ngày
càng tiến bộ hơn.
Chính thái độ và mong muốn
thay đổi làm cho giáo viên trong bối cảnh nghiên cứu luôn không ngừng sáng tạo
trong tổ chức lớp học các hoạt động giảng dạy ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu
của người học.
Càng thay đổi, họ càng làm
giàu thêm cho kinh nghiệm giảng dạy và qua đó trình độ chuyên môn phát triển
như một điều tất yếu.
Định hướng này cũng chỉ ra là
giáo viên rất tự tin với khả năng tạo môi trường học tập năng động cho người học,
ứng biến, sáng tạo và xử lý được mọi tình huống chuyên môn đặt ra trong quá
trình trình giảng.
Nói chung, người giáo viên
ngoài kỹ năng được học với bằng cấp thật thì kinh nghiệm, con đường vào nghề,
khả năng nhận thức, tư duy thay đổi, quá trình rèn luyện và phát triển chuyên
môn chính là tất yếu của chất lượng và tiêu chuẩn theo định hướng này.
Định hướng theo đối tượng
người học
Nếu người học là đối tượng
quan trọng nhất mà cả xã hội đã phải cùng ngành giáo dục, nhà trường rồi đến
giáo viên phải quan tâm, tại sao người học không được đa dạng quyền của mình và
được quyết định sẽ học điều gì là cần thiết thực sự.
Họ phải có sự lựa chọn với
khả năng lý luận và nhận thức được những gì phải học là cần thiết thực sự.
Người học không chỉ học
(theo nghĩa đi đến lớp, ngồi nghe…) mà phải được tạo điều kiện để rèn luyện kỹ
năng phản biện, tư duy phản biện, phải biết những gì phải học có lỗi thời, phải
có quyền trao đổi và ý kiến của người học phải được tôn trọng như là ưu tiên số
một của ngành giáo dục.
Nghiên cứu này đã tìm ra vai
trò quan trọng của việc hiểu người học nhằm mục đích giúp cho quá trình học tập
diễn ra hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, định hướng này
đòi hỏi người giáo viên phải quan tâm đến nhu cầu của người học, mục tiêu học tập
và các yếu tố khác, kể cả tính hợp lý và bất hợp lý của môn học mình đang dạy để
kích hoạt, truyền cảm hứng và hướng tới tự do trong tư tưởng để học tập thực sự.
Điều đặc biệt ở các giáo
viên trong nghiên cứu là họ có định hướng người học nhằm nhận ra nhận thức, kỹ
năng và kiến thức đã có của người học để điều chỉnh bài giảng và hoạt động cho
phù hợp với quá trình học tập.
Khi người học muốn được chú
ý và tầm quan trọng của họ trong bất kỳ môi trường giáo dục nào ở các nước tiên
tiến, định hướng theo đối tượng người học rất cần cho người giáo viên để rèn
luyện để đáp ứng nhu cần học tập của đối tượng người học có thể có trình độ nhận
thức rất cao.
Bởi vì, khi người học nhận
ra rằng họ bị chèn ép, đè nén cảm xúc, áp đặt tư duy, quyền tự do trong học tập
bị kiểm soát quá lâu, đó chính là thời điểm khủng hoảng giáo dục và xã hội của
chúng ta đạt mức trầm trọng nhất.
Ngoài ra, nhu cầu có mối
quan hệ gần gũi trong học tập giữa người học với người dạy được đề cập rất nhiều
nhưng có lẽ sẽ rất khó cho bối cảnh chúng ta với cái bóng quyền lực quá lớn của
hình ảnh người thầy theo quan niệm Nho giáo ngày xưa.
Tóm lại, mỗi cá nhân người học
luôn có giá trị riêng của mình. Định hướng này dù chưa thật quan trọng ở nước
ta, việc người giáo viên có thêm tư duy và sự hiểu biết về người học nhằm phục
vụ tốt hơn quá trình giúp họ học tập thực sự và phát triển trí tuệ, logic và mọi
kỹ năng xã hội và học thuật cần thiết hoặc chí ít phải liên quan đến môn mình dạy.
Định hướng giảng dạy
Định hướng này thực ra tồn tại
trong năng lực của từng giáo viên nhưng tôi đề cập ở đây với mong muốn kêu gọi
giáo viên quan tâm hơn đến sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, nhận thức,
niềm tin về giảng dạy, nhu cầu thực sự của người học từ chính bài giảng và những
hoạt động giảng dạy.
Khi giảng dạy bất kỳ môn gì,
điều cần thiết là giáo viên phải trả lời được các câu hỏi đơn giản như:
- Những gì bạn sắp dạy có mới
không, nếu không thì giá trị có bị thay đổi không? Bạn có thể làm mới nó không?
Hoạt động học tập có khác hơn được không?
- Những gì bạn sắp dạy có
quá nhiều lý thuyết hay thực hành không và có thể làm gì cho nó gắn với thực tế,
ứng dụng?
Dù là môn học chỉ thiên về
lý thuyết thì người học cũng cần phải được rèn luyện tư
duy phản biện từ những gì phải học.
- Những gì bạn sắp dạy có thật
sự cần thiết cho quá trình học tập, suy luận, rèn luyện, tư duy, và phản biện của
người học không?
Định hướng này cần người
giáo viên phải có khả năng nhận thức về người học, những gì sẽ dạy, các hoạt động,
các giá trị của bài học, khả năng vận dụng, sự cân đối giữa lý thuyết và thực tế,
thực hành…
Theo nghiên cứu, điều làm
cho định hướng này quan trọng vì giáo viên trong bối cảnh nghiên cứu cho rằng
người học không cần đến lớp để nghe thông tin hoặc thu nhận thông tin từ người
giáo viên bởi vì có quá nhiều nguồn thông tin lớn hơn trong thực tế cuộc sống
mà người học có thể dễ dàng tiếp cận mà không cần giáo viên nói cho họ biết.
Do đó, định hướng giảng dạy
đề nghị người dạy phải thực sự quan tâm kỹ năng giảng dạy để người học có thể học
thực sự theo ý nghĩa là được tạo môi trường để rèn luyện tư duy, suy nghĩ, phản
biện, sáng tạo và duy trì sự phát triển đam mê khám phá kiến thức mới.
Điều quan trọng là giáo viên
nên luôn xem giảng dạy như là thách thức và cũng là nghệ thuật. Người giáo viên
cần luôn sẳn sàng cập nhật cái mới dù có “được” cấp trên yêu cầu hay
không.
Một thực tế trái ngược là
khi việc giảng dạy quá tải, lương thấp và các điều kiện nghiên cứu thực sự,
tham gia các diễn đàn, hội thảo để phát triển chuyên môn đều hạn chế, chính là
nguyên nhân giáo dục ngày càng đi chệch hướng so với mong muốn của xã hội.
Nếu ai đó nghĩ giảng dạy chỉ
đơn giản là mang kiến thức bạn biết rồi đến lớp giảng bài là giảng dạy thì xin
hãy thay đổi hoặc dừng lại.
Có rất nhiều phương pháp,
triết lý giảng dạy đã ra đời và được chứng minh là phản giáo dục, do đó nếu giảng
dạy chỉ là kỹ năng mà không kèm đam mê, sự thách thức, sự tò mò khám phá kiến
thức kinh nghiệm mới, và rèn luyện chuyên môn để sở hữu hết sáu định hướng thuộc
nghề giáo thì đó có thể chưa là người giáo viên thực thụ.
Ngoài ra, khi giảng dạy cũng
không nên quá đề cao vẻ tôn nghiêm của người giáo viên cũng như sự hiểu biết của
họ hoặc áp đặt suy nghĩ của người dạy lên người học;
Điều này ngăn chặn hoặc làm
giảm tư duy phản biện của người học đặc biệt khi người giáo viên chưa đủ kỹ
năng truyền cảm hứng và thiếu tư duy cởi mở đối với các quan niệm đúng sai
trong nhận thức của người học.
Giáo viên rất cần tính linh
hoạt khi giảng dạy, kỹ năng nghiên cứu thông qua quan sát, nhận diện vấn đề giảng
dạy và thay đổi cho phù hợp hơn với việc học.
Định hướng chuyên nghiệp
Định hướng này của giáo viên
chính là khả năng chuyên nghiệp trong công việc khi giảng dạy và khi đưa ra các
yêu cầu chuyên môn cho người học.
Tính chuyên nghiệp tập trung
vào cách thức người giáo viên trở nên chuyên nghiệp và kích thích người học để
họ học và trở thành người học giỏi.
Nghiên cứu đã tìm ra đặc điểm
này từ các giáo viên tham gia nghiên cứu. Thật vậy, họ luôn có tác phong làm việc
chuyên nghiệp trong trách nhiệm thường ngày và các hoạt động ở trường học.
Họ chú ý đến môi trường làm
việc và nhận diện bản thân họ ở nơi làm việc để đảm bảo các mức cư xử phù hợp kể
cả khi sự vụ cần xử lý nằm ngoài trách nhiệm của người giáo viên.
Nghiên cứu tìm ra các khuôn
mẫu chung cho định hướng này của giáo viên thuộc về (1) các giao thức giải quyết
vấn đề chuyên nghiệp, (2) linh động trong sử dụng thời gian miễn có lợi cho người
học và chuyên môn bản thân, (3) nhận thức về khoảng cách công việc phù hợp giữa
người dạy và người học.
Ngoài ra, tính chuyên nghiệp
cũng tồn tại từ chính quyền tự chủ của người giáo viên, điều này cho phép họ có
quyền quyết định sẽ trở thành một giáo viên như thế nào, suy nghĩ thế nào, khi
nào thì đến trường nếu không có lớp dạy, thái độ làm việc và cả quyền tự quyết
về những gì họ muốn đề xuất và sẽ giảng dạy.
Điểm đặc biệt là giáo viên
trong nghiên cứu đề cập đến yếu tố tự do học thuật có sự liên hệ mật thiết với
mức độ hài lòng về công việc cũng như sự không hài lòng về những cản trở đối với
khả năng phát triển của giáo viên.
Dù điều kiện giảng dạy, quyền
tự do học thuật, quyền tự quyết của giáo viên tồn tại rõ ràng trong môi trường
nơi nghiên cứu diễn ra nhưng các giáo viên này chưa hoàn toàn hài lòng với những
gì họ được cung cấp.
Họ cần sự đảm bảo cao hơn để
trở nên chuyên nghiệp hơn nữa với các phong các làm việc đa dạng, quan niệm về
nghề nghiệp và sự hài lòng trong môi trường học thuật.
Định hướng nhân phẩm
Nếu chúng ta tự kiểm lại xem
những gì ta nhớ về những giáo viên dạy mình từ xưa đến giờ, chúng ta sẽ không
nhớ nhiều về kiến thức được học, mà đó sẽ là những đặc điểm thuộc về nhân cách
của người thầy.
Trong định hướng cuối cùng
này, khi mỗi giáo viên đều là một cá nhân khác biệt, có những đặc điểm khác
nhau, thì những người giáo viên dạy giỏi tại nơi nghiên cứu lại có rất nhiều điểm
tương đồng mà trong đó họ không xem chính họ hoặc kỹ năng giảng dạy chính là
tiêu chí của định hướng nhân phẩm.
Những giáo viên này mô tả
quan điểm giảng dạy, mô tả cách thay đổi để người học học tốt hơn…
Đặc biệt khi được hỏi có phải
là giáo viên giỏi không, các giáo viên này không mô tả chính họ với những đặc
trưng mà người học mong muốn (như phải hiểu biết sâu rộng, đừng quá khó, cần gần
gũi thân thiện hơn với người học…), mà mô tả những hiểu biết của họ về phương
pháp để tiếp cận được mong muốn học tập và kiến thức người học thật sự cần và
mang tính thực tế.
Khi quan tâm đến người học,
chất lượng giảng dạy, thay đổi để tốt hơn và lòng yêu nghề thì chính họ đã khẳng
định được danh hiệu giáo viên dạy giỏi mà không cần phải chạy theo bất kỳ thành
tích nào.
Chính nhân phẩm của người dạy
học mang lại giá trị cho người thầy trong mắt học trò chứ không phải điểm số, sự
áp bức, sự cao ngạo của những ai nghĩ mình làm chủ kiến thức của nhân loại.
Thay lời kết, quan điểm của
cá nhân tôi là nếu giáo viên làm tốt nhiệm vụ thực sự của người thầy cô giáo
thì chúng ta không cần hư danh.
Các kỳ thi giáo viên dạy giỏi
là cần thiết nhưng khi thực hiện không qua áp lực chỉ tiêu, thành tích thì mới
thực sự mang lại hiệu quả đột phá trong giáo dục.
Trong nghiên cứu của tôi, những
giáo viên được phỏng vấn và tham gia làm đối tượng nghiên cứu đều là giáo viên
giỏi không phải từ bất kỳ thành tích hay cuộc thi nào mà qua các sản phẩm khoa
học họ hợp tác trong giới sư phạm và đồng nghiệp trên toàn thế giới, các báo
cáo và xuất bản của họ không những khẳng định vai trò giáo viên mà còn là nhà
khoa học.
Vai trò giáo viên giỏi của họ
được đánh giá từ chính người học, những người được họ truyền cảm hứng để tìm đến
tự do học thuật chân chính.
Khi tôi tìm hiểu sâu hơn thì
không ai trong họ hài lòng với danh hiệu mình là người giáo viên hoàn hảo vì họ
nghĩ họ phải còn học tập rất nhiều để đảm bảo mục đích giáo dục thật sự do người
học làm chủ.
Tất cả các định hướng để
phát triển chuyên môn của một người giáo viên là rất cần thiết, khi không ngừng
học tập, nghiên cứu, sáng tạo và giữ vững lòng yêu nghề, và đừng nhận thức rằng
mình đã hiểu biết đủ những thứ cần thiết cho nghề giáo thì bất kỳ người giáo
viên nào cũng là giáo viên giỏi.
Bí mật là đừng bao giờ dừng
bước trên con đường phát triển và đừng bao giờ hài lòng với công việc chuyên
môn cũng như kỹ năng giảng dạy vì xã hội và công nghệ đang thay đổi từng
ngày.
Nếu quan tâm thật sự đến sự
thay đổi giáo dục tích cực cho chính con em chúng ta thì hãy giúp chúng tôi lên
tiếng yêu cầu tăng lương cho giáo viên, giảm các cuộc thi mang tính hình thức từ
các cấp các ngành và đề nghị giảm sĩ số lớp học ở các cấp thấp để giáo viên có
thể chăm lo đầy đủ hơn cho học sinh.
Hãy giúp ngành giáo dục xây
dựng niềm tin từ việc thay đổi tư duy xã hội và của chính những người làm giáo
dục để tiếng nói của người học và giáo viên được lắng nghe.
Nói một cách khác, ý kiến
người học và giáo viên phải được quan tâm đúng mức bởi họ là đối tượng trực tiếp
nhất trong quá trình giáo dục đào tạo.
Họ phải có quyền tự chủ
trong việc hiện thực hóa việc dạy và học chứ không phải từ sự áp đặt đôi khi vô
lý và thiếu khoa học từ các cấp quản lý giáo dục.
Nên hãy nhớ rằng, trong thời
đại ngày nay, khi vẫn còn đặt nặng việc truyền đạt kiến thức thì hoạt động giảng
dạy chỉ giới hạn ở mức thầy dạy trò học và đôi khi trò có thể không biết tại
sao mình lại cần học những kiến thức đấy, không có khả năng phản biện theo suy
nghĩ của mình khi những gì được học trái với các nguồn thông tin rộng rãi khác
ngoài xã hội.
Môi trường chúng ta chưa thực
sự khuyến khích học sinh phản biện với giáo viên, còn giáo viên thì chưa đạt hiệu
quả trong phản biện đối với các cấp quản lý giáo dục và đào tạo.
Xu thế ngày nay là cần chúng
ta quan trọng việc học của người học, của chính giáo viên và tiếng nói của họ đối
với ngành, với xã hội và các cấp quản lý chứ không phải là việc dạy như chúng
ta từng hiểu được.
Nguyễn Duy Khang/ Báo Giáo dục
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác