Trải nghiệm KHỔ ĐAU ta mới cảm nhận được HẠNH PHÚC thực sự
Sống trên cõi đời này ít nhiều
ai trong mỗi chúng ta đều trải qua những hạnh phúc và khổ đau. Nói đến hạnh
phúc ta có thể hiểu được, đây là hạnh phúc từ cái Tâm mà có.
Trạng thái này được biểu hiện ở sự bình an của nội tâm, nó mang lại từ đời sống
vị tha cao cả. Hoặc cũng có thể hạnh phúc có được từ một đời sống vật chất đầy
đủ như ý do cái phước hữu lậu vật chất của quá khứ đem lại, cái phước này mang
lại hạnh phúc cho Thân nhiều hơn Tâm nhưng suy xét kĩ thì cái Tâm an lạc trong
sâu thẳm mỗi con người mới là hạnh phúc vững bền mãi mãi.
Khi cuộc sống con người đã đầy
đủ về vật chất, giàu sang danh vọng chức quyền trong xã hội thì cuộc sống này
có thể gọi là thoải mái về cái Thân. Nhưng cái Tâm sẽ không được an lạc bởi những
toan tính bon chen của cuộc sống để tạo cái phước hữu lậu thì có thể nói rằng
cuộc sống này vẫn chưa hạnh phúc.
Ví như một người nghèo về vật
chất nhưng họ lại có một đời sống vị tha an vui thì đời này họ sẽ an vui trong
cái Tâm của họ, họ không phải nhọc lòng suy nghĩ bon chen, không phải phiền não
vì miếng cơm manh áo mà vẫn ung dung tự tại trong cuộc sống thanh bần. Còn những
người có Phước do tâm cầu Phước ở đời trước đem lại họ sẽ được hưởng cuộc sống
giàu sang nhưng chưa hẳn đã lạc an thanh thản vì cái tâm cầu phước thường vị kỷ.
Hạnh phúc thật sự có được phải do tâm vị tha đem lại, chỉ cần trong cuộc sống
chúng ta có lòng vị tha với nhau thì chắc hẳn cuộc sống ấy luôn hạnh phúc.
Chính vì điều này chúng ta
hãy sống một cuộc sống làm sao cho đáng sống, sống làm sao cho tâm mình được an
vui, sống trải rộng lòng với mọi người với muôn vạn chúng sinh trong vũ trụ. Đừng
ràng buộc lòng mình với những gì không thực, tất cả chỉ là ảo ảnh, sẽ tan biến
rất nhanh bởi thời gian. Sống được như vậy là chúng ta đang sống trong hạnh
phúc đấy Bạn ạ!
Nếu bạn sống bằng cuộc sống
vị tha thì hạnh phúc sẽ dần trải hoa trên bước đường bạn tới. Hãy đón nhận nó
thật bình tĩnh không gấp gáp, cũng không nên tỏ ra quá thoả mãn với những gì ta
có được. Chúng ta hãy sống vì mọi người chắc chắn ta sẽ cảm nhận được niềm vui
tràn ngập. Xin bạn đừng thoả mãn với hạnh phúc mình đang có điều đó đồng nghĩa
với điều chúng ta đang lùi bước, lúc đó bạn sẽ bị rơi vào lối sống vị kỷ riêng
mình.
Một đời sống đạo đức sẽ mang
lại hạnh phúc, một lối sống vị kỷ phi đạo đức sẽ đem lại khổ đau. Hạnh phúc thật
sự chỉ tìm thấy được ở tâm hồn trong sự bình an thanh tịnh chứ không phải trong
những phước hữu lậu do cuộc đời đem lại.
Nhờ vào sự trải nghiệm khổ đau ta mới cảm nhận được hạnh phúc thực sự |
Trong Đạo Phật của chúng ta
nhìn nhận hạnh phúc là đỉnh cao tuyệt đối, đó chính là sự giải thoát Vô Ngã, hạnh
phúc này có được từ sự kết tinh của đời sống vị tha đạo đức từ vô số kiếp và
công năng tu tập mà đạt được. Hạnh phúc của sự giải thoát là vô biên vô tận mà
không có một thứ hạnh phúc tạm bợ nào của thế gian có thể so sánh được. Chính
vì vậy đã có không ít người đang tìm đến đạo Phật để cảm nhận cái hạnh phúc tuyệt
đối trong sự giải thoát Vô Ngã đó.
Còn sự đau khổ thì sao?
Trong Tứ diệu đế, Đức Phật đã chỉ rõ cái khổ của thế gian rất nhiều. Nhưng nổi
bật nhất là 3 cái khổ mà con người thường mắc phải. Đó là khổ về Thân, khổ về
Tâm và khổ về Nghiệp báo. Ba loại khổ này có chung một cội gốc Vị kỷ, ái dục mà
ra, có thể nói nó chính là sự vô minh của kiếp sống con người.
Khổ về Thân là cái khổ do bệnh
tật làm lụng vất vả đem đến, khổ về Tâm là do suy nghĩ phiền não, khổ về nghiệp
báo là do hoàn cảnh bức bối và bất hạnh đem lại. Như vậy cái khổ không đơn thuần
là sự lo lắng muộn phiền của trạng thái tâm mà nó còn kéo theo những đau khổ về
hoàn cảnh. Nếu chúng ta không có lòng ham muốn giàu có thì cái nghèo sẽ không là
nỗi khổ, nếu chúng ta không có thương yêu sẽ không có luyến ái, không có sân si
thì không có sầu muộn….
Thường thì sự ích kỷ làm mất
đi đạo đức đưa con người đến sân hận độc ác, nghiệp ác cũng hình thành từ lòng
vị kỷ mà ra. Bản chất của sự đau khổ giả dối từ lòng tham, sân, si, mạn,
nghi…nó trói buộc con người mãi xoay vòng trong lục đạo. Đức Phật đã nhận thấy
rõ cái khổ của chúng sinh và chỉ cách cho chúng sinh diệt khổ, Đạo Phật cũng đã
nhìn rõ được điều này nên hầu hết các Tỳ Kheo của Ngài từ trước đến nay đều đoạn
trừ được tham ái và ích kỷ.
Khổ mãi mãi là một chân lý
muôn đời của cuộc sống, trong đó lòng vị kỷ là nguyên nhân của sự đau khổ. Nếu
ta quán chiếu một cách sâu sắc chúng ta sẽ thấy, trong hạnh phúc luôn có mầm khổ
đau và ngược lại trong khổ đau luôn có mầm hạnh phúc. Điều quan trọng là chúng
ta biết đối diện khổ đau và hạnh phúc như thế nào, nhưng cũng nhờ vào sự trải
nghiệm khổ đau ta mới cảm nhận được hạnh phúc thực sự. Để từ đó ta biết diệt đi
cái khổ trong tâm, đó cũng chính là con đường Trung Đạo mà Đức Phật đã dạy giúp
ta hướng tới một hạnh phúc trọn vẹn mãi mãi.
Hạnh phúc, khổ đau luôn song
hành trong cuộc sống, nó theo ta từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày nhắm
mắt xuôi tay. Nếu chúng ta biết làm theo lời Phật dạy, biết can đảm nhận diện
được sự khổ thì ta sẽ hết khổ nhờ diệt được khổ.Khi đã diệt khổ được rồi tự
nhiên ta sẽ sống an lạc và vị tha trước nhân loại đó chính là ta đã tìm được hạnh
phúc thật sự trong giải thoát Vô Ngã. Hạnh phúc hay đau khổ đều do Tâm mình tạo
ra, nếu nhận biết và thực hành được điều này thì cái khổ sẽ được đoạn trừ, hạnh
phúc an lạc sẽ mãi thăng hoa.
Liên Hương/ FB Bình Minh
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác