Thế giới ảo, nhưng trách nhiệm phải là thực
Cả thế giới dường như hội tụ
vào bàn ăn nhà tôi mỗi tối.
Bữa cơm duy nhất trong ngày
có đủ mọi thành viên trong gia đình thường rất xôm tụ. Mỗi người đều có một rừng
thông tin mà mình đã thu thập cả ngày, giờ mang ra kể. Chủ đề rất đa dạng,
nhưng phần lớn trong số chúng là những nội dung đang nóng rẫy trên mạng xã hội.
Thế giới ảo có vẻ như đã biến
mỗi người thành chuyên gia săn tìm và phân tích thông tin một cách “sắc sảo”.
Ai cũng có thể tìm được “nhóm” của mình trên không gian mạng, nơi những người
có suy nghĩ giống nhau, nhận định giống nhau hay sở thích giống nhau tụ hội lại
một cách tự nhiên, bàn luận những vấn đề xã hội theo cách mà họ muốn.
Thế giới ảo, nhưng trách nhiệm phải là thực |
Cha tôi đã gần 80 tuổi. Ông
vẫn luôn trăn trở với những chuyện chính trị thời cuộc, nhưng mạng xã hội đang
làm cho ông rất băn khoăn về mục đích cũng như hiệu lực lâu dài của những thành
quả mà “cuộc chiến” giành lại vỉa hè trên cả nước đang có được.
Mẹ tôi thì không còn tin vào
chất lượng những mớ rau xanh mướt đang bán ngoài chợ cóc đầu ngõ, còn em gái
tôi rất lo ngại khi tiếp xúc với người lạ ngoài đường...
Thông tin ‘tiêu cực” trên mạng
được lan truyền chóng mặt và có vẻ như nó tác động đến nhiều người hơn cả.
Tôi hay nghĩ: Cách thức nào
để kiểm chứng tính xác thực của những dòng thác thông tin ầm ầm tuôn về nhận thức
mỗi người qua từng ngày, từng giờ như vậy nhỉ.
Cách đây chưa lâu, mạng xã hội
tràn ngập những thông tin về những vụ bắt cóc trẻ em xảy ra liên tiếp tại nhiều
địa phương trên cả nước, nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc thì sự thật là những
thông tin đó là do người phát tán bịa ra để “câu like”.
Hay như gần đây, 3 vụ xâm hại
trẻ em gái đã được mạng xã hội thổi bùng lên như là một vấn nạn của cả nước, để
các bậc cha mẹ có con gái nhiều phen lo thót tim, mất ăn mất ngủ…
Mỗi khi có một thông tin
tiêu cực được đưa lên internet, phần lớn cư dân mạng đều háo hức tiếp nhận, bàn
luận và thậm chí giúp lan tỏa những thông tin ấy, bởi họ cho rằng nó đúng,
dù còn chưa kịp thẩm tra. Say sưa nhận định và bình luận, mỗi người bỗng
nhiên biến thành những “quan tòa” phán xét mọi thứ.
Số đông đã từng phẫn nộ trước
một vấn đề “tiêu cực” trong xã hội được phơi bày trên mạng xã hội ngày hôm qua,
hôm nay bỗng dưng mất hút, hoặc vô cảm trước bằng chứng rõ ràng cho thấy thông
tin tiêu cực kia là bịa đặt. Những “quan tòa” đanh thép “tuyên án” sai hôm qua,
nay thản nhiên “tuyên” những “bản án” mới.
Tôi nhớ lại vụ cháy một căn
nhà cao tầng ở gần chợ hóa chất Kim Biên, TP.Hồ Chí Minh vừa xảy ra mấy ngày
trước. Không để ý đến những anh lính cứu hỏa mặt lem luốc mệt lử chiến đấu với
giặc lửa, nhiều cư dân mạng ào vào dè bỉu việc cứu hỏa chỉ có thể phun nước đến
tầng 4 và các nhà xung quanh, chứ không thể phun nước vào đám cháy đang cuồn cuộn
lửa trên tầng thượng.
Sự thật là với ngọn lửa khủng
khiếp ấy, nước cứu hỏa chưa phun đến nơi thì đã bị bay hơi hết. Lính cứu hỏa phải
tập trung làm mát tầng dưới và những nhà xung quanh để ngọn lửa không lan rộng.
Khi hết vật liệu và điều kiện cháy trên tầng thượng, lửa sẽ tắt.
Một nửa sự thật đương nhiên
không phải sự thật, nhưng trong nhiều trường hợp, mạng xã hội và hiệu ứng số
đông đã biến những thông tin vô căn cứ được thừa nhận như một chân lý. Vậy lỗi
là do mạng xã hội hay do con người đang đắm mình vào thế giới ảo ấy?
Con người là nguyên nhân,
còn mạng xã hội nhiều khi bị lợi dụng như một công cụ lan truyền thông tin.
Trong nhiều trường hợp, người ta dùng mạng xã hội để tung tin, triệt hạ đối thủ
kinh doanh, hay hạ bệ những người không cùng quan điểm.
Các chuyên gia Mỹ chuyên
phân tích thuộc tính thông tin trên mạng xã hội đã đưa ra “công thức nhận biết”
tính xác thực của những chủ đề đang được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn ảo.
Đó là: Nếu 70% thông tin bàn về hướng A, 30% thông tin nói về hướng ngược lại,
thì hàm lượng sự thật ở nhóm thiểu số thường nhiều hơn.
Đây là nhận định được rút ra
từ quá trình nghiên cứu nghiêm túc. Các chuyên gia nhận thấy mạng xã hội cho
phép mọi người được phát huy tính suy diễn của mình một cách cao nhất và phần lớn
những quan điểm được đưa ra bàn luận đều mang tính chủ quan, nhất thời, chứ
không phải kết quả của quá trình suy đoán có căn cứ.
Con người tham gia mạng xã hội
với những cái tên ảo, thường không bị sức ép trách nhiệm trước phát ngôn của
mình nên họ có thể thoải mái thể hiện quan điểm cá nhân. Chỉ có một số ít đủ tỉnh
táo và đủ khả năng nhìn nhận vấn đề “nóng” một cách điềm tĩnh, khách quan và lý
trí hơn.
Bữa cơm tối của gia đình tôi
vẫn diễn ra sôi nổi. Mọi người vẫn hăng hái bàn luận về những vấn đề đang nóng
hổi trên mạng xã hội. Còn tôi vẫn không ngừng nghĩ về nhận định: Thế giới ảo,
nhưng trách nhiệm phải là thật.
Tường Thu/ Khám phá
VIDEO HAY: Chuyện nhà A Páo - Vở kịch hài hước nhất về tuyên truyền DS và KHHGĐ
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác