Chúng ta dường như dễ tin vào những điều xấu xí, tiêu cực hơn những điều tốt đẹp
Tôi vẫn cho rằng cuộc đời này, kiến thức
không phải là thứ giúp chúng ta hiểu hết mọi lẽ của đời.
Có nhiều người, tinh
tường đến độ nhìn qua một cái là đoán trúng phóc con ruồi bay qua là con ruồi
cái hay ruồi đực. Lại có người, trả giá nhiều đến mức chỉ một cái thoáng nhìn
qua cũng định giá được ngay. Và cũng lại có những người kiến thức uyên thâm, ai
nói gì sai là bắt bẻ ngay được. Tôi nể những người ấy. Nhưng không phục!
Là bởi tôi vẫn hay cắt nghĩa mọi điều bằng
trái tim hơn là bằng lý trí. Giải thích mọi điều bằng lòng thương hơn là kiến
thức. Chỉ ra cái sai của ai đó vốn chẳng khó, nhất là ở cái thời google một
phát ra trăm loại kết quả tuỳ mình định hướng đúng sai. Thế nên, đúng có thể
thành sai hoặc sai nhiều khi cũng thành đúng, tuỳ ở mỗi góc nhìn. Nhưng người
ta có thể ngày này qua tháng khác để tranh cãi đúng sai.
Chuyện đúng sai, tiếc thay, nhiều lúc,
chẳng phải là kết quả cho những cuộc luận bàn phím ấy, mà lại là chuyện hơn
thua trong một cuộc tranh cãi. Thế nên có nhiều cái sai bị cãi thành đúng, cái
đúng bị vùi dập, mổ xẻ lại thành sai.
Mà tâm lý con người, ở cái thời đúng sai
lẫn lộn, dường như dễ tin vào điều tiêu cực, xấu xí hơn là những điều tốt đẹp.
Như tin vào vụ ăn bớt khi đi từ thiện hơn là tin rằng ai đó tự bỏ tiền túi thêm
vào khi họ đi từ thiện. Như thể tất lẽ dĩ ngẫu người ta làm việc tử tế chẳng
qua để đánh bóng tên tuổi. Như thể những điều tốt lành chỉ là thứ truyền thông
vẽ ra. Người ta tin vào việc hai người phụ nữ đi bán tăm hỏi thăm đứa trẻ là có
mục đích bắt cóc trẻ em và họ hành động ngay thà giết lầm còn hơn bỏ sót. Người
ta tin rằng có những kẻ biết thôi miên để làm việc xấu nên chỉ cần một tiếng
tri hô hàng ngàn người đáp lời.
Thậm chí, kể cả khi thấy mình sai, họ
cũng sẽ tìm đủ mọi lý lẽ để bào chữa, bao biện cho họ. Tệ hại thay khi tôi đọc
thấy những comment kiểu: Ai bảo 2 bà đi bán tăm thì bán tăm đi sao còn cho kẹo
trẻ con dễ gây hiểu lầm? Hay những lý lẽ độc ác kiểu: Thôi nhé, từ nay thấy tai
nạn thì đừng giúp kẻo bị hiểu lầm mà bị đâm cho vài nhát. Cái ác, cái xấu diễn
ra mỗi ngày cùng điều tốt đẹp nhưng ai cũng chỉ nhìn thấy điều ác, điều xấu mà
phủ nhận cái tử tế, cái tốt lành.
Thậm chí, người ta còn phân tích mổ xẻ đến
rách tươm những điều tử tế. Bởi chẳng ai muốn tin vào điều tử tế nữa. Cứ như thể
điều tử tế là thứ độc hơn cả thạch tín. Cứ như thể điều tốt lành nếu tin vào sẽ
bị chết người vậy. Và tệ hơn, lỡ ai đó tin vào điều tốt lành mà chẳng may gặp
phải “điều tốt lành giả hiệu” sẽ bị hàng trăm người, hàng ngàn người ném đá, hả
hê vì “ngu thì chết chứ bệnh tật gì”, vì “đời chả có gì tốt đẹp cả”, vì “cổ
tích rồi cưng ơi, tỉnh mộng đi”…
Chúng ta dường như dễ tin vào những điều xấu xí, tiêu cực hơn những điều tốt đẹp |
Những điều tốt lành giả hiệu có không?
Có! Thật buồn là có! Mà không ít đâu. Nhiều đấy! Vì đằng sau sự tốt lành “thấy
vụ lừa đảo này kinh quá nên share để bà con cảnh giác” có đôi khi là thứ “tử tế
giả cầy” để câu like, câu views bán mỹ phẩm, bán quần áo.
Đằng sau việc tưởng như tử tế, giả như tử
tế, bịa tạc tử tế kiểu bán trà đá bằng nước rửa chân - tố cái xấu để tiêu diệt
cái xấu lại bằng chính tâm địa không sạch sẽ của chính kẻ xấu. Phải, kẻ xấu
trăm phương nghìn cách để lôi kéo người ta tin rằng xã hội này xấu xa chứ không
phải chỉ mình họ xấu. Chỉ là quá nhiều người tốt đã tin vào cái xấu và cho phép
cái xấu làm chủ mình, ăn mòn suy nghĩ thiện lương của mình.
Tôi nghĩ, sự bi quan và suy nghĩ tiêu cực
mới là thứ độc dược đáng sợ nhất. Nó khiến con người tự phân hóa mình, kỳ thị lẫn
nhau, gán tội cho nhau. Nông thôn thù thành thị vì dân thành thị gây ô nhiễm.
Thành thị thù nông thôn vì nông dân ít học nuôi trồng độc dược. Nó khiến người
giàu với người nghèo càng gia tăng khoảng cách. Người ta nghi ngờ nhau thường
trực. Rồi đến nghi ngờ cả những thông tin mình đọc được. Nên nhớ, kẻ ác tinh vi
hơn kẻ xấu. Chúng ta luôn dễ nhận ra kẻ xấu bằng mắt thường nhưng không thể nhận
ra kẻ ác. Và cái ác, buồn thay, lại là thứ dễ đồng hóa, lôi kéo người ta nhất.
Đơn cử như những tội ác được mô tả kỹ lưỡng dễ khiến người ta học theo nhanh
hơn cái tử tế.
Vậy, ta sẽ phải sống sao đây giữa bộn bề
cái xấu, giữa một rừng nghi ngờ, giữa bạt ngàn thông tin tiêu cực?
Ai dám ăn
nước mắm?
Ai dám ăn rau, ai dám ăn thịt gà, lợn, bò, ai dám ăn hải sản...?
Và
ai dám tin vào những báo cáo khoa học khi đằng sau mỗi bài báo cáo khoa học ấy
là rất nhiều tiền được rót vào của những tài phiệt?
Tại sao người ta tin vào điều tiêu cực
mà bớt dần đi lòng tin vào điều tích cực?
Đừng đổ lỗi cho thể chế. Đừng đổ tội
cho quan tham. Vì những “biệt phủ” xây bằng tiền tham nhũng hay vì những gian dối
của quan chức mà xã hội nhá nhem đi. Không! Nó nhá nhem đi vốn từ việc chúng ta
cứ phân tích bầu trời qua những vũng nước bẩn.
Chúng ta giống như những đứa trẻ ngây
thơ ngồi nghe người lớn chém gió mà tin vào lý lẽ của họ rồi suy rộng ra cả cuộc
sống quanh mình cũng vậy. Nhìn đời qua nhãn quan người khác chỉ khiến cuộc đời
bạn trở nên hẹp hòi nông cạn mà thôi. Sống bằng kinh nghiệm của người khác là
cách chết lâm sàng chính cuộc đời mình.
Đừng nhìn cuộc đời nữa, hãy trải nghiệm
nó, sống với nó bằng chính bản thân bạn. Để thấy thiện lương từ chính bạn chứ
không phải thấy đời méo mó bằng những điều bạn nghe được nữa.
Và tôi vẫn nghĩ rằng: ĐỜI LÀ ĐỂ THƯƠNG
XONG RỒI HẴNG HIỂU! Nếu bạn chọn thương bạn sẽ hiểu nhiều hơn những gì người ta
nói!
Hoàng Anh Tú
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác