Câu chuyện cái chén mẻ và bài học về sự hoàn hảo
Cái chén mẻ nhắc ta về sự không tuyệt đối, không hoàn hảo. Cái
chén mẻ bị hăm he bỏ đi là vì nó không còn được đẹp như lúc đầu theo ý muốn của
mình. Vì có cái ta, cái của ta nên cái gì theo ta, bên cạnh ta cũng phải đẹp.
Sự cầu toàn và phân biệt làm ta thêm vướng mắc.
Tối qua trong lúc dọn dẹp phòng trọ tôi đã sơ ý làm cái chén rơi
ra khỏi rổ úp và mẻ miệng. Tiếc quá, cái chén đương đẹp tự dưng mẻ mất một
miếng. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ bỏ ngay cái chén đó đi.
Tôi giận mình vì sơ ý làm rơi chén, vì cẩu thả mà úp chén hớ hênh
nên dễ rơi. Nếu tôi úp cái chén ấy lọt lòng trong chiếc rổ thì nó sẽ không dễ
rơi như vậy. Nếu tôi không nôn nóng làm cho xong các công việc, nếu tôi tập
trung vào việc mình làm hơn thì cái chén kia sẽ không bị mẻ và tôi cũng không
thấy buồn nhiều.
Cái chén mẻ làm tôi bất chợt nhớ tới cô bán chè đầu xóm, cô là
người vui tính tốt bụng, chồng cô là thương binh bị cụt mất một chân. Một lần
khi tôi nghe có người hỏi về gia đình cô, nói về người chồng của mình là thương
binh, cô thoáng buồn trên đôi mắt rồi nhanh miệng cô nói: "Cái chén mẻ là
cái chén mẻ ăn thua mình biết trang trí nó thì nó vẫn giúp ích cho mình."
Tôi nhớ lại chuyện mình làm mẻ chén hôm nay thấy thấm gì đâu.
Nếu vứt cái chén đi vì nó mẻ thì hình như không được thuyết phục
cho lắm. Dù bị mẻ nhưng vẫn còn sử dụng được. Nếu sợ nó có thể làm rách miệng
khi ăn cơm thì sử dụng cùng với muỗng thay vì lùa cơm bằng đũa. Nếu ngại khách
thấy phiền thì mình sẽ dùng cái chén mẻ đó, nhường chén lành cho khách. Còn giả
không muốn dùng nữa thì dùng chén đó đựng thức ăn, thức chấm khác...
Còn một cách khác là ta nghĩ dù nó đã mẻ nhưng vẫn còn sử dụng
được thì có thể gói lại cho người khác, ai cần thì dùng không thì bỏ đi cũng
không sao.
Ở đời, ta quen yêu thích một vật gì ta luôn muốn giữ nó mãi bên
cạnh mình. Và khi nó hỏng hóc ta đau buồn vì nó. Điều trái khoáy là dù yêu
thích nhưng khi nó có hỏng hóc, không còn lành trọn và đẹp đẽ trong mắt ta - ta
liền có ý muốn từ bỏ ngay.
Trong cuộc sống - nhiều khi ta cho đi điều gì đó là do ta không
cần đến nữa. Có khi nào ta nghĩ sẽ đem một món đẹp đẽ, có giá trị như mới
(trước khi nó hỏng ít nhiều) để trao tặng ai đó thay vì sau khi nó cũ mòn, hay
hư hao như chiếc chén kia?
Cái chén mẻ nhắc ta về sự không tuyệt đối. Sở dĩ cái chén mẻ bị
hăm he bỏ đi là vì nó không còn được đẹp như lúc đầu theo ý muốn của mình. Vì
có cái ta, cái của ta nên cái gì theo ta, bên cạnh ta cũng phải đẹp. Sự cầu
toàn và phân biệt làm ta thêm vướng mắc. Bởi cái chén vẫn còn y giá trị sử dụng
của nó nếu ta nhìn nó dưới những góc nhìn khác hơn, sự thật hơn và khách quan
hơn, dù rằng chiếc chén ấy đã không còn nguyên vẹn nữa.
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác