Suy ngẫm về mâu thuẫn giữa con người với con người
Có sự sống là có mâu thuẫn. Chúng ta phải
tìm cách điều hoà mâu thuẫn làm sao cho nó được hài hòa với mọi thứ chung
quanh.
Chúng ta thử giải thích từ ngữ mâu thuẫn
là gì? Mâu là cây giáo dùng để đâm, thuẫn là cái khiên dùng để đỡ lại. Khi giáo
đâm thì khiên phải đỡ và chống lại. Cũng vậy, thân của ta lúc nào cũng mâu thuẫn
bởi bốn chất đất-nước-gió-lửa đối nghịch nhau, trong tâm ta hai anh thiện ác
cũng luôn mâu thuẫn, đối kháng nhau.
Tự bản thân mình đã có sẵn mầm mống của
mâu thuẫn rồi thì trong quan hệ giao tiếp, làm ăn, sinh sống với mọi người chắc
chắn cũng khó tránh khỏi sự va chạm vì mỗi người có một quan điểm và lập trường
khác nhau.
Đó là điều chúng ta không bao giờ muốn,
nhưng vì mỗi người có một suy nghĩ riêng và tập khí, thói quen khác nhau nên
khó mà chấp nhận bằng lòng với ý kiến của người khác. Thân mâu thuẫn vì bốn chất
đất-nước-gió-lửa luôn đối nghịch nhau. Tâm tư con người lại càng mâu thuẫn hơn
vì ông luật sư của mình lúc nào cũng bào chữa, biện minh, lý giải, bảo vệ ý
nghĩ của mình.
Nếu một gia đình không có mâu thuẫn thì
con người không cần hoàn thiện nữa, dẫn đến không luyện tập, tu dưỡng đạo đức,
do đó con người không tiến bộ và đổi mới theo thời gian. Nếu một xã hội không
có mâu thuẫn thì con người sẽ ngừng sinh hoạt, không còn động lực cạnh tranh để
phát triển điều tốt đẹp, khi ấy con người sẽ ù lì như cục đất sét nhão.
Chính vì thế, có sự sống là có mâu thuẫn,
từ con người cho đến muôn loài vật đều phải chấp nhận như thế. Nhờ vậy mà chúng
ta phải tìm cách điều hòa mâu thuẫn làm sao cho nó được hài hòa với mọi thứ
chung quanh.
Thế cho nên, sống với nhau muốn được hòa
hợp thì ta phải có tấm lòng nhân ái biết bao dung và độ lượng, biết cảm thông
và tha thứ bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Nhờ biết thông cảm cho nhau
nên mới bớt xảy ra xung đột và đối kháng. Tóm lại, trong thể xác lẫn tâm hồn
chúng ta luôn có sự mâu thuẫn nên ta cần phải biết cách điều hòa.
Phật dạy, nếu người có hiểu biết chân
chính sẽ tôn trọng chân lý, khi đưa ra một ý nghĩ gì đều nói “đây là suy nghĩ của
chúng tôi”, và biết dừng ngang ở đó là người có tầm nhìn sâu sắc. Còn nếu ai nói
rằng: “ý nghĩ của tôi là đúng” thì ta có thể biết người này không tôn trọng chân
lý. Hai ý đúng gặp nhau sẽ bị phản kháng rất mạnh mẽ, không bao giờ chấp nhận để
cùng nhau chia sẻ và hòa hợp.
Nếu chúng ta là những người biết tôn trọng
lẫn nhau thì tôi có quyền nghĩ thế này, anh có quyền suy nghĩ thế kia, như thế
thì ai cũng có quyền đề xuất ý nghĩ của mình, còn được mọi người chấp nhận hay
không là một chuyện. Đó là chúng ta biết tôn trọng lẽ thật.
Nếu ai cũng bắt người ta phải theo cái
suy nghĩ của mình là đúng mà không có sự công nhận của nhiều người, thì rất là
nguy hiểm bởi đó là ý kiến cá nhân? Thế cho nên, ai cũng nghĩ việc làm của mình
đúng một trăm phần trăm, thì trên thế gian này đâu có người nghèo khổ và bất hạnh?
Chính vì suy nghĩ đúng nên mới thực hiện
được kết quả tốt đẹp và không bao giờ có tình trạng thất bại. Tuy nhiên, thực tế
trong cuộc đời hai người thành công hết ba người thất bại, số người nghĩ sai
chiếm nhiều hơn số người làm đúng, vậy mà chúng ta bắt mọi người phải theo
mình, như thế có độc tài chưa?
Thế gian này ai cũng ghét người độc tài,
nhưng nghiệm kỹ lại chính mình, rất còn nhiều khiếm khuyết. Thôi thì mình chấp
nhận quan điểm của người này, người kia một chút để cuộc sống được hài hòa hơn,
như vậy sẽ bớt mâu thuẫn và đối kháng.
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác