Bài học quý giá từ con lật đật - Vấp ngã và Đứng dậy
Ngày nhỏ đọc Đô Rê Mon, tôi nhớ mãi tập 12 - Bà
Ngoại. Nô Bi Ta ngã nằm khóc dưới sân ăn vạ, Bà Ngoại tóc bạc trắng bước ra,
đặt con lật đật Daruma trước mặt Nô Bi Ta. Và cậu nín khóc. Con lật đật thuở ấy
cứ day dứt mãi trong tôi về bài học quý giá trong cuộc sống: "Ngã và đứng
dậy"
Trong cuộc đời, đã bao lần chúng ta vấp ngã và
đứng dậy được? Ta vấp ngã lần đầu tiên khi ta tập đi – bước những bước chậm
chạp đầu tiên của cuộc đời. Ta làm quen với đôi chân rồi bắt đầu chạy, với
chúng bạn, đuổi bắt những niềm vui.
Ta có thể ngã lần tiếp theo, có khi rất đau,
lúc mẹ hoặc bố bỗng dưng thả tay đang giữ đằng sau khi ta tập xe đạp. Ngoảnh
lại chẳng thấy ai đỡ, thế là giật mình ngã. Chảy máu, tím bầm. Mới đầu thì sợ,
sau vì cái giấc mơ đạp xe khắp ngõ ngách to hơn cả nỗi sợ. Ta lại nhảy lên,
tập, ngã, đứng dậy và làm lại.
Ta đạp được xe đạp. Những vết bầm trên cơ thể
cũng nhạt đi theo thời gian, thêm một mục tiêu nữa đã hoàn thành. Rồi cứ thế ta
lớn. Vấp ngã khiến cho ta biết nhận ra những sức mạnh ẩn tàng trong con người
mình mà nếu cứ mãi thong dong đi trên con đường bằng phẳng, ta chẳng thể nhận
ra được.
Ta bắt đầu những trận đánh nhau. Trẻ dại, thèm
khẳng định mình, bằng sức mạnh, bằng nắm đấm. Không còn là mái nhà êm ấm và an
toàn, ta ra đường và chẳng ai che chở. Những cú đấm, những cái lên gối làm ta
choáng váng, địch mạnh hơn, ta ngã xuống. Đành nằm đó một lúc. Khi ấy ta khóc
thầm, nỗi buồn thua trận và xấu hổ kèm đòn đau làm ta tự nhiên bé tí lại, thèm
có bố mẹ bên cạnh đỡ ta dậy, nhưng ngay lúc ấy chẳng có ai. Phủi bụi, lau vết
máu, và lê về nhà.
Khi ngã, Bạn hãy nhớ đến bài học của những con lật đật. |
Có cơn sợ hãi khiến ta không dám đi con đường
ấy mấy hôm liền. Nhưng kiểu gì cũng phải có ngày quay lại, ta biết điều đó và
thử lại. Lần này không quá tệ, cũng đánh trả "kẻ địch" ra trò. Như
con lật đật, ta ngã, bật dậy phản đòn, rồi lấy lại thăng bằng. Rồi ta dần
trưởng thành. Vấp ngã khiến ta có những vết thương đầy đau đớn, những vết thẹo
nhớ đời, nhưng đó cũng là chứng tích cho sự trưởng thành, cho ta thêm những
kinh nghiệm xương máu để rồi không bị sai phạm lại một lần nữa.
Thất nghiệp, bỏ việc, nằm dài ở nhà mỗi ngày.
Hy vọng ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay, nhưng không, lại tệ hơn. Ta nằm cuộn tròn
trên cái đi văng, ngắm trời xanh mây trắng một dải trên kia qua cánh cửa con.
Nhận ra cuộc đời không còn như lúc nhỏ, luôn có ai đó sẽ kéo ta dậy, tách ta ra
khỏi những rắc rối, ngăn ta khỏi những va chạm.
Ta biết chấp nhận rằng ta đã lớn rồi, ta xa gia
đình và ta phải tự mình làm mọi việc thôi. Tự nhận ra: Cuộc đời cũng không
giống như lúc thơ bé chơi trò chơi điện tử, có thể làm lại được bất cứ lúc nào,
thậm chí chơi lại hoàn toàn để có một kết quả tốt hơn. Và nếu chơi chán, có thể
tắt đi và đổi trò khác. Không, cuộc đời chỉ có một, và không thể đổi cuộc đời
khác được. Tệ thật phải không? Vấp ngã giúp ta thức tỉnh, để biết bản thân còn nhiều
thiếu sót, để biết năng lực còn hạn chế và chỉ khi tự thân ta phấn đấu, nỗ lực
thì mới có thể tiến sát đến thành công.
Vậy nên, vấp ngã thực sự không đáng sợ, bởi đó
là một cơ hội để bạn học thêm bài học cuộc đời của chính mình. Hơn thế nữa,
chính bởi những vấp ngã ấy đã làm nên con người trưởng thành của ta hôm nay. Va
vấp càng nhiều, ta lại càng bản lĩnh đối mặt với con đường gian lao ở phía
trước để tiến đến thành công.
Tuổi thơ của mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng từng
gắn bó với bộ truyện tranh Doraemon, với chú mèo máy thông minh, với Nobita hậu
đậu. Nhưng ít ai nhận ra rằng, Doraemon nhiều lúc cũng vụng về chẳng kém gì
Nobita. Một Doraemon mà túi vạn năng bề bộn cũng chẳng kém gì phòng Nobita. Một
Doraemon hậu đậu bị mất tai, lại uống nhầm thuốc, khóc đến “hóa xanh” cả người.
Một Doraemon quá nuông chiều Nobita, để nhiều lúc chính cậu ấy là người bị xỏ
mũi. Vậy mà tại sao Nobito vẫn giao ông cố của mình cho Doraemon hậu đậu kia
quản lí chứ không phải là Doremi - cô mèo máy thông minh tinh tế? Bởi vì câu
chuyện không thật sự nằm ở bảo bối. Câu chuyện nằm ở chính những chỗ va vấp khi
chúng ta dại khờ. Doremi là một cô bé thông minh và tốt bụng, cô ấy sẽ giải
quyết mọi chuyện thật hoàn hảo. Nhưng quá hoàn hảo, liệu rằng Nobita có trưởng
thành? Hay cả đời cậu sẽ mãi luôn phụ thuộc vào Doremi? Thế nên, điều chúng ta
cần không phải là một cuộc sống phẳng lặng với những điểm mười, một gia đình
khá giả, ấm no, một công việc ổn định và tương lai xáng lạn trước mắt.
Để trưởng thành, để biết trân quý thành quả của
mình, chúng ta cần phải nếm trải những thất bại đau đớn, những vấp ngã khiến
chúng ta nhớ mãi. Đúng như Steven Jobs đã từng nói: "Thất bại không phải
là một trải nghiệm đáng tự hào nhưng nó là trải nghiệm ê chề bắt buộc cần phải
có cho đến khi thành công."
Vấp ngã không đáng sợ, điều đáng sợ là ta cứ
mãi đắm chìm trong nỗi đau mà không biết đứng dậy, không biết rút ra bài học
cho bản thân. Cuộc đời đôi khi cho ta những thất bại, có những thất bại cay
đắng vô cùng.
Nhưng cuộc đời cũng không vì thế mà quá đỗi bất
công với chúng ta, đổi lại, nó mang đến những bài học. Nhưng, liệu chúng ta có
nhận ra những bài học đó không? Và chúng ta học nó chứ? Chúng ta sẽ chấp nhận
chứ? Tuyển Việt Nam đã thua Thái Lan biết bao nhiêu trận đấu, tôi không thể nhớ
hết được.
Nhưng màu áo xanh gieo sầu cho chúng ta suốt
ngần ấy năm, sẽ còn gieo sầu tiếp và trở thành một nỗi ám ảnh với màu áo Đỏ
trong những năm sắp tới, nếu như chúng ta không tự rút ra bài học và chấp nhận
những khó khăn của việc thay đổi. Nếu Edison không thất bại hằng tới cả nghìn
lần để thử nguyên liệu làm dây tóc bóng đèn thì liệu chúng ta có được sống
trong xã hội hiện đại như bây giờ? Chấp nhận thất bại và khắc phục là cách giúp
chúng ta tiến gần hơn tới vũ đài chiến thắng.
Tuy nhiên, đứng dậy sau mỗi vấp ngã là một
chuyện thực sự không mấy dễ dàng. Con lật đật ngã thì đứng dậy. Bí mật nào
trong cấu trúc của nó khiến nó ngã thì lập tức đứng lên? Ấy là nhờ một trọng
lực ngầm từ bên trong cấu tạo của con lật đật, tạo cho nó một chân đế động mà
dù có lắc lư, xô nghiêng, đẩy ngã, thì nhờ cái trọng lực làm nên sức mạnh nội
tại ấy mà nó tự đứng lên được và tìm thấy cân bằng tự bên trong.
Con người, cũng cần có được trọng lực ngầm ấy.
Điều đó đòi hỏi một ý chí mạnh mẽ, dám sống, dám khát khao dại khờ và dám chấp
nhận thất bại. Chúng ta vẫn thường hay nhắc tới Cristiano Ronaldo như một thiên
tài, một biểu tượng của môn thể thao vua. Nhưng có mấy ai biết, để trở thành
một siêu cầu thủ như bây giờ, Ronaldo của chúng ta đã phải vượt qua bao nhiêu
khổ cực, đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần? Ai từng xem Ronaldo chơi bóng
trong màn mưa với một bên mắt ướt nhòe vì mưa và máu mà vẫn ghi bàn giúp Real
thắng lợi trước Valencia; khi anh dũng mãnh ghi bàn vào lưới Wigan và chỉ vào
mí mắt bị rách, hay khi anh nén nỗi đau vừa mất cha vào trong lòng để lên tập
trung cùng đội tuyển quốc gia ... thì sẽ hiểu Cristiano Ronaldo là một cầu thủ
chuyên nghiệp đến nhường nào. Hay như nhà vô địch Glenn Cunningham, vận động
viên điền kinh xuất sắc nhất nước Mỹ thế kỷ XX, từng là một đứa trẻ tật nguyền
và mọi người cứ nghĩ cả cuộc đờ cậu phải gắn bó với chiếc xe lăn.
Ngoài ra, chúng ta phải có lòng can đảm để đối
diện với thất bại, để gượng dậy bước tiếp. Điều này đòi hỏi chúng ta phải sống
bản lĩnh, bằng cả trí tuệ và tâm hồn của mình. Có một điều thú vị rằng, từ
"can đảm" (courage) bắt nguồn từ một từ gốc Latinh cor, có nghĩa là
con tim. Sống can đảm là sống bằng cả con tim.
Thoát khỏi vùng an toàn của bản thân, sẵn sàng
đương đầu với khó khăn thử thách, trau dồi một bản lĩnh sắt đá và trí tuệ ưu
việt, chỉ như vậy con người mới dám vượt qua được nỗi đau mà những lần thất bại
gây nên.
Con người khi vấp ngã thì đứng dậy, nhưng không
ai ngã hai lần trên cùng một mô đất. Không ai sai phạm một lỗi trong hai lần
cả. Vậy nên, khi đứng dậy, ta cần phải có một lý trí, trí tuệ sâu sắc để đúc
rút kinh nghiệm, để không phạm phải sai lầm ấy một lần nào nữa. Hơn nữa, chúng
ta không có đủ thời gian để phạm hết tất cả các sai lầm, nên chúng ta cần phải
đúc rút kinh nghiệm từ những người xung quanh, để làm đầy cho hành trang trên
đường đời.
Có một sự thật là những người thành công luôn
biết cách đứng dậy sau những vấp ngã, khó khăn. Chúng ta tùng biết đến một JR
Rowling với tác phẩm Harry Potter nổi tiếng thế giới, nhưng chúng ta không biết
rằng tập Harry Potter đầu tiên đã bị từ chối đến mười hai lần trước khi nó được
xuất bản và gặt hái thành công vang dội như bây giờ. Hay như Michael Jordan,
trước khi trở thành cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại đã bị thua hàng
trăm trận và còn bị loại ra khỏi đội bóng rổ của trường. Nhưng hầu hết trong số
họ biết vượt lên hoàn cảnh, giẫm đạp lên thất bại để thành công.
Bố tôi nói: "Daruma thường được bán trên
chùa những ngày Tết, người Nhật mua về để gửi gắm những hy vọng. Mới đầu khi
mua về Daruma không có mắt, chúng ta sẽ nói những ước mơ và dự định của mình,
điền tên mình lên Daruma. Khi những ước mơ đã thành hình, tức là ta "gật
đầu" với quyết định đó, ta sẽ vẽ con ngươi đầu tiên lên tròng mắt trắng,
và đặt nó ở một chỗ dễ nhìn, đẹp đẽ để cầu xin thành công. Khi những dự định và
ước mơ đã trở thành hiện thực ta mới tô tiếp con mắt còn lại. Bố tặng con, hy
vọng rồi con sẽ đạt được những gì con muốn. "
Cuộc sống này là một chuỗi những vấp ngã - đứng
lên - đi tiếp và lặp lại – nó sẽ dạy ta những bài học lớn, những kinh nghiệm
không ai có thể đo đếm được giá trị. Đừng bao giờ nản lòng, đừng nằm lỳ một
chỗ. Và hãy luôn ghi nhớ: chẳng bao giờ quá muộn để ta thay đổi, trưởng thành
và tốt đẹp hơn. Đừng để những con Daruma không có mắt – vì bản thân không biết
phải làm gì, muốn gì. Cũng đừng để những con Daruma chỉ có một mắt - vì những
dự định luôn chỉ là dự định dang dở - cho đến khi ta bắt tay vào thực hiện nó.
Với tất cả quyết tâm.
Khi ngã, Bạn hãy nhớ đến bài học của những con
lật đật.
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác