Những lối SUY NGHĨ LỆCH LẠC ai cũng có thể mắc phải
Bạn có biết suy nghĩ cũng ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và thể
chất của bạn? Suy nghĩ theo hướng tích cực và lạc quan sẽ mang đến cho bạn một
nội tâm an hòa và cơ thể tràn trề sức sống. Nhưng suy nghĩ lệch lạc lại khiến
bạn có cái nhìn tiêu cực về bản thân và những người xung quanh. Vậy, làm sao để
nhận biết những suy nghĩ lệch lạc ấy?
Dưới đây là 15 lối suy nghĩ lệch lạc được giải thích trong cuốn
sách “Thoughts and Feelings: Taking Control of Your Moods and Your Life” (tạm
dịch: Suy nghĩ và cảm xúc: Làm chủ tâm trạng và cuộc sống của bạn) do các tác
giả Matthew McKay (PhD), Martha Davis (PhD), và Patrick Fanning nghiên cứu và
trình bày.
1. Sàng lọc:
Bạn tập trung vào các chi tiết tiêu cực và phóng đại chúng lên,
cùng lúc đó bỏ ra ngoài mọi khía cạnh tích cực của sự việc. Một chi tiết đơn lẻ
có thể được chọn ra, và rồi toàn bộ sự việc sẽ mang màu sắc của chi tiết đó.
Khi bạn tách riêng những điều tiêu cực khỏi bối cảnh, bạn sẽ khiến chúng lớn
hơn và tồi tệ hơn so với thực tế.
2. Suy nghĩ phân cực:
Mọi thứ đều đen hay trắng, tốt hay xấu; bạn phải là người hoàn
hảo, nếu không thì là thất bại… không có vị trí ở giữa, không có sự trung dung.
3. Khái quát hóa:
Bạn đi đến kết luận chung dựa trên một sự kiện đơn lẻ hoặc một ít
chứng cứ. Nếu điều gì xấu xảy ra một lần, bạn sẽ cho rằng nó lại tiếp tục nhiều
lần xảy ra. “Luôn luôn” và “không bao giờ” là những dấu hiệu cho thấy bạn đang
suy nghĩ theo lối này. Kiểu suy nghĩ vội vàng có thể đưa đến một cuộc sống bị
hạn chế, bởi bạn tránh các thất bại trong tương lai chỉ dựa trên một sự việc,
sự kiện đơn lẻ.
4. Đọc trước suy nghĩ:
Không cần mọi người lên tiếng, bạn đã biết họ đang có cảm giác gì
và lý do tại sao họ lại hành động theo cách đó. Đặc biệt, bạn có khả năng tiên
đoán mọi người có cảm nhận như thế nào về bạn. Việc đọc trước suy nghĩ phụ
thuộc vào một quá trình gọi là “phép chiếu”. Bạn tưởng tượng rằng mọi người
cũng cảm nhận và phản ứng với mọi thứ giống như bạn. Vì vậy, bạn không quan sát
hay lắng nghe đủ cẩn thận và không nhận ra rằng họ thực sự có khác biệt. Những
người đọc trước suy nghĩ sẽ đi đến các kết luận chủ quan, nhưng lại không kiểm
tra xem liệu điều đó có đúng với những người khác hay không.
5. Biến mọi thứ thành hiểm họa:
Bạn kì vọng thảm họa sẽ xảy ra. Bạn chú ý hoặc nghe về một vấn đề
và rồi bắt đầu nghĩ “điều gì sẽ xảy ra nếu…” Điều gì sẽ xảy ra nếu bi kịch ập
đến? Điều gì sẽ xảy ra nếu chuyện tồi tệ đến với tôi?…
6. Riêng tư hóa:
Nghĩ rằng những điều mọi người làm hoặc nói đều là một loại phản
ứng nào đó đối với bạn. Bạn cũng so sánh bản thân mình với những người khác và
cố xác định xem ai thông minh hơn, ai ưa nhìn hơn, v.v.
7. Nhầm lẫn về khả năng kiểm soát:
Nếu bạn cảm thấy mình bị kiểm soát quá nhiều bởi các yếu tố bên
ngoài, bạn sẽ nhìn nhận bản thân là bất lực, nạn nhân của số phận. Ngược lại,
nếu bạn đặt cho mình quá nhiều sự kiểm soát, bạn có xu hướng trách nhiệm cho
nỗi đau và hạnh phúc của mọi người xung quanh.
8. Nhầm lẫn về sự công bằng:
Bạn cảm thấy bực bội vì cho rằng mình biết thế nào là công bằng,
nhưng những người khác lại không đồng ý với bạn, hay không hành xử giống như
quan điểm “công bằng” của bạn.
9. Đổ lỗi:
Bạn cho rằng người khác phải chịu trách nhiệm cho những đau khổ
của bạn, hoặc ngược lại, đổ lỗi cho bản thân về mọi vấn đề. Thông thường, đổ
lỗi là hành động khiến người khác phải chịu trách nhiệm cho những lựa chọn và
quyết định của cá nhân bạn. Trong các hệ thống đổ lỗi, bạn từ chối quyền (và
trách nhiệm) của mình để nhấn mạnh nhu cầu của bản thân, từ chối, hoặc bỏ đi
nơi khác để tìm những gì bạn muốn.
10. Quá quy tắc:
Bạn có cả một danh sách các quy tắc cứng nhắc quy định bạn và
những người khác nên hành xử ra sao. Những ai phá vỡ quy tắc này sẽ khiến bạn
tức giận, và bạn cảm thấy tội lỗi nếu chính mình vi phạm nguyên tắc đó.
11. Tư duy dựa trên cảm xúc:
Bạn tin rằng những gì bạn cảm nhận là hoàn toàn đúng. Nếu bạn cảm
thấy ngớ ngẩn và nhàm chán, vậy nghĩa là bạn thật sự ngớ ngẩn và nhàm chán. Nếu
bạn cảm thấy tội lỗi, vậy chắc chắn bạn đã làm điều gì đó sai trái. Vấn đề của
“tư duy theo cảm xúc” là: xúc cảm của bạn có tương tác và tương quan với quá
trình tư duy. Vì vậy, nếu bạn có những niềm tin và suy nghĩ lệch lạc thì xúc
cảm của bạn sẽ phản ánh những điều lệch lạc đó.
12. Ảo tưởng thay đổi người khác:
Bạn mong đợi người khác sẽ thay đổi để phù hợp với bạn, chỉ cần
bạn đủ gây áp lực hoặc chiều chuộng họ. Bạn cần phải thay đổi mọi người bởi hy
vọng được hạnh phúc của bạn dường như hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Nhưng sự thật
là, người duy nhất bạn có thể kiểm soát hoặc có hy vọng thay đổi là chính bản
thân bạn. Nhận định ẩn bên dưới lối nghĩ này là: bạn cho rằng hạnh phúc của bạn
phụ thuộc vào hành động của người khác. Nhưng thực tế là hạnh phúc của bạn phụ
thuộc vào hàng nghìn quyết định lớn nhỏ mà bạn đưa ra trong cuộc sống.
13. Dán nhãn toàn thể:
Bạn khái quát một hoặc hai phẩm chất (ở bản thân hoặc người khác)
thành một nhận định tiêu cực cho toàn thể. Dán nhãn toàn thể sẽ bỏ qua tất cả
bằng chứng trái chiều, tạo nên một cái nhìn rập khuôn và một chiều về thế giới.
Dãn nhãn cho bản thân có thể gây tác động tiêu cực đến sự tự tin của bạn; trong
khi dán nhãn lên những người khác có thể dẫn tới nhận định bộp chộp, các vấn đề
về mối quan hệ, và thành kiến.
14. “Tôi luôn đúng”:
Bạn liên tục xem xét để chứng tỏ rằng ý kiến và hành động của bản
thân là chính xác. Sai trái là điều không thể chấp nhận được và bạn sẽ làm mọi
cách để chứng minh sự đúng đắn của mình.
15. Ảo tưởng về phần thưởng:
Bạn mong đợi tất cả mọi hi sinh và từ bỏ lợi ích của mình sẽ được
đền đáp, như thể có ai đó đang ghi sổ cho bạn. Bạn sẽ cảm thấy cay đắng khi
phần thưởng không đến như kì vọng. Vấn đề chính là, mặc dù bạn luôn làm “điều
tốt”, nhưng bạn lại không thực sự đặt tâm vào đó, bạn chỉ đang làm tổn hại bản
thân cả về thể chất lẫn tinh thần.
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác