Phát âm chuẩn tiếng Anh - nỗi ám ảnh của thầy cô, phụ huynh và học sinh

Phát âm “chuẩn" tiếng Anh là một nỗi ám ảnh của thầy cô giáo/ phụ huynh/ sinh viên ra trường và các em học sinh. Mình nói nỗi ám ảnh ở đây là hoàn toàn có cơ sở, khi mà giáo viên tiếng Anh nhiều người chưa giao tiếp được bằng tiếng Anh, phụ huynh bỏ quá trời tiền cho con đi học trung tâm Ngoại ngữ để con giao tiếp tự tin với người nước ngoài, còn sinh viên đã ra trường và đi làm loay hoay đi học các lớp giao tiếp. Chưa kể tới rất nhiều các bà mẹ quan tâm và muốn con phát âm “ chuẩn” tiếng Anh ngay từ khi 3 tới 5 tuổi. Mình thấy xúc động quá, ai ai cũng thấy sự cần thiết của việc học tiếng Anh và phát âm “chuẩn", hihi!
Trước tiên, mình phải xem lại thế nào là “ phát âm chuẩn” tiếng Anh. Nhà mình có bao giờ xem và nghe tài liệu dạy tiếng Việt cho người nước ngoài chưa ạ? Coi thử đi, hài lắm luôn, hihi. Coi qua để thấy người nước ngoài họ học “ tiếng Việt chuẩn" là thế nào. Qua đó để thấy, khi mới dạy ngôn ngữ cho người nước ngoài, người viết sách họ sẽ tối giản các đơn vị ngôn ngữ và phát âm cũng kém tự nhiên hơn so với nói thông thường.
Phát âm chuẩn tiếng Anh - nỗi ám ảnh của thầy cô, phụ huynh và học sinh
Nếu coi tiếng Tiếng Anh tương tự như Tiếng Việt, thì với mình, người Anh nói tiếng Anh như người Bắc, người Mỹ như người Nam, còn người Úc với New Zealand như người Miền Trung và người Scotland như người Hà Tĩnh nói tiếng Việt. Trong tất cả những nước nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ thì mình thấy Canada nói tiếng Anh dễ nghe nhất, kế tới là Mỹ. Scotland nói là điếc luôn, mình ở chung với mấy anh chị Scot, họ nói chuyện với nhau y như họ đang nói tiếng trên hành tinh Navi của phim Avatar ấy ạ, không hiểu nổi một tí gì luôn. Và nói vậy để thấy, dân bản ngữ có ai nói chuẩn hoàn toàn đâu ạ, ngoại trừ mấy phóng viên trên tivi?? 
Và nếu bạn có cơ hội nghe mấy bạn Pháp, Ý hay Nhật, Sing gì nói tiếng Anh thì ôi thôi, miễn bàn luôn, chả theo cái chuẩn gì hết, phát âm rất là khó nghe. Ai cũng bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ thứ nhất cả, nên họ nói tiếng Anh có âm điệu đặc trưng. Nhưng họ đâu có quan trọng, họ vẫn cứ nói rào rào, họ vẫn cứ được trọng dụng trong các trường đại học, vẫn là giáo sư vẫn là bác sĩ, vẫn đi làm việc và du lịch quốc tế ầm ầm? 
Nên nếu người Việt mình nói tiếng Anh mà bị ảnh hưởng bởi ngữ điệu Việt thì cũng chả có gì mà phải ngại. Việt Nam mình mà có phát âm chưa được đúng lắm thì cũng đừng có ngại ngùng, xin cứ nói, xin cứ phát biểu, xin cứ để cho trẻ nói, từ đó mới cải thiện và sửa được chỗ sai.
Mình không muốn dùng từ phát âm “chuẩn", chả có gì gọi là chuẩn trong ngôn ngữ cả, mà mình nên học nói tiếng Anh sao cho giống với người bản xứ nói nhất, và tuỳ vào nguồn mình học mà mình bắt chước theo họ ạ. Học tiếng Anh với người Mỹ thì bắt chước giọng Mỹ, với người Anh thì bắt chước giọng người Anh, v.v.
Đối với người lớn và các bạn sinh viên muốn cải thiện phát âm tiếng Anh: Nếu muốn có kiến thức về các âm riêng biệt, hãy tìm trên youtube: British pronounciation BBC, hoặc American Pronounciation, hoàn toàn miễn phí, xem để nhận biết các âm và luyện theo để cơ miệng có thể tạo ra âm chính xác hơn. 
Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu, vì nếu mình muốn phát âm tốt thì nên phát âm theo cả câu, trong ngữ cảnh để có âm điệu sắc thái khác nhau, như vậy mới tự nhiên và giống với người bản ngữ họ nói tiếng Anh. 
Nếu phát âm chưa giống với phát âm bản ngữ, hãy nghe thật nhiều, nghe một cách chú tâm để coi họ phát âm thế nào, xem phim thật nhiều, và chọn những video ngắn có phụ đề tiếng Anh rồi nghe nhiều lần, nghe sao cho hiểu, sau đó nhẩm theo sao cho giống nhất có thể. Mình có chia sẻ phần này trong phương pháp học tiếng Anh đã đăng. Dưới đây là các âm khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt:
Đối với trẻ nhỏ: Mình không nên mong đợi trẻ phát âm hay, phát âm đúng ngay lập tức. Điều này là vô lý với mấy em quá, hihi, tiếng Việt học nói bao nhiêu năm mới sõi, tiếng Anh mới học mà, xin cứ từ từ. Nếu trẻ phát âm chưa giống với người bản ngữ (mình không dùng từ chuẩn, vì thực ra chả có cái gì gọi là chuẩn cả), mình sẽ cho bé nghe nhiều và bắt chước nói theo. Trẻ từ lớp 2 trở xuống, cứ nghe và bắt chước nói dù không hiểu gì cũng được, cơ bản là luyện tai nghe và luyện cơ miệng. Nếu cha mẹ nào không có kiến thức gì về tiếng Anh, không thể đoán được con mình nói vậy là đúng hay chưa cũng đừng lo lắng quá, hãy khuyến khích bé, chỉ một câu này thôi:
“ CON CỨ BẮT CHƯỚC SAO CHO CÀNG GIỐNG NGƯỜI TA/ TRONG ĐĨA CÀNG TỐT"
Khuyến khích bé nghe nhiều, và bắt chước âm điệu, nói bé chú ý coi chỗ nào khác với cách người Việt mình hay nói để tự sửa, để bắt chước sao cho giống trong đĩa nhất.
QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH VỀ SÁCH PHONICS (SÁCH HỌC VẦN TIẾNG ANH)
Một số bậc cha mẹ cho con học sách Phonics, và đánh giá rất cao hiệu quả của nó. Mình thì chỉ coi nó là điểm khởi đầu không hơn không kém. Nó chỉ nên là một phần giúp các em nhận diện âm và làm quen âm, từ đó khi nghe các em sẽ nghe nhận diện âm tốt hơn để bắt chước theo. Nếu chỉ dùng Phonics để dạy cho các em biết đọc thì mình nghĩ là không nên, lý do là tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của các em, không phải như tiếng Việt.
Nếu mình nhìn từ góc độ tiếng Việt sẽ thấy: Các em học sinh lớp 1 sẽ học đánh vần tiếng Việt và biết cách đọc, biết đọc thì sẽ hiểu nội dung bài đọc vì các em đã biết nói từ đó, nghe từ đó hàng ngày rồi. Trong khi sách Phonics này chủ yếu là dành cho học sinh bản ngữ nói tiếng Anh, giống như sách học vần tiếng Việt dành cho học sinh Việt Nam vậy. Việc biết đọc tiếng Anh theo kiểu đánh vần với các em chả có ý nghĩa gì cả nếu các em biết đọc nhưng không hiểu. Các từ mới đó không gắn với ngữ cảnh thì không giúp các em hiểu và sử dụng nó sau này. Vì thế đối với các em mới học tiếng Anh, quan trọng nhất vẫn là sách 4 kĩ năng/ sách đọc có nội dung/ hình ảnh kèm theo đĩa nói, chứ không phải sách Phonics. Và nếu mọi người để ý sẽ thấy, sách dạy tiếng Anh cho người nước ngoài luôn bắt đầu bằng các câu thoại chứ không phải là dạy cách đánh vần.
Vậy đấy, đừng quá coi trọng phát âm chuẩn quá mọi người ạ. Cứ tự tin, chuẩn hay không chuẩn gì thì mình cứ phải phát ra, nói ra cái đã, rồi từ từ mình mới sửa được, mới tiến bộ được, mới nói được! Chứ trong đầu mà lo “ trời ơi, không biết vậy là đúng phát âm chưa nhỉ, vậy là đúng ngữ pháp chưa nhỉ" thì tới mùa quýt ta cũng còn chưa biết có nói được hay chưa, hihi! ( nhớ đọc tham khảo bài: Không sợ thất bại, hihi)

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.