Tại sao người Việt dù học tiếng Anh nhiều năm vẫn không giao tiếp được?
Nguyên nhân lớn nhất của học sinh
cũng như là người lớn ở Việt Nam dù học rất nhiều mà vẫn không giao tiếp được
tiếng Anh là gì? Rõ là mình hiểu hết người ta nói gì, trong đầu cũng đầy chữ mà
lúng túng như gà mắc tóc, không nói nổi. Lý do là sao ạ? Hihi, theo mình nguyên
nhân lớn nhất chính là sợ mình sai, sợ quê, sợ nói không đúng ngữ pháp thì
người ta cười.
Trong khi đó, muốn nói giỏi Tiếng
Anh thì mình phải bắt đầu bằng những từ riêng lẻ rồi mới có thể nói thành câu,
từ phát âm sai tới phát âm đúng hơn, rồi nói sai ngữ pháp rồi mới nói đúng được
chứ ạ. Mình nào có phải là thánh đâu, mà làm cái được liền. Mình không
sợ sai, không sợ quê, nói bừa, nói đại, nói nhiều thành phản xạ, rồi mình mới
từ từ sửa được ạ.
Vì sao mình lại như vậy?
Thứ nhất, theo mình thấy người Việt Nam ta thường có tính sĩ diện cao, sợ
quê, sợ xấu hổ với thiên hạ, bạn bè, sợ “người ta” cười. (“Người ta” đây không
biết là ai mà sao có quyền lực thế không biết, “Đừng có làm thế, họ cười cho
đấy”)
Thứ hai, do từ nhỏ đến lớn khi mình làm sai điều gì thì mình thường bị ăn
đòn. Mình làm sai điều gì mà tới báo cáo với bố mẹ thì y như rằng mình bị ăn
chửi tan cửa nát nhà, chửi xối xả, nên lần sau mình đâu dám làm sai gì nữa. Lên
trường, làm sai thì bị điểm thấp là về nhà sẽ bị chì chiết ngay. “Đấy nhìn xem,
con nhà người ta giỏi giang vậy đấy, con nhà này chỉ ăn với học mà cũng làm
không ra hồn!!!) Dần dần, cái tâm lý sợ sai đấy làm cho mình thu hẹp dần, không
dám mạo hiểm, không dám sáng tạo cái gì mới mới, lớn lên chuyển thành nhát
chết, làm gì cũng sợ thất bại, mà trong làm ăn thì có khi nào mà thành công
ngay đâu ạ? Có gan mới làm giàu được chứ? Mấy người mà thành công có tiếng
trong xã hội, dễ họ làm cái là được ngay quá! Hihi, họ cũng “lên bờ xuống
ruộng”, phá sản, làm lại, thử sai không biết trong bao nhiêu năm đấy ạ. Và khi
ta nhìn vào, ta nhìn thấy trái ngọt của họ mà ta không thấy những ngày tháng họ
vật lộn với thất bại.
Tại sao người Việt dù học tiếng Anh nhiều năm vẫn không giao tiếp được? |
Nói tới việc học của con trẻ, nếu
các em làm gì cũng đúng ngay từ đầu chưa chắc đã là điều hay.
Các em dễ có tư tưởng mình giỏi,
và khó chấp nhận tâm lý bị thất bại hay học từ thất bại. Với các em, bị điểm
kém một môn nào đó hay rớt đại học chẳng hạn, đó là cái gì đó ghê gớm lắm, và
sau đó các em dễ bị tổn thương tâm lý, lo sợ, không đủ dũng cảm đối đầu với sự
thất bại của mình. Mình thấy không biết bao nhiêu bi kịch các em học giỏi mà
rớt đại học, cả bố mẹ lẫn con rơi vào khủng hoảng. Đó mới chỉ là việc học. Còn
khi ra đời đi làm, những người giỏi mà không dám chấp nhận thất bại rủi ro
thường ít làm được việc lớn (nhận xét cá nhân của mình thôi ạ).
Vậy mình làm thế nào để nuôi
dưỡng được tinh thần không sợ thất bại cho các em?
Đầu tiên hãy bắt đầu từ chính các
cha các mẹ, phải SỐNG TÔT, SỐNG TỬ TẾ
Ơ, tự nhiên nói về thất bại với
thành công mà lại nói tới sống tử tế là sao? Là vì, khi mình sống tử tế thì
mình có làm gì cũng không sợ thiên hạ dèm pha chê cười. Mình dù sao cũng bị ảnh
hưởng bởi tư tưởng Á Đông, sống trong cộng đồng, không như ở phương Tây, vì vậy
mình vẫn bị ảnh hưởng lời nói của thiên hạ. Và khi mình biết là mình làm đúng
với lương tâm của mình, mình sẽ bớt quan tâm tới lời bàn tán của họ hàng làng xóm.
Khi cha mẹ sống tốt, tự nhiên cha mẹ sẽ có một tinh thần tự tin truyền tới cho
các con, làm cho con mình cũng cảm thấy tự tin hơn trong mọi việc.
Thứ hai, thái độ của cha mẹ đối
với mọi việc xung quanh rất quan trọng. Ngay từ bản thân của mình, mình không
nên nghe lời dèm pha của thiên hạ, hay sợ người ta chê cười. Mình nên luôn cố
gắng học từ những cái sai của mình trong những câu chuyện mình kể bé nghe hoặc
là nói chuyện với chồng , với bạn bè mà có con ngồi ở đó hoặc không có con ngồi
ở đó. Mình tự xem xét về thất bại của mình và mình nêu ra mình học được gì từ
những thất bại đó rồi mình nghĩ xem cách nào để mình tiếp tục cố gắng để thành
công trong lần tới, chứ mình không nên nghĩ mãi, nghĩ hoài về cái thất bại đó.
Chứ mình nói con là con ơi, chỉ cần nỗ lực hết sức, mà trong lòng mình cứ ám
ảnh về việc bị người ta nói vào nói ra, thì làm sao mình có được thái độ bình
tâm đối với con cho được? Mình cũng lo lắng, và bắt đầu gây áp lực cho con, dù
là từ hành động rất nhỏ, con cũng cảm nhận được. Vậy nên mình thấy nhiều mẹ rất
lo lắng, muốn cho con phải giỏi, học tiếng Anh từ sớm, mình nghĩ một phần cũng
là xuất phát từ việc muốn con mình hơn người, muốn con mình được hàng xóm bạn
bè khen giỏi. Và khi con không được như ý muốn thì mình rất chi là căng thẳng.
ĐỐI VỚI CON: mình cần có thái độ
đúng đắn đối với việc học/việc làm của con:
CON GIỎI, LÀM CÁI GÌ CŨNG ĐÚNG
NGAY LẦN ĐẦU: Làm cha làm mẹ mà có được đứa con như vậy cũng thấy mát lòng,
nhưng đừng nên vui mừng và khen con thông mình, con giỏi vội đâu ạ. Nhà mình
đang nuôi dưỡng cái tính sợ thất bại của con đấy ạ!! Mỗi khi như vậy, mình nên
nói: “ Cám ơn con đã cố gắng làm tốt". Mình công nhận nỗ lực của trẻ, trẻ
rất cố gắng nên làm bài tốt, chứ không nên dán nhãn là trẻ thông minh. Mình
đánh giá cao quá trình nỗ lực làm của trẻ, chứ không gieo trong đầu trẻ là trẻ
giỏi giang thông minh hơn người, để sau này lỡ có sai, có rớt gì thì mình sẽ
nói, lần sau mình sẽ cố gắng hơn, sẽ nỗ lực nhiều hơn.
CON LÀM SAI, ĐIỂM KÉM, PHÁT ÂM
“KHÔNG CHUẨN", KHÔNG THUỘC TỪ VỰNG, cho đi học trung tâm quá trời tiền mà
về vẫn không giao tiếp được?: Mình nên chấp nhận điều này là điều tự nhiên,
bình thường. Thất bại về điểm số, tiến bộ chậm trong việc học của trẻ con chỉ
là tạm thời, chỉ là một điểm rất là nhỏ trong cả cuộc đời của các em. Mình sẽ
không nói như kiểu: “Con nhà người ta thế này thế kia, con mình học mãi không
nổi” “Sao mà ngu thế, có thế mà cũng không hiểu”. Điều đó ngăn cản, làm cho bé
tự ti và nghĩ mình ngu thật.( lúc đó thì muộn rồi!) Mình sẽ an ủi, động viên
các em, giúp các em giải quyết vấn đề khi các em làm sai. Mình sẽ hỏi con những
câu hỏi như là
Con thấy mình đã làm hết sức mình
chưa? Nếu rồi, con thử tìm cách khác với cách con đã làm xem sao?
Con học được gì từ việc đó? Nếu
cho con làm lại, con sẽ làm thế nào?
Mình sẽ làm gì để lần sau làm tốt
hơn?
Đừng lo, con còn nhiều cơ hội để
làm tốt hơn, lần này chỉ là chuyện vặt!
Thua keo này ta bày keo khác con
nhỉ, mình cố hết sức thì chả có gì mà phải buồn cả!
Và mình cùng con mình luyện tập
làm sao để phát triển kĩ năng đó tốt hơn, một cách từ từ, đừng nên nóng vội.
Quan trọng là thái độ hỗ trợ, ủng hộ, giúp trẻ cảm thấy tự tin và cố gắng sửa
chữa từ cái sai của mình, điều đó quan trọng hơn cả!!
Thái độ không sợ thất bại không
chỉ quan trọng trong việc học tiếng Anh mà còn là nền tảng vững chắc cho sự
thành công của bất kì ai trong việc học cũng như trong làm việc. Xin đừng quan
tâm tới việc người đời cười chê, chỉ nên tập trung nỗ lực vào việc của chính
mình.
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác