Bài viết hay về đạo đức công vụ khiến chúng ta phải suy ngẫm
Sinh thời, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới vấn đề đạo đức, nhất là đạo đức của
người cách mạng. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người khẳng định: đạo
đức là cái gốc của người cách mạng. “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước,
không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người
cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh
đạo được nhân dân”. Đó là những tiêu chí đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Với
các cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ có một mục đích
là phục vụ đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm là chí
công vô tư”.
Đối với người cán bộ, công chức đạo đức lại càng quan trọng. Là
người đem chính sách của Đảng và Nhà nước giải thích cho dân chúng hiểu rõ và
thi hành, do vậy ngoài năng lực, người công chức phải thực sự là những người có
tư cách đạo đức tốt. Bởi lẽ, quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo
đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, những nguyên tắc đạo đức, chuẩn mực
cơ bản mà người CBCC nhà nước cần phấn đấu đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư, yêu thương con người, sống có nghĩa có tình, có tinh thần trách
nhiệm cao với công việc, thi hành công vụ có sáng tạo, chấp hành nghiêm kỷ
luật, có ý chí phấn đấu, có tinh thần đoàn kết, thân ái, hợp tác với đồng
nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ.
Những chuẩn mực này có sự quan hệ, tác động lẫn nhau trong một hệ thống chuẩn
mực thống nhất. Có lòng trung với nước hiếu với dân, có lòng yêu thương con
người thì mới hết lòng, hết sức đem tài đức của mình phục vụ nhân dân. Có như
vậy mới thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận tụy vì công
việc chung. Nhờ vậy mới giữ được kỷ luật của cơ quan, tổ chức, mới rèn được
tinh thần trách nhiệm cao với công việc và ý chí phấn đấu vươn lên không ngừng.
Khi giữ được phẩm chất trong sạch, không tham địa vị, danh vọng, tiền tài, có
lòng chính trực thì chắc chắn sẽ có tình thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong
công việc.
Trong tình hình thực tế nước ta hiện nay cho thấy, những lời dạy
của Người luôn có giá trị thực tiễn sâu sắc. Nền kinh tế thị trường bên cạnh
những mặt tích cực còn có những tác động tiêu cực. Đó là khát vọng làm giàu
bằng mọi cách, tâm lý chạy theo lợi nhuận, coi trọng giá trị đồng tiền một cách
quá mức, kéo theo thói ích kỷ, tự tư, tự lợi, đặt lợi ích cá nhân và gia đình
lên trên lợi ích của tập thể và xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ nghĩa cá
nhân; do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức; tự
phê bình, phê bình và sửa chữa khuyết điểm chưa nghiêm túc; đấu tranh chống các
tệ nạn xã hội chưa quyết liệt; nói chưa đi đôi với làm.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức công vụ không phải tự thân mà
có. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện theo các
chuẩn mực đạo đức công vụ.
Tháng 10/ 1945, khi chính quyền nhân dân mới được thành lập
trong cả nước, nhân danh Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
trịnh trọng tuyên bố: “Chính phủ là công bộc của dân” và Người khẳng định: CBCC
là công bộc của dân.. , có bổn phận phục vụ nhân dân. Vì thế, đạo đức công chức
thể hiện tính dân chủ trong công vụ mà công chức thực hiện đối với dân. Sự
không thiên vị, vô tư và trong sáng chắc chắn sẽ làm cho người dân tin hơn vào
Đảng, Chính phủ và ngược lại.
Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn day dứt với một suy nghĩ:
Người chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng với dân, với nước. Và trong một lần trả
lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài Người đã nói:“Tôi chỉ có một ham muốn, ham
muốn tột bậc, là làm sao nước tôi được hoàn toàn độc lập, dân tôi được hoàn
toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Nói
chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp (30/5/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh
khẳng định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc,
và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào
chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân
đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo
lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất
kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”.
Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối mọi danh hiệu, phần thưởng
cao quý mà Đảng, Nhà nước, nhân dân, bạn bè quốc tế dành riêng cho Người. Năm
1963, khi biết tin Quốc hội định trao tặng Người Huân chương Sao vàng cao quý,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu rất chân thành: “Tôi vừa nhận được một tin
tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng
cho tôi Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ
lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân
chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng
tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”.
Và Người mong muốn: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa
bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền
Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng,
vui mừng”.
Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của cải cách nền hành
chính nhà nước là phải đạt mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong
sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả
theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của
Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu
cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Với ý nghĩa đó, đạo đức công
chức cần được chuẩn mực trở thành bắt buộc mang tính nguyên tắc dựa trên pháp
luật.
Công chức trong bộ máy hành chính nhà nước là một hình ảnh phản
chiếu các vai trò trách nhiệm của họ; thử thách đánh giá các giá trị và hành
động của họ với tư cách là cá nhân phục vụ cho Chính phủ và nhân dân. Muốn như
vậy, ở góc độ đạo đức, công chức cần nâng cao kỹ năng và chất lượng phục vụ,
cung cấp dịch vụ công cho xã hội, cho nhân dân.
Kế thừa những giá trị đạo đức và đạo đức công vụ của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh, Bộ Nội vụ với chức năng là bộ quản lý đa ngành đa lĩnh vực, trải qua các
thời kỳ cách mạng luôn giữ vai trò làm tham mưu cho Chính phủ về công tác tổ
chức xây dựng đội ngũ cán bộ. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, để xây
dựng đội ngũ công chức, viên chức nhà nước, Chính phủ lâm thời và Chính phủ
Liên hiệp kháng chiến đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Bộ Nội vụ
thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ xây dựng và quản lý đội ngũ công
chức.
Quan điểm và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội
ngũ công chức và chế độ công vụ phục vụ nhân dân thể hiện tập trung và cụ thể
trong Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 về “Quy chế công chức Việt Nam”. Đây là
văn bản pháp luật cao nhất của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định về
chế độ công chức, công vụ.
Hiện nay, vấn đề đạo đức công vụ trở thành một chế định trong
luật, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đã được luật hóa. Điển
hình như Luật cán bộ, công chức chính là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về
công vụ, công chức. Với yêu cầu xây dựng nền hành chính hiện đại trong bối cảnh
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế,
hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tư tưởng Hồ
Chí Minh về đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên” chính là cơ sở để
cụ thể hóa những tiêu chuẩn công chức chuyên nghiệp.
Trong điều kiện đổi mới ở đất nước hiện nay, việc học tập và làm
theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người cán bộ, công chức là vấn đề được
Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có
đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Việc rèn luyện đạo đức,
nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những
nội dung trọng tâm của chương trình cải cách hành chính. Điều đó được thể hiện
trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn coi vấn đề xây
dựng Đảng trong đó vấn đề xây dựng, giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ luôn được
coi là một trong những vấn đề then chốt. Và mới đây Hội nghị Trung ương 7 khoá
XI khẳng định việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, bảo đảm yêu cầu lãnh đạo
của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thích ứng
với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự
nghiệp CNH,HĐH đất nước và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu… Tuy nhiên,
hiện nay còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức kể cả cán bộ ở vị trí lãnh
đạo, quản lý chưa hiểu hết trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ. Tinh
thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận CBCCVC còn thấp. Nhiều cán
bộ, công chức thực hiện chức trách theo kiểu ban phát, xin-cho, coi nhiệm vụ,
quyền hạn được giao là đặc quyền, đặc lợi của mình. Trong tổng kết nhiệm kỳ của
Chính phủ, có đại biểu Quốc hội đã nhận xét là hiện nay một bộ phận cán bộ,
công chức nói chung, nhất là khối chính quyền vẫn còn xa dân, xử lý công việc
theo tư duy "cai trị", áp đặt… nên nhiều việc không tạo được sự đồng
thuận, hiệu quả, hiệu lực bộ máy còn thấp, gây nên sự phản ứng nhiều khi bức
xúc. Bên cạnh đó, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong
một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn nghiêm trọng, chậm khắc phục trong
thời gian qua dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu, có thái
độ hách dịch, cửa quyền, cách cư xử vô cảm khi giải quyết công việc với người
dân làm cho nhân dân bất bình, giảm lòng tin đối với Đảng và Nhà nước.
Để nền hành chính nhà nước vững mạnh chuyên nghiệp hiện đại,
hoạt động có hiệu lực hiệu quả mỗi CBCCVC nhà nước hãy lấy tấm gương hết lòng
hết sức phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm khuôn
mẫu để học tập, rèn luyện và phấn đấu và phải luôn nhớ rằng mình là người công
bộc tận tụy, trung thành của nhân dân trong hoạt động công vụ , luôn phấn đấu
vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo con đường
mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.
Để kết thúc bài viết chúng tôi xin dẫn một đoạn trong bài nói
của Bác với cán bộ tỉnh Hà Tây năm 1967: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ
từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân
dân. Bác nhấn mạnh: làm đầy tớ nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân. Lãnh
đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt”.
Tác giả: Phạm Thị Thúy Hồng; Tạp chí Tổ chức nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác