Những trò chơi đơn giản áp dụng trong dạy tiếng Anh
Trong giảng dạy tiếng Anh, đặc biệt là dạy tiếng Anh cho cho trẻ em, sử dụng trò chơi là một biện
pháp hiệu quả và hữu ích nhằm tạo không khí học tập vui nhộn cũng như lôi cuốn
học sinh vào bài học, góp phần cải thiện khả năng tiếp thu kiến thức và rèn
luyện kĩ năng ngoại ngữ cho trẻ. Sau đây là 10 trò chơi đơn giản và phổ biến
thường được áp dụng để dạy các kỹ năng tiếng Anh khác nhau cho trẻ em.
Dạy kĩ năng đọc
1. Mặt nạ (Word masking)
Giáo viên sẽ che một từ trong bài đọc lại. Khi học sinh đọc mỗi
câu trong bài, giáo viên cần cố gắng giúp các em tìm ra từ bị thiếu trong câu
là gì. Giáo viên có thể khuyến khích các em sử dụng các gợi ý như nghĩa, âm từ
vựng tương ứng ngữ pháp.
2. Bingo- Chiến thắng (Bingo)
Học sinh sẽ lựa chọn một danh sách cho các từ vựng có trong truyện
hoặc bài đọc và viết chúng vào một khung lưới gọi là bảng bingo. Giáo viên sẽ
đọc tên các từ ngẫu nhiên và học sinh nối các từ vừa được đọc trong bảng Bingo
của mình. Ai hoàn thành một đường thẳng nối các từ trước sẽ hô Bingo. Em nào có
nhiều đường thẳng Bingo nhất sẽ là người chiến thắng.
3. Đối mặt (Facing game)
Trò chơi này dựa trên một gameshow trên truyền hình. Học sinh đứng
theo hình vòng tròn. Giáo viên sẽ chọn một chủ đề nhất định và mỗi học sinh sẽ
có vài giây để đọc to một từ hay cụm từ liên quan đến chủ đề đã chọn. Nếu em
nào không thể đưa ra câu trả lời của mình, em đó sẽ bị loại và trò chơi sẽ tiếp
tục. Người thắng cuộc sẽ là em học sinh duy nhất còn lại. Trò chơi này cũng phù
hợp để sử dụng trong giảng dạy từ vựng
4 Những từ bí ẩn (Secret Words)
Trong trò chơi này, giáo viên sẽ chuẩn bị sẵn một số tấm thẻ, mỗi
tấm đều ghi tên một từ vựng nhất định. Học sinh được chia thành 2 nhóm và mỗi
nhóm sẽ lần lượt đặt câu hỏi cho giáo viên để có được gợi ý liên quan đến từ
vựng trong từng thẻ. Nhóm nào tìm ra từ bí ẩn trước sẽ giành 1 điểm. Trò chơi
sẽ tiếp diễn cho đến khi tấm thẻ cuối cùng được hoàn thành và nhóm giành số
điểm cao nhất sẽ chiến thắng.
Dạy từ vựng
5. Nhớ tranh (Remembering pictures)
Chia học sinh thành 3 hoặc 4 nhóm. Giáo viên cầm một số bức tranh
liên quan đến từ vựng đã dạy ở bài trước trước và giơ lần lượt từng bức tranh
lên. Các em có cơ hội để nhìn vào mỗi bức tranh khoảng 4 hoặc 5 giây. Khi giáo
viên giơ tranh xong, mỗi thành viên của các nhóm sẽ lần lượt chạy lên bục giảng
và chỉ viết tên của một bức tranh. Nhóm nào có nhiều câu trả lời nhất và hoàn
thành nhanh nhất sẽ là người chiến thắng
6. Chiếc ghế nóng (Hot Seat)
Giáo viên chia học sinh của mình thành 3 hoặc 4 đội và chọn mỗi
nhóm 1 thành viên ngồi lên Ghế Nóng và quay mặt về phía lớp. Giáo viên viết một
từ lên bảng, và một thành viên trong đội của học sinh đang ngồi trên Ghế Nóng
phải diễn tả giúp đồng đội của mình đoán được ra từ vựng trên mà không được
nói, đánh vần hay viết tên từ đó ra. Trò chơi sẽ tiếp diễn cho đến khi thành
viên trong các đội đều đã diễn tả từ vựng cho đồng đội ngồi trên Ghế Nóng của
mình.
Trò chơi này cũng có thể áp dụng để dạy kĩ năng nói.
Dạy ngữ pháp
7. Từ xáo trộn (Word Jumble Race)
Giáo viên viết ra một số câu, sau đó cắt chúng thành từng từ. Đặt
mỗi câu đã bị cắt vào mũ, ly hoặc bất kỳ vật gì có thể chứa được và tách chúng
riêng biệt. Chia lớp thành các nhóm gồm 2, 3, hoặc 4 học sinh. Các đội bây sẽ
phải sắp xếp các từ trong câu của mình theo đúng thứ tự. Đội chiến thắng là đội
đầu tiên hoàn thành các câu của mình một cách chính xác.
8. Nhảy cóc (Jumping games)
Trò chơi này cần một khoảng không gian rộng chặng hạn như sân
trường. Học sinh sẽ đứng thành một hàng. Giáo viên sẽ đọc một danh sách các câu
hay từ liên quan đến một cấu trúc ngữ pháp đã dạy trước đó. Học sinh quyết định
câu hay từ giáo viên vừa đọc đúng hay sai để nhảy lên phía trước hoặc nhảy
ngược về phía sau. Em nào nhảy sai sẽ bị loại ra khỏi hàng.
Dạy kĩ năng nghe
9. Simon says (Simon says)
Giáo viên đứng trước lớp và đóng vai Simon. Giáo viên nói “Simon
says” cùng với tên của bất kỳ một hành động nào đó và diễn tả bằng cử chỉ cho
dù chỉ của giáo viên có thể không đúng với tên hành động vừa nêu. Học sinh có
nhiệm vụ lắng nghe và diễn tả lại hành động được nêu tên, không nên bắt chước
hành động của giáo viên hoàn toàn. Em nào diễn tả sai sẽ là người thua cuộc.
10. Truyền miệng (Word of Mouth)
Giáo viên chia lớp thành 2 nhóm đứng thành hàng và nói thầm với
học sinh đứng đầu tiên tên một từ vựng nhất định, học sinh đó sẽ phải nói thầm
từ trên cho bạn kế tiếp và tiếp tục cho đến khi em học sinh cuối cùng trong
hàng đọc to từ vừa được truyền. Nếu em học sinh trên có thể phát âm từ được thì
thầm chính xác, cả đội sẽ giành được 1 điểm.
Một biến thể khác của trò chơi này thay vì thì thầm thì các thành
viên trong đội sẽ viết ra giấy và giơ cho bạn kế tiếp xem.