Đại dịch COVID-19 và 3 bài học lớn giúp bạn trưởng thành


Chỉ vài tuần trước, chúng ta vẫn đang quay cuồng trong núi công việc khổng lồ, tất bật với những deadline dồn dập, hối hả trong những cuộc họp chiến lược, bận rộn trong những vòng quay của cuộc sống. Không hề báo trước, bất ngờ và lặng lẽ, một loại virus đáng sợ mang tên Corona đã làm đảo lộn cuộc sống của cả nhân loại. Mọi thứ bỗng chống thay đổi, số lượng ca nhiễm không ngừng tăng lên ở khắp mọi nơi, hàng ngàn người chết, tất cả cửa hàng, hãng bay, trường học,... đồng loạt bị đóng băng. Chỉ trong chưa đầy ba tháng, dịch cúm này đã làm thay đổi cả thế giới, kể cả những quốc gia hùng mạnh với nền y tế hiện tại nhất như Mỹ, Anh, Pháp,... cũng phải lao đao.

Vào lúc này, hiển nhiên, nỗi sợ hãi và hoang mang về dịch bệnh, về cái chết, về nạn thất nghiệp, đói nghèo,... bao trùm trong lên cả thế giới. Mọi chuyện đều trở nên rất tệ và tất cả chúng ta đều hiểu điều đó. Nhưng thay vì lo lắng và hoảng sợ, hãy sống chậm lại và suy ngẫm về cuộc sống, về những điều mà dịch bệnh Corona đã nhắc nhở chúng ta.

Bài học số 1: Chúng ta vốn là những con người luôn thích những thứ mà mình không có được, những thứ mà mình đang có lại không biết trân trọng.

Đã sống ở trên đời, ai cũng mong muốn được hạnh phúc. Gần 98.900.000 kết quả trên Google chỉ trong 0.52s cho từ khóa “làm thế nào để có thể hạnh phúc”, hàng trăm bài báo lớn nhỏ, hàng nghìn video chia sẻ cách để khiến cuộc sống hiện tại của bạn tốt đẹp. Nhưng có lẽ cách đơn giản nhất đó chính là tự cảm thấy hài lòng với cuộc sống mình đang có.
Nếu như cách đây một tháng, có ai hỏi rằng tôi có hạnh phúc với cuộc sống hiện tại không thì câu trả lời của tôi sẽ luôn là không. Làm sao tôi có thể thấy thỏa mãn với hiện tại được khi mỗi ngày đi làm là áp lực dồn dập, phải làm ngày làm đêm để chạy đua với KPI đề ra, tiền lương thì ít mà còn bao nhiêu thứ phải mua, bao nhiêu việc cần phải làm. Cuộc sống bận rộn khiến tôi cực kỳ mệt mỏi, tôi chỉ ước có thể nằm dài cả ngày ở nhà, nghỉ ngơi thỏa thích, không cần suy nghĩ, lo âu.
Và rồi, dịch cúm Covid 19 xuất hiện, cả thành phố phải cách ly cộng đồng, công ty tôi cho nhân viên nghỉ hơn một tháng nay. Tôi gần như ở lì trong nhà, chỉ ra ngoài khi mua lương thực. Và tôi đã ở nhà nằm nghỉ ngơi cả ngày như điều tôi mong ước.
Nhưng một tháng ở nhà, tôi chỉ cảm thấy trống rỗng, tôi thèm được ra ngoài, nhớ công ty và sếp vô cùng, và tôi đã nhận ra rằng:
Hóa ra được hít thở bầu không khí trong lành, không phải đeo khẩu trang hàng ngày đã là một điều hạnh phúc.
Hóa ra chỉ cần được đến công ty làm việc, đối mặt với những áp lực hàng ngày đã là một điều hạnh phúc.
Hóa ra chỉ cần được chào hỏi, nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm,... cũng là một điều hạnh phúc.
Hóa ra chỉ cần được cuối tuần ra rạp chiếu phim xem một bộ phim hay, được ra quán cafe ngồi ngắm cảnh hay được đi dạo trong công viên cũng là một điều hạnh phúc.
Hóa ra chỉ cần được đi lại tự do, ngắm nhìn thành phố xô bồ, nhộn nhịp cũng là một điều hạnh phúc.
Hóa ra chỉ cần được sống, được hít thở cũng là một điều hạnh phúc.
Hóa ra tôi vốn dĩ là một là người hạnh phúc.
Có một ai đó đã nói rằng “Tất cả mọi thứ chỉ quý giá ở hai thời điểm, trước khi có được và sau khi mất đi”. Đại dịch Corona đã làm tôi thay đổi và làm cho tất cả chúng ta đều thay đổi. Chúng ta luôn luôn phàn nàn về mọi thứ, về cuộc sống hiện tại không theo ý mình nhưng không hề nhìn vào hướng tích cực và tận hưởng những gì mình đang có. Nhưng bây giờ, khi chúng ta bị hạn chế, sống trong sợ hãi và hoang mang về virus Covid 19, thì chúng ta mới nhận ra cuộc sống trước kia của chúng ta tươi sáng như thế nào, chúng ta mới hiểu những điều chúng ta luôn coi là bình thường trước kia lại vô cùng quý giá như thế nào.
Cuộc sống này không ai có thể biết trước được điều gì. Có thể ngày hôm trước bạn còn đang khỏe mạnh, ngày hôm sau, bạn bỗng dưng suy yếu, nằm liệt giường. Hãy tận hưởng cuộc sống, hãy trân trọng những gì mình đang có trước khi thời gian dạy bạn biết phải trân trọng những gì bạn đã từng có.

Bài học số 2: Hơn tất cả, sức khỏe là tài sản quan trọng nhất của con người

Đã bao lần, bạn tự nhủ “Mình phải tập thể dục, mình phải dậy sớm chạy bộ hàng ngày” rồi lại tặc lưỡi bỏ qua, lại để ngày mai. Ngày hôm sau, bạn lại chần chừ, để chơi nốt ngày hôm nay đã.
Có một sự thật nghịch lý là những người chăm chỉ dậy sớm, tập thể dục hàng ngày lại chiếm đa số ở lứa tuổi trung niên trở lên - những người ở độ tuổi nghỉ ngơi. Còn giới trẻ ngày nay hầu như thường chơi game thâu đêm suốt sáng, dậy muộn, bỏ bữa sáng đã là chuyện bình thường.
Nguyên nhân bởi vì chỉ khi chúng ta đến lứa tuổi trung niên, đến khi cảm thấy sức khỏe suy yếu thì chúng ta mới bắt đầu giữ gìn nó. Chỉ khi, chúng ta nằm trên giường bệnh, khiến ta phải đứng giữa ranh giới của sinh tử, của sự sống và cái chết thì ta mới có thể ngộ ra tài sản quý giá nhất của cuộc đời mình, đó chính là Sức khỏe.
Rất nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ thời gian và tiền bạc của mình để theo đuổi những thú vui hiện tại nhưng lại coi thường sinh mệnh của mình. Chúng ta sẵn sàng thức đêm suốt sáng để xem phim, để chơi game nhưng lại không chịu bỏ ra 1 tiếng mỗi ngày để tập thể dục, giữ gìn sức khỏe. Chúng ta sẵn sàng bỏ cả gia tài để chăm chút sắm những bộ quần áo đắt tiền, mua đồng hồ, mua xe,.... nhưng lại tiếc vài trăm ngàn để mua bảo hiểm y tế, để bảo vệ sức khỏe chính mình. Chúng ta sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng để bảo dưỡng cho “xế cưng” của mình hàng tháng nhưng lại không chịu bỏ tiền ra để đi kiểm tra sức khỏe hàng năm. Chúng ta luôn tự tin rằng, mình còn trẻ, mình còn sức khỏe, mình còn rất nhiều thời gian.
Virus Corona đột ngột xuất hiện, nó lây lan và tấn công bất kỳ ai, kể cả những người trẻ khỏe mạnh nhất. Hiện tại, virus chưa hề có thuốc đặc trị, thứ duy nhất có thể giúp chúng ta khỏe lại chính là sức đề kháng của chúng ta. Nhiều bác sĩ đã chia sẻ rằng công việc của họ chỉ là giúp bệnh nhân gắng gượng qua hai tuần đầu tiên rồi sau đó, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân sẽ phát huy tác dụng, trở thành lá chắn hữu dụng để chiến đấu lại con virus đáng sợ này. Cơ thể càng khỏe mạnh, sức đề kháng càng tốt, thì cơ hội hồi phục càng cao. Cơ thể yếu, thể chất yếu thì càng gặp khó khăn trong việc điều trị.
Paul Tournier đã từng nói “Không giống như người ta thường nghĩ, hầu hết các căn bệnh không đột ngột ập đến tấn công ta. Chúng đã được tích tụ hàng năm trời, từ chế độ ăn uống không điều độ, từ lối sống phóng túng, buông thả, từ cuộc sống lao lực, vất vả hay từ nỗi trầm buồn, u uất trong tâm hồn, từ từ chầm chậm xói mòn sinh lực của chúng ta.” Không có căn bệnh nào là bất ngờ xảy đến, tất cả đều có nguyên nhân. Hầu hết các người bệnh ung thư khi còn trẻ đều do thức khuya, do chế độ ăn nhiều dầu mỡ, hay do việc làm việc quá sức,...Mọi chứng bệnh đều được tích lũy trong một thời gian dài, do sự chủ quan và coi thường sức khỏe của con người.
Vậy nên, xét cho cùng, bất kể sinh mệnh hay vận mệnh, đều do một tay của chúng ta nắm giữ, đều do hành động của chúng ta ngày hôm nay tạo thành.
Cho dù cuộc sống của bạn có thể nào, bận rộn như thế nào, có khó khăn đến đâu, hãy luôn luôn trân trọng sinh mạng mà cha mẹ đã cho bạn. Và hãy luôn luôn nhớ rằng “Có sức khỏe, tất cả mọi thứ mới có ý nghĩa. Không có sức khỏe, mọi thứ chỉ là hư vô.”

Bài học số 3: Cuộc sống của chúng ta vẫn còn tồn tại thứ gọi là tình yêu thương

Có một câu nói rất hay mà tôi đã từng được đọc “Dịch Covy đã làm chúng ta cách ly về mặt địa lý nhưng lại làm cho chúng ta lại gần nhau hơn về mặt tâm hồn”. Chính trong nghịch cảnh, virus càng lây lan, tình người lại càng được lan tỏa, tình yêu thương lại càng được lan rộng.
Trước đây, ta chỉ coi việc chữa bệnh của các bác sĩ là chuyện đương nhiên, đó chính là công việc và trách nhiệm của họ. Chỉ khi đại dịch xảy ra, ta mới biết được nghề y cao quý và dũng cảm đến nhường nào.
Trong tiểu thuyết Lão Hạc, Nam Cao đã viết rằng “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến người khác đâu. Khi người ta đau khổ thì người ta chẳng còn nghĩ gì được nữa.”
Ấy vậy mà khi đứng trước hiểm nguy, khi mà sức khỏe của họ và gia đình còn đang bị đe dọa, họ lại có thể bỏ qua tất cả để thực hiện nhiệm vụ cao cả: “Cứu người”. Những câu chuyện về nhiều vị bác sĩ trên thế giới đã hy sinh vì kiệt sức để cứu bệnh nhân, bác sĩ người Pháp dù ung thư vẫn cố làm việc ở bệnh viện cứu người, những y tá nữ ở Trung Quốc đã cai sữa sớm cho con để cùng chung tay chống dịch,... đã làm lay động trái tim của chúng ta.
Còn ở Việt Nam, ta cũng chẳng thể quên được hình ảnh hàng trăm, hàng nghìn nhân viên y tế, cán bộ điều dưỡng ở khu cách li nằm mệt lả trên những tấm bìa cát tông vì kiệt sức. Họ đã gạt sang một bên sức khỏe và cuộc sống riêng tư của mình để giúp dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng. Hơn 280 bác sĩ về hưu tình nguyện ở lại chống dịch, hơn 10.000 chiến sĩ “nhường nhà, nhường chiếu” cho người dân cách ly, hàng trăm sinh viên Y Khoa tự nguyện lên sân bay chặn dịch trực đường dây nóng tư vấn,....
Vậy điều gì đã khiến họ có được dũng khí vượt qua lằn ranh của sự nguy hiểm, của nỗi nhớ gia đình và người thân để trở thành những người anh hùng thầm lặng? Đó chính là tình yêu thương.
Tình yêu thương không chỉ tồn tại ở trên chiến trường chống dịch mà còn lan tỏa ở hậu phương. Hàng loạt cây ATM gạo để cứu đói bà con, từ siêu thị hạnh phúc 0 đồng, từ những chiếc khẩu trang được phát miễn phí... của những mạnh thường quân lập nên để giúp đỡ người nghèo, bà con chống dịch. Những thông điệp “Ở nhà vẫn vui” được lan truyền khắp cộng đồng mạng, kêu gọi mọi người ở trong nhà để giảm đi gánh nặng cho các bác sĩ, nhân viên. Rất nhiều những lời nhắn gửi yêu thương, những lời cảm ơn của cộng đồng đã được gửi đến các y bác sĩ, thay cho lời cảm ơn và động viên cùng vượt qua giai đoạn này.
Tôi đã từng nghe câu chuyện của một diễn giả nổi tiếng, John Keller. Khi ông thuyết trình ở sân vận động hàng trăm nghìn người, ông đã yêu cầu tắt hết đèn điện đi, và đốt một que diêm giữa bóng tối âm u. Sau đó, ông yêu cầu những ai nhìn thấy ánh sáng thì hãy hô to lên, cả sân vận động đông đúc vang lên “Đã thấy”. Sau đó, ông yêu cầu mọi người hãy đốt cháy que diêm của mình, cả sân vận động bỗng bừng sáng. Ông kết luận “Một que diêm nhỏ cũng như một hành động nhân ái của con người, cũng sẽ tạo nên ánh sáng hy vọng trong đêm tối mịt mù. Nhưng nếu mọi người cùng đốt những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương thì sẽ tạo nên sức mạnh kỳ diệu, xua tan bóng tối và cái ác.
Và điều kỳ diệu đã xảy đến với Việt Nam, khi rất nhiều hành động yêu thương được trao đi, bóng tối u ám của dịch bệnh và tử thần đã dần dần bị xua đi, và số lượng ca mắc bệnh đã giảm đi đáng kể, và càng ngày càng có nhiều bệnh nhân xuất viện và hồi phục trở lại.

Lời cảnh tỉnh của đại dịch Covid 19

Mọi chuyện xảy ra trên thế giới này đều có lý do của nó. Chúng ta không thể đoán trước được tương lai, thay vì mong chờ những thứ bạn nghĩ là nên xảy ra, hãy đơn giản hơn là chấp nhận những điều đang xảy ra trong cuộc sống.. Thay vì lo lắng và sợ hãi về dịch bệnh, hãy học cách thích nghi, phòng chống và tự giữ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Đại dịch giống như một hồi chuông cảnh tỉnh của Thượng đế dành cho loài người, nhắc nhở chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình, trân trọng cuộc sống hiện tại và sức khỏe mà mình đang có và hiểu rằng tình yêu thương luôn luôn tồn tại trong cuộc sống. Hãy sống thật tốt và lan tỏa tình yêu thương của mình, bạn nhé!!
Huyền Nguyễn - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ

3 nhận xét:

  1. Đại dịch giúp cho ta hieu biet tien ko phai la tat ca

    Trả lờiXóa
  2. Dành cho ta hiểu biết về cuộc sống và đồng tiền không phải là tất cả cả

    Trả lờiXóa
  3. Bài học lớn nhất đó chính là Cuộc sống của chúng ta vẫn còn tồn tại thứ gọi là tình yêu thương

    Trả lờiXóa

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.