Suy cho cùng, sống cho người cũng là đang giúp mình
"Sống vì bản thân mình hay xả thân vì người khác" là bài viết của tác giả Võ Đức Huy trong cuộc thi Triết học tuổi trẻ. Với những lời văn hay, phân tích lập luận khá thuyết phục, nên tôi xin được đăng tải lại để giúp tiếp cận nhiều hơn tới các bạn trẻ, để cùng tiếp lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ trong việc nhìn nhận bản thân và cống hiến cho xã hội. Hi vọng với thông điệp sống ý nghĩa, rõ ràng như đã đề cập trong bài viết, tất cả chúng ta hãy cùng sống không chỉ vì bản thân mà hãy sống vì cộng đồng.
"Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì hỡi em, để gió cuốn đi."
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình, đó
là nỗi niềm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi nghe câu này, tôi bất giác nhớ lại
chuyện xưa. Lúc tôi học lớp 10, cô giáo đang giảng bài thì chợt thấy một bạn nữ
bị cảm lạnh. Cô bảo cả lớp tắt quạt trần để bạn thấy dễ chịu hơn. Chúng tôi đắn
đo vì trời hôm đó khá nóng. Cô đành phải nói:
"- Mình không bị cảm, mình chịu nóng chút không sao, nhưng bạn chịu lạnh không được.”
Sau câu nói ấy, quạt đã được tắt. Có thể với người khác, chuyện ấy khá bình thường. Nhưng với kẻ hay nghĩ lung tung này, câu chuyện như ẩn chứa một khúc mắc mà có lẽ khi lớn rồi, chúng ta cũng khó mà tìm ra được một lời giải vẹn toàn:
"- Mình không bị cảm, mình chịu nóng chút không sao, nhưng bạn chịu lạnh không được.”
Sau câu nói ấy, quạt đã được tắt. Có thể với người khác, chuyện ấy khá bình thường. Nhưng với kẻ hay nghĩ lung tung này, câu chuyện như ẩn chứa một khúc mắc mà có lẽ khi lớn rồi, chúng ta cũng khó mà tìm ra được một lời giải vẹn toàn:
Liệu tôi và bạn có dám chịu khổ ải để giúp người khác?
Ảnh: internet |
Ngày xửa ngày xưa, ở vương quốc Babylon
có bò và lừa là đôi bạn thân. Đang yên lành thì bò ta phàn nàn với lừa rằng
mình khổ quá, phải kéo cày bất chấp gió sương, kéo từ mờ sáng đến tối mịt. Lừa
vốn có máu nghĩa hiệp thầm kín, bèn xúi bò giả ốm để được nghỉ phép dưỡng bệnh.
Bò răm rắp nghe theo và thành công. Ngặt nỗi theo định luật bảo toàn thì công
việc không tự nhiên sinh ra cũng chẳng tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ gia
súc này sang gia súc khác. Anh lừa cuối cùng nhận quả đắng, bị ông chủ bắt đi
cày thay cho bò.
Cuối ngày, khi gặp lại người bạn bò yêu
dấu, lừa ta không thể kìm nén bản thân khỏi cơn tam bành được nữa:
"Tôi giống như những kẻ ngu ngốc khác, ban đầu muốn giúp đỡ anh tránh làm công việc nặng nhọc, nhưng cuối cùng lại phải làm thay anh. Từ đây, anh phải lo làm việc của anh đi. Bởi vì tôi nghe tiếng ông chủ bảo rằng sẽ mổ thịt anh khi nào anh bị ốm lần nữa. Anh đúng là một kẻ lười biếng!”
Thẩm thấu từng lời đay nghiến của quân sư đắc lực, chàng bò chuyển yêu thương thành thịnh nộ, đặt dấu chấm hết cho một tình bạn đẹp đẽ.
"Tôi giống như những kẻ ngu ngốc khác, ban đầu muốn giúp đỡ anh tránh làm công việc nặng nhọc, nhưng cuối cùng lại phải làm thay anh. Từ đây, anh phải lo làm việc của anh đi. Bởi vì tôi nghe tiếng ông chủ bảo rằng sẽ mổ thịt anh khi nào anh bị ốm lần nữa. Anh đúng là một kẻ lười biếng!”
Thẩm thấu từng lời đay nghiến của quân sư đắc lực, chàng bò chuyển yêu thương thành thịnh nộ, đặt dấu chấm hết cho một tình bạn đẹp đẽ.
Bàn tay tặng hoa hồng thì tự nó thơm trước
tiên. Trao đi hoa hồng để nhận lại hương thơm, một màn giao dịch sòng phẳng với
đời. Ta trao lòng tốt cũng vì muốn nhận phước lành hân hoan, chứ không phải niềm
đau khôn tả. Nhiều lúc tôi thắc mắc tại sao có người làm ơn bị mắc oán mà vẫn
không từ bỏ cái tâm nhiệt thành? Hóa ra họ không cần con người trả ơn, nhưng lại
mong mỏi ông trời sẽ ban thưởng vào ngày nào đó. Rồi nhỡ ông trời nói bạn toàn
lo chuyện bao đồng, ổng không thưởng đâu, thì liệu còn mấy ai phí sức để giúp
người khác?
Người không vì mình, trời tru đất diệt
Cô giáo tôi hồi thi đại học đã chỉ bài
cho một chị cùng phòng, rồi chị đậu, cô rớt. Cô chua chát bảo chị kia dùng hai
cái đầu, mình chỉ dùng một thôi, rớt là đáng lắm. Cô đành thi lại, tốn thêm một
năm đèn sách, một quãng thanh xuân. Sam Levenson từng nói:
“Khi bạn trưởng thành, bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn có hai bàn tay, một là để giúp đỡ chính mình, và một là để giúp đỡ những người khác.”Đừng dùng cả hai tay giúp ai đó, hãy giữ lại một cánh tay để phòng thân, như cách sư phụ mèo đã không truyền thụ tuyệt kỹ trèo cây cho đệ tử hổ, nhờ vậy mà may mắn thoát khỏi nanh vuốt của con hùm phản chủ.
Để trời không tru, đất không diệt, đôi
khi con người đành gạt bỏ lòng tốt mà đạp lên đồng loại để trở thành kẻ mạnh.
Xã hội này khắc nghiệt lắm, cá lớn nuốt cá bé, mạnh thì được, yếu ắt thua. Lúc
ta trúng tuyển phỏng vấn, nhiều ứng viên bị đánh trượt; khi ta mua túi da cá sấu,
một sinh linh bò sát phải lìa bỏ thế gian. Ta phải mạnh, mạnh để hưởng trọn mọi
đặc quyền. Ta phải mạnh, mạnh để thoải mái ban ơn, cứu vớt những kẻ chiếu dưới
mà không sợ họ sẽ làm địa vị của ta lay chuyển.
Chúng ta lên án một nhóm người đói gần
chết ăn xác bạn mình là vô nhân tính. Nhưng thật tâm họ đâu muốn hại ai, họ chỉ
hành động vì bản thân mình. Khi đại dịch Covid-19 càn quét đất Mỹ cờ hoa, dân Mỹ
chen lấn để tranh giành từng gói mì, chai nước, cuộn giấy vệ sinh,... Họ đổ xô
đi mua súng phòng thân vì sợ hãi bạo lực xã hội leo thang. Một người đã mua
súng vì thấy hai cô gái đánh nhau để chiếm thùng nước cuối cùng ở siêu thị.
Tiffany Teasdale, chủ một cửa hàng súng ở Washington, cho biết: "Nếu
bình thường, ngày may mắn nhất có thể bán được 25 khẩu súng thì bây giờ mỗi
ngày chúng tôi có thể bán ra tới 150 khẩu các loại." Liệu họ dùng
súng để phòng thân được bao lâu? Hay khi bí bách thì họ lại dùng những khẩu
súng đó để cướp giết? Bản chất loài người là thế, trần trụi như câu nói của
nhân vật Joker:
"Khi gặp chuyện ngặt nghèo, những cái con người văn minh này chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau. Hiểu không?"
Nhân chi sơ tính bản ác, Tuân Tử quan niệm
con người vốn ác vì có quá nhiều dục vọng như ham ăn, hám lợi, háo sắc, hiếu
danh,... Ai cũng nương theo dục vọng thì xã tắc loạn, vậy nên cần biến ác thành
thiện bằng bồi dưỡng giáo dục. Vậy có lẽ cái thiện chỉ là phản xạ có điều kiện,
hình thành từ quá trình sống và rèn luyện, chẳng phải bản tính trời sinh. Cha đẻ
của phản xạ có điều kiện là Ivan Petrovich Pavlov cho rằng phản xạ này có thể mất
do ngoại cảnh. Thời cuộc rồi sẽ phá bỏ tính thiện được khổ luyện và phơi bày
tâm ác bẩm sinh. Nhưng tôi thông cảm cho cái ác ấy, vì nó là bản năng sinh tồn
chính đáng của con người trước thiên nhiên. Trong lúc nguy khốn, ta cần làm tất
cả để sống, còn đâu hơi sức và tâm tư để duy trì nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Đến bản năng chân chính cũng bị ném đá
Làm người phải linh hoạt, liệu cơm gắp mắm,
lắm lúc còn dùng bản năng sinh tồn để tương kế tựu kế mà ứng phó với dòng đời vạn
biến. Một người Nhật Bản đã thi hành triết lý ấy cực kỳ tốt, đó là ông Masabumi
Hosono, hành khách của con tàu Titanic xấu số. Ngày 15/04/1912, khi tàu Titanic
đang chìm dần ở Đại Tây Dương, chỉ có phụ nữ và trẻ em mới được lên xuống cứu hộ
trước. Ông Hosono đã bất chấp liều mình nhảy lên xuồng để giành lấy sự sống.
Ông chia sẻ:
"Tôi đã chuẩn bị tất cả cho giờ phút cuối cùng của mình, và sẽ chết trong danh dự như một công dân Nhật Bản. Thế nhưng một phần khác trong tôi vẫn tìm kiếm con đường sống sót.”Nhưng người Nhật bức xúc nói ông hèn nhát, thiếu danh dự, làm xấu mặt nước Nhật, ông đáng lí nên chịu chìm chung với khách trên tàu để xứng đáng với tinh thần samurai. Hosono trở thành tội đồ, phải sống hổ thẹn trong suốt phần đời còn lại.
Năm 2016, cư dân mạng từng ném đá cô Lê
Thị Bích vì dùng áo ngực thấm nước che mũi để thoát khỏi đám cháy trong một
quán karaoke ở Hà Nội. Họ nhẫn tâm gõ những bình luận độc ác, dù hành động ấy
được Đại úy Trương Tuấn Vinh của đội Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy số 3 Hà Nội
hết lời khen ngợi:
"Nếu Bích không xử trí như vậy có thể hậu quả sẽ không biết như thế nào. Trong lúc nguy cấp, tính mạng con người là quan trọng nhất, đừng câu nệ điều gì cả."Cô cay đắng tâm sự:
"Điều em buồn nhất, thất vọng nhất là sau khi nhìn tấm hình của em cầm chiếc áo ngực chạy khỏi đám cháy thì lại chửi rủa và nói rằng lúc ấy em ngồi hát với khách bị "khách lột hết đồ" nên vơ vội áo ngực và chạy ra ngoài."
Nguồn ảnh: internet |
Mạng người quý giá lắm, cứu một mạng người
còn hơn xây bảy tòa tháp. Ấy vậy mà khi một người nỗ lực sống sót khỏi tai ương
thì đám đông lại buông lời gièm pha, thay vì vui mừng chúc phúc. Tôi thật sự
không hiểu gì cả. Phải chăng đối với họ có thứ gì khác còn đáng giá hơn mạng sống
của một con người? Hay họ lúc nào cũng thích chết vinh hơn sống nhục? Họ muốn
Hosono và Bích phải chết để phẩm hạnh được sáng tỏa ngàn đời như những nam hùng
nữ kiệt thuở xưa?
Nhưng nếu tất cả đều cố sống cho mình, ai sẽ "độ" xã hội?
Một nàng công chúa đem lòng yêu chàng
thường dân, quấn quýt đến không rời. Đột ngột vua cha truyền chỉ gả nàng cho
thái tử nước láng giềng để thắt chặt tình lân bang. Giữa đường rước dâu, nàng
trốn khỏi kiệu hoa, tìm về với anh người yêu. Hai người đi đến một nơi thật xa
để bên nhau trọn đời. Công chúa đã dám rũ bỏ tất cả vì người thương. Tình yêu bất
diệt của nàng vượt qua mọi toan tính chính trị và luân lý trái ngang của xã hội
phong kiến.
Nhưng nàng chẳng nghĩ cho phụ vương của
mình. Vua cha chắc hẳn rất khó xử, không biết ăn nói làm sao với ông bà
"sui gia hụt". Chưa kể vua nước láng giềng có thể tức giận mà xua
quân sang xâm lược đất nước của nàng. Triều đình sẽ điêu đứng, dân chúng ắt lầm
than, tất cả chỉ vì tình yêu ích kỷ của vị công chúa. Cảm xúc trai gái nồng nàn
ấy có đáng để nàng đánh đổi vận mệnh dân tộc mình không? Trong khi chẳng ai dám
chắc nàng sẽ sống hạnh phúc với anh người yêu kia đến cuối đời.
Nhiều lúc tôi và bạn đều muốn được tự do
tự tại, ung dung giữa đất trời bao la, không còn bị ràng buộc bởi định kiến,
quy tắc và chuẩn mực. Chị em phụ nữ chẳng cần công dung ngôn hạnh, thủ tiết chờ
chồng mòn mỏi trên sườn núi Vọng Phu. Những bà vợ chẳng cần tần tảo hy sinh một
đời vun vén tổ ấm, để rồi ngậm ngùi chia chồng mình cho người thứ ba. Con cái
chẳng cần tuân thủ gia quy cứng nhắc hay chọn nghề theo ý cha mẹ. Mạnh ai nấy sống,
sống như cách nàng công chúa kia chạy theo tiếng gọi trái tim, thế mà an nhiên.
Rồi cộng đồng dần tan rã vì các cá nhân
quyết tâm theo đuổi hướng đi riêng, thay vì chôn chân mãi trong một tập thể.
Suy đi nghĩ lại thì đây là chuyện tốt, vì khi mỗi người ra đi, họ sẽ lập nên
các cộng đồng mới, cộng đồng mới sẽ tan và nhiều cộng đồng mới khác lại nối tiếp.
Nhưng đau xót làm sao khi thấy những làng nghề truyền thống biến mất vì chẳng
ai muốn nối nghiệp, các gia tộc lớn tuyệt tự vì mọi đứa con thích sống độc
thân, mồ mả cỏ mọc um tùm chẳng ai dọn dẹp. Đất đai cha ông khổ công mở mang,
di sản tổ tiên nhọc lòng gây dựng, tất cả sẽ đi về đâu nếu con cháu không có ý
chí thừa kế?
Nguồn ảnh: internet |
Chỉ khi xả thân vì nhau, chúng ta mới chạm đến phi thường
Muốn đi nhanh cứ đi một mình, muốn đi xa
thì phải đi cùng nhau. Đi cùng nhau, sống cho nhau thật không dễ, nhưng hoa quả
của nó lại ngọt ngào. Nhờ cưu mang nhau, đảo quốc Nhật Bản mới tồn tại và trỗi
dậy mạnh mẽ sau thiên tai tàn khốc. Trong mùa dịch Covid-19, nhờ biết nghĩ cho
nhau, người Việt mới chấp hành tốt cách ly, tạo ra những cây ATM phát gạo, suất
cơm cứu đói; bộ đội nhường phòng cho người cần, chính phủ cử đội bay vào tâm dịch
đón người về nước. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi phường xã là một pháo
đài, tất cả cùng nắm tay nhau đưa Việt Nam tiến thẳng vào hàng ngũ các quốc gia
kiểm soát dịch tốt nhất thế giới.
Mỗi cá nhân là cơ quan của một thân thể
khổng lồ, có phước cùng hưởng, có họa cùng chia. Môi miệng bị thương, không
nhai nuốt được thì lấy đâu chất bổ nuôi tay chân? Tay chân lười không kiếm ăn,
cơ thể đói chết, lúc đó liệu vi khuẩn phân hủy có tha cho môi miệng? Tạo hóa
không cho ai hoàn hảo, vậy nên phải biết nương tựa, bù khuyết để tồn tại và
phát triển. Mỗi người mạnh ngang ngửa một cây đũa, bẻ là gãy, nhưng đũa đứng
cùng nhau thành bó thì khó lòng bẻ được.
Suy cho cùng, sống cho người cũng là đang giúp mình
Sông Jordan có hai đầu, một đầu đổ vào
Biển Chết, đầu kia chảy vào biển hồ Galilee. Biển Chết nhận nước nhưng không
chia cho ai, nước trở nên mặn và không sinh vật nào sống nổi. Ngược lại, biển hồ
Galilee biết san sẻ nguồn nước với ao hồ, mương lạch chung quanh, từ đó trở
thành một nơi trù phú mà muôn loài luôn muốn tìm về. Dẫu có khó khăn, thiệt
thòi thế nào đi nữa, tôi và bạn cũng hãy cố gắng sống như biển hồ Galilee kia,
bởi vì:
"Một ánh lửa sẻ chia là một ánh lửa lan tỏa. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng. Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ cho riêng mình. Sự sống trong họ rồi cũng chết dần chết mòn như nước trong lòng Biển Chết." (truyện Hai Biển Hồ)
Tác giả: Võ Đức Huy - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác