8 thói quen ăn uống dễ bị mắc bệnh ung thư
Bệnh ung thư ngoài xuất phát từ yếu tố di truyền, lười vận động thì ung thư cũng có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống của từng người. Chế độ và thói quen ăn uống không lành mạnh cũng là một yếu tố chính khiến bạn mắc bệnh ung thư.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới WHO, ung thư hay khối u ác tính là tên gọi chung của nhóm bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Khi một người bị ung thư nghĩa là cơ thể họ đang tồn tại các tế bào bất thường, có thể xâm lấn sang các bộ phận khác. Di căn là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư.
Theo thống kê của WHO, trên toàn thế giới có khoảng 9,6 triệu ca tử vong vì bệnh ung thư vào năm 2018, trong đó ung thư phổi, vú, đại trực tràng, tuyến tiền liệt ... là một trong những loại ung thư phổ biến nhất.
Vậy vì sao ung thư lại phổ biến như vậy là câu hỏi chung của nhiều người, bệnh ung thư ngoài xuất phát từ yếu tố di truyền, lười vận động thì chế độ ăn uống không lành mạnh cũng là một yếu tố nguy cơ chính.
8 thói quen ăn uống dễ bị mắc bệnh ung thư |
Người xưa có câu "Bệnh tật từ miệng mà ra", và bệnh ung thư cũng vậy. Trong bài viết này chúng tôi liệt kê 8 thói quen ăn uống làm tăng nguy cơ mắc ung thư mà bạn cần phải tránh.
Ăn tối muộn, ăn khuya
Các nhà nghiên cứu từ Viện Y tế Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) tại Tây Ban Nha cho biết: Những người thường xuyên ăn sau 9 giờ tối và đi ngủ ngay sau khi ăn tối có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn 25% so với những người không có thói quen này.
Cũng tương tự như việc làm ca đêm, ăn tối muộn cũng có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học, rối loạn hormone và làm ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Thói quen ăn khuya, ăn tối muộn có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt vì cả hai đều liên quan đến các dấu hiệu nội tiết tố.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Manolis Kogevinas cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi kết luận rằng việc tuân thủ các chế độ ăn uống ban ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư nói chung. Đồng thời, những phát hiện này cũng góp phần khẳng định tầm quan trọng của chế độ ăn trong việc đánh giá nhịp sinh học và ngừa ung thư."
Bạn nên nhớ, thời điểm ăn tối tốt nhất là 18h30 và nên ăn ít nhất 3 tiếng trước khi đi ngủ.
Tiêu thụ nhiều thịt chế biến sẵn
Vào năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO đã chính thức phân loại thịt chế biến sẵn là chất gây ung thư ở người.
Theo định nghĩa của WHO: Thịt chế biến sẵn là các loại thịt đã bị biến đổi thông qua quá trình ướp muối, sấy khô, lên men, xông khói, hoặc các quá trình xử lý khác để tăng hương vị thịt hoặc để bảo quản được lâu hơn.
IARC đã thực hiện phân tích dữ liệu từ 10 nghiên cứu và ước lượng được rằng nếu mỗi người tiêu thụ 50g thịt chế biến sẵn hàng ngày (tương đương với khoảng 4 miếng thịt xông khói hoặc 1 chiếc xúc xích) thì nguy cơ ung thư đại trực tràng sẽ tăng lên khoảng 18%.
Vì sao thịt chế biến sẵn lại nguy hiểm đến vậy? Theo các chuyên gia, các loại thịt chế biến sẵn thường được tẩm ướp nhiều chất phụ gia, sản sinh ra các hóa chất sau quá trình chế biến hoặc nấu thịt (ví dụ như hợp chất N-nitroso và hydrocarbon thơm đa vòng, có thể gây tổn thương ADN và phát triển ung thư).
Để bảo đảm cho sức khỏe, bạn nên hạn chế ăn thịt chế biến, thay vào đó nên ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Bạn cũng nên lựa chọn cá, thịt gia cầm thay vì thịt đỏ hay thịt chế biến.
Ăn nhiều thịt nướng
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, ăn thịt nướng hay chiên thịt ở nhiệt độ cao có thể tạo thành các hóa chất có thể làm hỏng DNA, làm tăng nguy cơ ung thư.
Các thực phẩm được chế biến bằng phương pháp chiên, nướng cũng có thể sản xuất ra chất acrylamide - loại chất độc được WHO xếp loại vào nhóm 2A, nhóm "có thể gây ung thư trên người". Bên cạnh làm tăng nguy cơ ung thư, độc tính acrylamide đã được chứng minh có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống thần kinh và hệ thống sinh sản. So với nướng thì phương pháp chế biến thực phẩm bằng cách luộc, hấp... được chứng minh là lành mạnh hơn cả.
Sử dụng chai nhựa kém chất lượng để đựng nước
Theo tổ chức phi lợi nhuận Breastcancer.org, sử dụng một số loại chai nhựa đựng nước có thể làm ô nhiễm chất lỏng với các hóa chất có khả năng gây hại như BPA, chúng có thể gây rối loạn cân bằng nội tiết tố của cơ thể và làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Đồng thời, chai nhựa được tạo thành từ nhiều phân tử hydrocacbon lẫn nhiều hóa chất khác để tăng độ dẻo hoặc tạo màu sắc. Tính an toàn của chai nhựa phụ thuộc vào loại nhựa được sử dụng. Việc sử dụng các chai nước nhựa kém chất lượng có thể dẫn tới vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư và vô sinh.
Ăn nhiều đồ ngọt
Đồ ngọt (bánh kẹo, nước ngọt, trà ngọt,…) là sở thích của nhiều người. Tuy nhiên chúng luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung. Bởi vì khi ăn nhiều đồ ngọt sẽ làm tăng insulin, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tế bào ung thư nội mạc tử cung hình thành và phát triển.
Ngoài ra, việc cơ thể hấp thụ lượng đường quá lớn có thể khiến phụ nữ phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Những người có thói quen ăn đồ ngọt có nguy cơ mắc UT vú cao hơn khoảng 27% so với những người có chế độ ăn uống điều độ, khoa học, không ham đồ ngọt.
Ngoài ra, ăn nhiều đồ ngọt dễ gây béo phì từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng, thực quản, thận, tuyến tụy, túi mật, buồng trứng,…
Ăn các thực phẩm muối chua
Có rất nhiều người, đặc biệt là các chị em phụ nữ có sở thích ăn đồ muối chua như cà muối, dưa muối,… Các thực phẩm muối lên men dễ sinh ra các vi khuẩn và các chất độc hại. Khi đi vào cơ thể, đó chính là các tác nhân gây nên bệnh ung thư vòm họng và các bệnh ung thư về đường tiêu hóa.
Ăn các thực phẩm để qua đêm
Chúng ta thường có thói quen bảo quản thức ăn thừa vào tủ lạnh để ngày hôm sau ăn để tránh bỏ phí. Thức ăn bảo quản trong tủ lạnh vẫn bị biến đổi nhưng tốc độ chậm hơn so với bảo quản ngoài. Vì ở nhiệt độ 5-8°C, các vi sinh vật có hại vẫn có thể phát triển và gây biến đổi protein trong thực phẩm. Quá trình này sẽ tạo ra nitrat, nitrit có hại cho cơ thể, gây nên hiện tượng nhiễm độc, ung thư.
Ăn nhanh như "hổ đói"
Ăn quá nhanh dường như là một vấn đề thường gặp đối với nhân viên văn phòng trong thời đại ngày nay. Áp lực công việc và cuộc sống làm cho nhân viên văn phòng ở trong tình trạng căng thẳng cao, ăn uống dường như chỉ đơn giản là nhu cầu thể chất, vì vậy họ thường ăn uống rất nhanh. Trong thực tế, điều này là vô cùng bất lợi cho sức khỏe của bạn.
Bác sĩ Amanda Foti, một chuyên gia dinh dưỡng cao cấp tại Selvera Weight Management Program chia sẻ với tạp chí Self: "Từ nhiều năm, các chuyên gia dinh dưỡng vẫn đưa ra lời khuyên mọi người nên ăn chậm lại và điều này có lý do của nó. Ăn quá nhanh có thể gây ra những khó chịu nghiêm trọng như khó tiêu, thậm chí trào ngược axit. Cắn miếng quá to và nhai quá nhanh khiến cho nước bọt và các enzym không kịp tiết ra để bôi trơn và phân hủy thức ăn thành các hạt nhỏ hơn trước khi vào dạ dày. Ăn nhanh cũng khiến bạn nuốt nhiều không khí vào trong bụng, từ đó gây đầy hơi, chướng bụng, tổn thương đường tiêu hóa, thậm chí là ung thư".
Nguồn: sưu tầm internet
Không có nhận xét nào:
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác